Nhà 4 đời làm ngư dân, startup được rót vốn khủng với giấc mơ làm ngư trường nuôi mực nhảy
Trong tập 14 "Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ", ông Huỳnh Bá Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Mực nhảy Biển Đông, giới thiệu một giải pháp phân phối mực với hy vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho cuộc sống của ngư dân và hệ sinh thái biển. Ông Ngọc kêu gọi đầu tư 5 tỷ đồng cho 10% cổ phần công ty.
Startup này chuyên thu mua và vận chuyển mực còn sống từ các địa phương để phân phối cho hệ thống các nhà hàng lớn. Bá Ngọc cho biết, mực nhảy là cụm động từ dành cho trạng thái đang bơi lội của con mực.
Bá Ngọc cho biết, hơn 1 năm qua, Mực nhảy biển Đông đã cho ra thị trường hơn 12 tấn sản phẩm, mang lại doanh thu hơn 8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, startup này cũng mang lại giá trị cho người ngư dân hơn 2 tỷ đồng.
Mô hình hoạt động của Mực nhảy Biển Đông là thu mua mực từ ngư dân và bán lại cho các hệ thống hải sản lớn tại các tỉnh thành hoặc bán lẻ cho khách hàng. Mực nhảy Biển Đông sử dụng xe tải có các bể chứa nước với môi trường mô phỏng theo môi trường thực tế (độ lạnh, độ mặn) như trước khi bắt mực lên. Bằng cách này, Mực nhảy Biển Đông có thể vận chuyển mực hoàn toàn tươi sống. Với công nghệ như hiện tại, ông Ngọc tự tin có thể vận chuyển mực sang Lào.
Theo ông Ngọc, trong khoảng một năm trở lại đây, Mực nhảy Biển Đông đã mang cung cấp ra thị trường 12 tấn sản phẩm, tương đương doanh thu 8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng đã mang lại giá trị cho những người ngư dân với số tiền 2 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của Shark Liên về việc kỹ thuật này có phải là bí quyết riêng hay không, Bá Ngọc chia sẻ thêm: “Cá nhân em đến bây giờ là 33 tuổi. Nhưng em có 13 năm gắn bó với biển. Em được sinh ra trong thế hệ 4 đời làm ngư dân. Cách đây tầm 1 tháng, em có cuộc họp. Khi em nói ra tất cả những cái em biết về mực, trong đó có rất nhiều thạc sĩ, các bác có chuyên môn nhưng chưa nắm được. Em nghĩ cái này là cái đặc biệt của em”.
Theo ông Ngọc, với cách đánh bắt hiện tại bằng thuốc nổ và khi kéo lưới ngư dân kéo cả cá con, ổ mực hay ổ cá, khoảng 5 năm nữa, tài nguyên hải sản ở biển sẽ cạn dần. Ngược lại, để có thể bắt được những con mực tươi sống như của Mực nhảy Biển Đông, ngư dân bắt buộc phải chuyển sang các cách khai thác bền vững hơn như câu hay dùng lưới đơn thuần.
Với cách đánh bắt truyền thống, ngư dân có thể bán mực ra thị trường với mức giá từ 80.000 đồng đến 130.000 đồng/kg. Trong khi đó, Mực nhảy Biển Đông đang thu mua vào với mức giá từ 250.000 đến 300.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, mực tươi sống cũng có trọng lượng lớn hơn mực đã chết. Trọng lượng cao hơn cộng với mức giá cao hơn của Mực nhảy Biển Đông đang giúp ngư dân có thể phụ trội thêm 175.000 đồng/kg mực, theo ông Ngọc.
Sau khi nghe phần trình bày, Shark Hưng tỏ ra hoài nghi về sản phẩm của Mực nhảy Biển Đông khi cho rằng các khách sạn hay nhà hàng lớn thường không dùng hải sản "đang bơi" vì lý do an toàn thực phẩm. Các đối tượng khách hàng này vẫn thường thích dùng hải sản đông lạnh bởi vì loại thực phẩm này đã qua kiểm định. Shark Hưng đồng thời nói rằng cách bảo quản của ngư dân Việt Nam vẫn còn khá thô sơ và điều này khiến hải sản mất đi phần lớn giá trị.
Theo Shark Hưng, những gì Mực nhảy Biển Đông mang đến đang góp phần giải quyết vấn đề này song nó quá tốn kém và chưa hiệu quả. Ông khuyến nghị startup chuyển sang nghiên cứu giải pháp của người Nhật, trong đó có làm lạnh bằng sung từ trường (làm lạnh không đóng đá).
Ông Ngọc cũng chia sẻ hiện Mực nhảy Biển Đông cũng đang áp dụng các tủ cấp đông với nhiệt độ -35 độ C ở khoảng thời gian 1 tiếng. Theo Shark Hưng, khoảng thời gian này vẫn là quá dài và đủ để phá vỡ, phân huỷ cấu trúc của hải sản.
Còn Shark Bình lại thắc mắc đề việc mực Việt sẽ cạnh tranh như thế nào với mực của các quốc gia khác. Bá Ngọc cho biết tất cả sản phẩm mực trên thế giới đều được đánh bắt từ những người ngư dân. Khi tất cả những con mực ấy bắt về đều đã được ướp đá hoặc cấp đông. “Với một sản phẩm mực đang bơi thế này mà đưa vào cấp đông thì em nghĩ có đủ thế mạnh để cạnh tranh với tất cả những sản phẩm mực khác”, Bá Ngọc nêu ra ý kiến.
Shark Bình cho rằng startup có “giấc mơ hơi lãng mạn” vì các quốc gia khác cũng có công nghệ, thậm chí còn hiện đại hơn. Những nước gần hay ngay tại địa phương thì sẽ thuận tiện hơn rất nhiều trong việc vận chuyển, phân phối.
Nói về thị trường, ông Ngọc nói rằng nếu có đủ tiềm lực Mực nhảy Biển Đông có thể khai thác được ở 50 ngư trường với năng suất khoảng 150 tấn mực/tháng. Ông Ngọc tin rằng sau ba năm nữa Mực nhảy Biển Đông có thể trở thành một doanh nghiệp nghìn tỷ.
Hiện tại, ông Ngọc đang khai thác chủ yếu ở Vũng Tàu vì nguồn mực dồi dào, trong khi đó đó, Côn Đảo là khu vực có quỹ nước phù hợp cho việc nuôi và nhân giống mực.
Shark Liên đưa ra đề nghị đầu tư 5 tỷ cho 35% cổ phần với điều kiện Bá Ngọc phải quay trở về chính quê hương của mình để xây dựng sự nghiệp ở đó, giúp ngư dân đánh bắt và bảo tồn hệ sinh thái cho các loài sinh vật biển.
Có hứng thú với startup, Shark Bình ra đề nghị 5 tỷ cho 35% cổ phần, tương tự như Shark Liên và “không yêu cầu bạn phải chuyển đi đâu hết”.
Shark Hưng, Shark Linh và Shark Phú đều từ chối đầu tư vì cho rằng mô hình kinh doanh của startup khá thuần túy, truyền thống, chưa có nền tảng để có thể tăng trưởng nhanh.
Cuộc thương thảo lúc này chỉ còn lại Shark Liên và Shark Bình. Shark Liên bất ngờ điều chỉnh đề nghị của mình còn 5 tỷ cho 25% cổ phần và cho biết: “Tôi giảm bớt đi điều kiện. Bạn không hẳn phải về đấy sống nhưng phải mở một cái gì đó để người miền Trung nhìn thấy Công ty Mực nhảy biển Đông là chính tên của bạn phải ở quê hương của bạn”.
Bá Ngọc sau đó đưa ra đề nghị mới là 5 tỷ cho 15% rồi nâng lên 20% cổ phần và bày tỏ mong muốn trong quá trình dự án nhân giống và nuôi mực, nếu Mực nhảy biển Đông có khó khăn về tài chính thì Shark cho vay thêm.
Shark Liên khẳng định: “Vay hoặc bằng hình thức nào đó, tôi sẽ giúp được bạn thực hiện được giấc mơ này”. Tuy vậy, Shark vẫn giữ mức đề nghị 5 tỷ cho 25% cổ phần. Cuối cùng, Nhà sáng lập Mực nhảy biển Đông chốt nhận đầu tư của Shark Liên.