Nhà sáng lập Seed To Table với 23 năm vì nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

19/10/2020 13:30 GMT+7
Mayu Ino - nhà sáng lập tổ chức Seed to Table (Từ hạt giống đến bàn ăn) đã dành nửa đời mình sát cánh với hành trình giúp đỡ nông dân Việt Nam.

Mô hình giúp đỡ nông dân Việt Nam trồng rau hữu cơ

Mayu Ino (SN 1974) là người Nhật Bản đến Việt Nam năm 1997. Khi đó Mayu theo học tại trung tâm Nghiên cứu về Việt Nam và giao lưu văn hoá thuộc khoa Sử, trường đại học Quốc gia Hà Nội.

Sau khi ra trường, Mayu làm việc cho tổ chức tình nguyện quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam, với những phần việc hỗ trợ, xây dựng các dự án cộng đồng cho các nơi khó khăn ở một số tỉnh. 

Đến năm 2009, tổ chức này ngưng hoạt động ở Việt Nam, nhưng Mayu không trở về Nhật Bản, mà tự đứng ra thành lập tổ chức Seed to Table (Từ hạt giống đến bàn ăn). Đây là mô hình phát triển cộng đồng phổ biến ở Nhật Bản, nhưng còn lạ lẫm ở Việt Nam.

Tổ chức Seed to Table do bộ Ngoại giao Nhật Bản tài trợ, với mục đích giúp đỡ nông dân Việt Nam trồng rau hữu cơ và chăn nuôi để cải thiện sinh kế. 

Nhà sáng lập Seed To Table với 23 năm vì nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - Ảnh 1.

Mayu Ino, Giám đốc Seed To Table, một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sạch bền vững.

"Thời điểm đấy nhu cầu của các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam cần người biết tiếng Việt nên tôi cộng tác. Đa phần các dự án trợ giúp người dân nông thôn nên tôi có dịp gặp gỡ nhiều nông dân ở Sơn La, Hòa Bình, Hải Phòng, Nghệ An... Khi tổ chức tôi làm việc không còn triển khai dự án ở Việt Nam, mọi thứ cũng còn dang dở nên tôi tự lập tổ chức Seed To Table để tiếp tục hỗ trợ họ", chị Mayu chia sẻ.

Dù không học chuyên ngành nông nghiệp nhưng Mayu lại kết nối nhiều nguồn lực để hỗ trợ nhà nông. Trước đây những chương trình hỗ trợ dành cho việc phát triển chăn nuôi như "ngân hàng bò", "ngân hàng vịt"... giúp nông dân những con giống đạt chuẩn để họ chăn nuôi theo đúng quy trình. Vốn vay của họ chính là con giống, sau này trả lại bằng những lứa bò con, vịt con để chuyển cho hộ khác tiếp cận chương trình... Cứ thế "nhân giống" lên và hàng trăm hộ nông dân vươn lên thoát nghèo.

Tôi vẫn thường nói với nông dân là “muốn chăm cây hãy chăm đất”. Khi đất đã được nghỉ ngơi, không ngậm đầy hoá chất hay thuốc diệt cỏ, chung quanh có hàng rào tươi bằng cây, có ao để lắng và nên trồng hoa thu hút côn trùng thiên địch. Tất cả là một chuỗi bài bản phải được học và hành nghiêm túc, không xuề xoà tuỳ tiện được. Làm hồi sinh đất, bằng mọi cách hồi phục sinh mệnh sống cho đất, cả một kỳ công của kiến thức, kỹ năng và tính kiên nhẫn.

Mayu Ino

Với số vốn ít ỏi được phân bổ đều mỗi năm, công việc của Mayu là đi đến từng cộng đồng người nghèo, tìm hiểu tài nguyên, văn hóa và phương kế sinh nhai truyền thống của người địa phương, từ đó giúp họ nuôi trồng, khai thác tốt tài nguyên, phát triển văn hóa bản địa, gìn giữ môi trường bằng cách canh tác an toàn.

Gìn giữ môi trường, canh tác an toàn, khai thác tốt tài nguyên...trong cách làm của Mayu chính là làm nông nghiệp sạch, sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ. Chị lăn lộn với nông dân, dạy họ cách ủ phân chuồng hay dùng phân trùn quế để bón cho rau, phòng trừ sâu bệnh bằng cách tự pha nước tỏi, ớt phun, tưới, ghi nhật ký nuôi, trồng.

Mayu Ino nỗ lực kêu gọi bà con giữ gìn hạt giống bản địa. Với chị, mỗi hạt giống là một nền văn hóa, văn minh phải trải qua nhiều thế hệ mới có được. Hạt giống bản địa bao giờ cũng cho sản phẩm ngon, thơm, chất lượng hơn giống ngoại nhập.

Mayu lo ngại giống ngoại nhập cho năng suất cao, thời gian thu hoạch ngắn nhưng chất lượng sản phẩm không thể bằng giống bản địa. Hơn nữa, nếu cứ chạy theo giống ngoại nhập, dần dần bà con sẽ đánh mất đi nguồn gen thực vật quí giá mà nhiều nơi trên thế giới ao ước có được.

Mayu và cộng sự hướng dẫn họ cách làm đất, lựa chọn và bảo tồn hạt giống, cách làm phân ủ, cấy lúa cải tiến, canh tác theo mô hình lúa - vịt, lúa - cá, canh tác trên đất dốc... Chị kêu gọi người dân địa phương cùng mình sưu tập các loại giống bản địa, lập hồ sơ thông tin, hỏi kinh nghiệm canh tác, đặc tính của từng loại giống từ những người cao tuổi trong vùng nhằm để lại cho thế hệ sau.

Làm nông nghiệp hữu cơ cần kiên trì

Lý do mà Mayu chọn con đường gắn bó với nông dân Việt Nam đơn giản là cái duyên. Thời gian đầu sống tại Việt Nam, cộng tác với một số tổ chức phi chính phủ, Mayu có cơ hội đi đến các tỉnh, thành phố, làm thân với nông dân qua chương trình hỗ trợ.

"Bà con rất tốt nên khi ấy, tôi thấy mình có trách nhiệm phải làm gì đó hợp tác và giúp đỡ họ", Mayu nói về động lực thành lập Seed to Table.

Nói về những khó khăn khi thực hiện dự án, Mayu cho biết: "Do Seed to Table là một tổ chức nước ngoài, nên mọi vấn đến của chúng tôi đều bị ràng buộc, giám sát bởi Chính phủ Nhật trong việc sử dụng nguồn tài trợ sao cho có hiệu qảu và với ngay các cơ quan đoàn thể của địa phương trong việc cấp phép hoạt động… Do đó, hiện chúng tôi cũng đang chọn lọc địa phương phù hợp nhất để có thể triển khai trong thời gian tới".

Nhà sáng lập Seed To Table với 23 năm vì nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - Ảnh 4.

Tuy nhiên, thời gian đầu, chúng tôi mất khá nhiều thời gian để thuyết phục họ hợp tác do có một số suy nghĩ cục bộ. Có lẽ do họ nghĩ đây chỉ là việc hỗ trợ cho Seed To Table chứ không phải là vì quyền lợi của người dân địa phương, việc xin giấy phép triển khai dự án, cũng như việc giới thiệu những cán bộ nòng cốt của địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn mất khá nhiều thời gian. Đó là vấn đề mà chúng tôi rất quan ngại, bởi sẽ không còn nhiều thời gian làm dự án".

Khi triển khai dự án nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Bến Tre khoảng chục năm nay, chị Mayu cùng bà con bắt tay vào hành trình cải tạo đất, chọn hạt giống và nhờ những đối tác chuyển giao kỹ thuật chăm sóc... để những hạt rau phải đạt chuẩn theo hệ thống PGS (hệ thống đảm bảo có sự tham gia).

Ban đầu có gần trăm hộ nông dân đăng ký tham gia nhưng vào làm thực tế, buộc phải đảm bảo quy trình từ cải tạo đất đến việc bắt sâu bằng tay hoặc dùng những loại dung dịch tự giã từ tỏi, ớt... để trừ sâu thì nhiều hộ xin rút lui. "Để có được mớ rau sạch, nông dân rất vất vả. Có vài hộ đã lén dùng thuốc bảo vệ thực vật nhưng do sự giám sát lẫn nhau khiến họ không thể qua mắt được mọi người. Ban đầu rất đông nông dân nhưng dần dần có người xin ra khỏi. Những ai còn ở lại là những người rất tâm huyết", chị Mayu tâm sự,

Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng Mayu Ino luôn kiên nhẫn và dứt khoát đồng hành cùng bà con trên hành trình đưa thực phẩm sạch đến người tiêu dùng và cải thiện cuộc sống của nông dân.

Bằng những hiệu quả mà Seed To Table đã mang lại cho địa phương, "rào cản" đó cũng dần dần được khắc phục. Nhiều địa phương nhận thấy những lợi ích, ý nghĩa từ dự án mang lại đã tích cực hợp tác với tổ chức.

Để có được thành công, theo Mayu là phải tích cực đi sâu xuống cơ sở. "Nếu không xuống cơ sở, không đi hiện trường, không gần dân sẽ như bị mù và không thể đưa ra giải pháp đúng đắn giúp họ", Mayu nói.

Thoạt nhìn sẽ tưởng Mayu là người Việt khi nói tiếng Kinh, tiếng Mường rất sõi, thạo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cô cũng thích hát nhạc Trịnh và mê mẩn các món ăn với mắm, dù là mắm tôm miền Bắc, mắm ruốc miền Trung, hay mắm cá linh, mắm cá sặc miền Tây.

Nửa đời mình đã gắn bó với Việt Nam, Mayu cho biết, cô hạnh phúc với lựa chọn đó của mình.

Mai Lan
Cùng chuyên mục