Đà Nẵng: Nhiều chính sách khuyến khích sinh viên các trường khởi nghiệp
Bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tại thành phố Đà Nẵng đã có nhiều kết quả tích cực và bắt đầu đi vào chiều sâu. Công tác hỗ trợ của thành phố đã góp phần quan trọng kết nối các thành phần của hệ sinh thái, lan tỏa tinh thần KNĐMST trên địa bàn thành phố, hệ sinh thái khởi nghiệp từng bước được hình thành và thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng, số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn thành phố từng bước được phát triển và nâng cao.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 10 Câu lạc bộ khởi nghiệp và trung tâm khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng và 2 Quỹ đầu tư khởi nghiệp.
Các đơn vị như Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, Thành đoàn, Đại học Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu Đào tạo Việt Anh đã tổ chức nhiều cuộc thi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) cho các đối tượng học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phụ nữ, cộng đồng lập trình viên và hỗ trợ tổ chức 7 lớp tập huấn về KNĐMST.
Đồng thời, các đội thi của thành phố được hỗ trợ tham gia một số cuộc thi có uy tín về KNĐMST trong, ngoài nước và đạt được nhiều kết quả tích cực. Thông qua đó, đã giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng lực, kinh nghiệm, kết nối được với mạng lưới và mời gọi đầu tư cũng như thu hút cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài nước biết đến thành phố Đà Nẵng trong lĩnh vực KNĐMST.
Những năm qua, hoạt động truyền thông về KNĐMST được đẩy mạnh, đa dạng về hình thức, với hàng trăm phóng sự và tin bài tuyên truyền trên các kênh phương tiện thông tin đại chúng, website chuyên ngành về các sự kiện, tấm gương doanh nghiệp KNĐMST, cơ chế chính sách, chương trình hoạt động KNĐMST trên địa bàn thành phố.
Theo bà Hậu, để hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công trong các trường đại học, cao đẳng là rất khó khăn. Thực tế cho thấy, trong hai hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các trường đại học, cao đẳng vẫn còn tách rời và mới chỉ phát huy được hoạt động sáng tạo (sinh viên nghiên cứu khoa học) mà chưa thực sự gắn kết cả hai hoạt động này với nhau, hoạt động khởi nghiệp các trường hiện nay chủ yếu mới chỉ khơi dậy được tinh thần khởi nghiệp, chứ chưa phát huy được hiệu quả trong thực tiễn.
"Vì thế, Hội thảo lần này được tổ chức nhằm "Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng" với mục đích góp phần thúc đẩy quá trình phát triển các ý tưởng khởi nghiệp, hoạt động ươm tạo, tiếp cận các mô hình thành công về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các trường, để từ đó giúp sinh viên khơi nguồn cảm hứng khởi nghiệp đến khám phá bản thân và trải nghiệm thực tế đối với các dự án khởi nghiệp", bà Hậu nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển công nghệ Bách Khoa Hà Nội cho biết, để tổ chức thành công các mô hình khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng thì nhà trường cần chú trọng việc đầu tư cơ sở vật chất, trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết và những trải nghiệm cần thiết cho sinh viên nhưng không đòi hỏi chỉ số quá cao về số lượng startup mà là khởi tạo tâm thế, tư duy khởi nghiệp và tinh thần doanh nhân, giúp sinh viên sáng tạo những dự án giải quyết các vấn đề tạo ra sự tác động đối với xã hội.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp thúc đẩy phát triển hoạt động KNĐMST trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố như hình thành cơ chế chính sách, đội ngũ nhân sự, xây dựng kế hoạch, mục tiêu và tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ vốn… Để từ đó có thể đề xuất, lựa chọn các giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp với mục tiêu, sứ mệnh tầm nhìn và đặc điểm các nhóm ngành đào tạo của mỗi trường.