Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa đủ điều kiện vẫn đưa vào vận hành?

21/10/2019 11:08 GMT+7
Mặc dù vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề tồn tại chưa đủ điều kiện nghiệm thu để đưa vào khai thác sử dụng nhưng không hiểu sao, Nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 1 rầm rộ và cấp phát nước cho người dân?

Ngày 30/8/2019, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng thuộc Bộ Xây Dựng đã có công văn số 447/GĐ-GĐ3 gửi UBND TP.Hà Nội về việc khánh thành công trình nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 1.

Công văn nêu rõ: Công trình nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn 1 đã được Cục giám định tổ chức kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra tại văn bản số 832/GĐ-GĐ3, 833/GĐ-GĐ3 ngày 24/7/2018, văn bản số 1510/GĐ-GĐ3 ngày 21/12/2018 và văn bản số 624/GĐ-GĐ3 ngày 18/6/2019. Cho đến nay, chủ đầu tư đã cung cấp các hồ sơ, tài liệu bổ sung.

Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa đủ điều kiện vẫn đưa vào vận hành? - Ảnh 1.

Tổng thể Nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 1.

Tuy nhiên còn một số tồn tại như: Chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc (phải được đặt trong lồng theo quy chuẩn QCVN 07:2016/BXD, tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006); chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ Epoxy; kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ với các chủng loại ống;

Về sự cố vỡ ống tại chân cầu vượt Phú Thụy (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) ngày 3/6/2019, hiện trường cho thấy chất lượng thi công đường ống chưa đảm bảo các yêu cầu theo thiết kế. Căn cứ theo quy định tại điều 31, 32 nghị định số 46/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thì công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng.

Công văn lưu ý UBND TP.Hà Nội cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình đồng thời chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương khắc phục các tồn tại để đảm bảo chất lượng công trình theo thiết kế.

Tuy nhiên, ngày 5/9/2019, nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn được tổ chức khánh thành rầm rộ.

Tiếp đến, ngày 13/10, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã nhấn nút phát nước giai đoạn 1 của dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống và phát động khởi công xây dựng giai đoạn 2 của nhà máy này. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 5.000 tỉ đồng, bao gồm 2 hợp phần chính, gồm: Công trình thu - trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 61,5 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm), tuyến ống truyền dẫn nước sạch dài 76 km phân bố trên huyện Gia Lâm, quận Long Biên, huyện Sóc Sơn, huyện Đông Anh, quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và tỉnh Hưng Yên. Theo thiết kế, các tuyến ống dẫn nước từ Nhà máy nước sạch tới khu vực dân cư phải vượt qua 3 con sông. Trong đó 2 sông lớn là sông Hồng và sông Đuống bằng phương pháp đánh chìm qua sông.

Trước đó, như Dân Việt có bài "Dự án Nhà máy nước sông Đuống sử dụng đường ống Trung Quốc có tổng đầu tư gấp 3 lần Sông Đà?" và "Nhà máy nước sông Đuống bán giá cao gấp đôi sông Đà: Hà Nội quyết mua, ai thiệt?" phán ánh về việc, không chỉ có số vốn đầu tư cao ngất ngưởng, giá bán nước sinh hoạt cao, sử dụng đường ống dẫn của Trung Quốc... Nhà máy nước mặt sông Đuống còn khiến người dân phải "phát sốt" vì khả năng biến cái tưởng chừng như vô lý thành hiện thực khi Hà Nội đã quá "ưu ái" cho đơn vị này trong quá trình đầu tư và bán nước sạch.

Cụ thể, Dự án nước mặt sông Đuống, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, công suất 150.000 m3 nước/ngày đêm, trong khi Dự án nước sông Đà có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng, công suất 300.000 m3/ngày đêm.

Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa đủ điều kiện vẫn đưa vào vận hành? - Ảnh 3.

Đại diện Nhà máy nước mặt sông Đuống cho biết nước bán giá cao là do phải làm đường ống dài...

Điều đáng nói, Dự án này lại có dùng đường ống của Công ty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc). Đây chính là doanh nghiệp mà năm 2016 đã trúng thầu cung cấp ống nước cho đường ống nước sông Đà nhưng bị Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc này. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, chỉ sau vài tháng sau chỉ đạo của Thủ tướng, hợp đồng cung cấp ống cho Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn được ký với chính nhà thầu Trung Quốc Xinxing.

Lý giải về việc vì sao Hà Nội lại mua nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống cao gần gấp đôi so với các nhà máy nước sinh hoạt khác, đại diện nhà máy này cho biết: nước bán giá cao là do phải làm đường ống dài... đó là do đầu tư lớn vì làm đường ống dài, bản thân dự án này ra đời còn đảm bảo được an ninh nước trong vùng. Cũng như đây chỉ là giá tạm tính để vay vốn ngân hàng?

Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa đủ điều kiện vẫn đưa vào vận hành? - Ảnh 4.

Sau cuộc họp về việc xem xét điều kiện bù giá nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông và Công ty cổ phần Viwaco (thuộc VINACONEX). Đại diện Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà đã có ý kiến về vấn đề này.

Vị đại diện của Nhà máy nước mặt sông Đuống cũng cho rằng, chính việc phải kéo dài đường ống nước đi nhiều quận huyện như vậy đã khiến cho giá của mỗi mét khối nước lên tới 10.264 đồng.

"Để sản xuất ra mỗi mét khối nước tại chỗ, giá thành chỉ có hơn 1.000 đồng. Nhưng để đưa nước cung cấp cho nhân dân sử dụng, xây dựng tuyến đường ống tốn kém hơn nhiều", vị đại diện này nhấn mạnh.

Ở một diễn biến khác, tại báo cáo về hoạt động cấp nước bán buôn trên địa bàn TP.Hà Nội, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà cũng cho biết, hiện tại công ty này đang tiến hành cung cấp nước sạch cho các đơn vị Viwaco và Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3. Chỉ cần với giá bán này, hai đơn vị mua lại nước của Công ty nước sạch sông Đà là Viwaco và Hà đông vẫn đang hoạt động ổn định và có lãi. Hiện tại ngân sách nhà nước không phải thực hiện bù giá cho các đơn vị này.

Công ty cổ phần nước sạch sông Đà đã khuyến cáo với cơ quan chức năng, nếu mua nước từ một đơn vị cung cấp khác có giá cao hơn, có thể dẫn tới việc hao tổn ngân sách do trợ giá nước. Đương nhiên ai cũng biết, như vậy giá nước đến với người dân sẽ cao hơn. Và ngân sách thành phố cũng sẽ hao tổn thêm phần nào bởi bù giá.

Dân Việt
Cùng chuyên mục