Nhà ở xã hội: Thiếu quỹ đất vì sử dụng sai mục đích

23/07/2019 09:41 GMT+7
Quỹ đất 20% theo quy định để xây NƠXH tại các khu đô thị lớn hiện nay đã bị biến tướng, Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị các cấp báo cáo về tình hình sử dụng quỹ đất đô thị để phát triển NƠXH.

Trong quý III/2019, Bộ Xây dựng được giao kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành để phát triển nhà ở xã hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành báo cáo việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.

Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành báo cáo việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội 

Mới chỉ đạt 30% Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia

Theo như ông Nguyễn Trần, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Theo số liệu được đưa ra từ Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2011 – 2020, toàn quốc cần  440.000 căn hộ phục vụ cho nhu cầu nhà ở xã hội. Cụ thể, TP. HCM cần khoảng 134.000 căn, Hà Nội cần khoảng 110.000 căn, Bình Dương cần 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn, Đà Nẵng 11.500 căn...

Như Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, nhu cầu nhà ở xã hội tại khu đô thị cần đến 12,5 triệu m2 sàn. Thế nhưng, đến nay các dự án đã hoàn thành và đang triển khai mới có tổng cộng gần 4 triệu m2, chỉ đạt khoảng 30% so với kế hoạch. Hiện tại đã bước sang quý III/2019 nhưng diện tích sàn còn cần cho nhà ở xã hội là rất lớn.

TPHCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ. Đến năm 2020, thành phố có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn.

Hà Nội xây dựng mục tiêu phát triển nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp đến năm 2020 cần hơn 4.676.000 m2 sàn; nhà ở cho công nhân khoảng hơn 567,5 m2 sàn.

Ở Việt Nam, mức trung bình sở hữu nhà ở là 24-25m2/người nhưng có những hộ gia đình sở hữu hàng trăm m2/người trong khi nhiều hộ chỉ dưới 6m2/người.

20% quỹ đất để làm NƠXH “bốc hơi”

Cũng theo ông Nam, năm 2009, nhà ở xã hội phát triển mạnh do các Nghị quyết của Chính phủ giao nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, sinh viên. Chính phủ đã đầu tư  17.000 tỉ đồng, tương đương 1 tỉ USD để xây dựng nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, ý thức và sự thiếu trách nhiệm, chưa thành tâm của một bộ phận lãnh đạo, kể cả cấp bộ ngành trung ương chưa thực sự phục vụ dân, chưa nhận thức đúng trách nhiệm.

Năm 2013, riêng Hà Nội và TP. HCM có 20 nghìn ha đất, 20% tương ứng 4 nghìn ha đất cho nhà ở xã hội. Quỹ đất tuy thoải mái nhưng rất nhiều doanh nghiệp không thực hiện không thực hiện giải phóng mặt bằng hoặc đợi thời cơ để chuyển đổi mục đích sang nhà thương mại.

Doanh nghiệp không mặn mà với nhà ở xã hội

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng chỉ ra nguyên nhân kết quả phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Việc đầu tư nhà ở xã hội không được các doanh nghiệp đón nhận, đặc biệt, khi mức thu nhập của người dân vẫn còn thấp và tâm lý của người dân vẫn chỉ muốn mua để có sở hữu, không muốn thuê nhà ở và do một số cơ chế chính sách chưa phù hợp thực tế.

Nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế. Chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là việc bố trí đủ quỹ đất để phát triển.

Ông Nam cũng chia sẻ, theo luật pháp quy định, phải dành 20% quỹ đất trên tổng quỹ đất dành cho các dự án phát triển nhà ở thương mại và đô thị trên 10 ha làm nhà ở xã hội nếu thực hiện đúng sẽ không thiếu đất để làm nhà ở xã hội.

Hiện nay, một số địa phương lớn đang làm không đúng quy định của luật, Nghị định của Chính phủ như không phê duyệt quy hoạch dành 20% diện tích để xây nhà ở xã hội tại các dự án; có phê duyệt nhưng phê duyệt ở các góc khuất, khó đền bù giải phóng mặt bằng, bãi tha ma… tại đó các doanh nghiệp làm nhà ở thương mại trước, còn phần làm nhà ở xã hội thì lờ đi không làm; có quy hoạch, có giải phóng, có đất nhưng thành phố có biểu hiện “ngâm đất”, dấu, không phân cho chủ đầu tư nào rồi để lâu cho quên đi, sau đó thành phố chuyển đổi và cấp cho chủ đầu tư khác làm nhà ở thương mại…

Theo như kết luận của Thanh tra Chính phủ, trên địa bàn Hà Nội có nhiều sai phạm, thất thoát trong việc quản lý, sử dụng sai mục đích quỹ đất 20% tại nhiều khu đô thị, dự án nhà ở. Từ đó, chủ đầu tư được hưởng lợi vì không cần thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do những điều chỉnh quy hoạch có lợi cho chủ đầu tư, gây thất thu ngân sách nhà nước. 

Theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội thì chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất (bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT) và hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục