Nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ có thể chạm mốc 100 tỷ USD, nhập khẩu xăng dầu Việt Nam giảm
Theo dữ liệu do Cơ quan Kế hoạch & Phân tích Dầu khí (Petroleum Planning & Analysis Cell - PPAC) của Ấn Độ công bố, tổng giá trị nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ dự kiến sẽ vượt quá 100 tỷ USD trong năm tài chính hiện tại, kết thúc vào ngày 31/3/2022, gần gấp đôi mức nhập khẩu của năm ngoái, do giá dầu giao dịch ở mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Ấn Độ đã chi 82,4 tỷ USD trong 9 tháng đầu tiên của năm tài chính hiện tại (từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021).
Hiện Ấn Độ đang nhập khẩu hơn 80% nhu cầu tiêu dùng dầu thô trong cả nước, dự kiến giá trị nhập khẩu dầu thô sẽ tăng lên hơn 100 tỷ USD vào cuối năm tài chính 2021-2022. Cụ thể, trong bối cảnh giá dầu Brent tiếp tục tăng (giá dầu giao ngay ngày 24/01/2022 ở mức 86,7 USD/thùng). Dự kiến tới hết tháng 3/2022, tổng giá trị nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ sẽ trong khoảng từ 105-110 tỷ USD
Trong năm tài chính 2020-2021, do giá dầu toàn cầu tiếp tục giảm, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, giá trị nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ ở mức 62,2 tỷ USD. Tuy nhiên, nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ đã tăng nhẹ trong năm tài chính hiện tại lên gần 156,4 triệu tấn trong chín tháng đầu năm (từ tháng 4 đến tháng 12), theo PPAC.
Với mục tiêu đầy tham vọng là giảm nhập khẩu dầu thô của quốc gia xuống 10%, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến đưa ra một dự luật liên quan tới nhập khẩu dầu thô trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi sản lượng dầu nội địa của Ấn Độ tiếp tục giảm và chỉ ở mức 22,4 triệu tấn trong 9 tháng đầu năm tài chính hiện tại, thấp hơn một chút so với mức 23 triệu tấn được sản xuất trong cùng kỳ năm ngoái, thì mục tiêu mà Thủ tướng Modi đưa ra rất khó để thực hiện được.
Cũng theo dữ liệu PPAC cho biết giá trị nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (liquefied natural gas – LNG) của Ấn Độ cũng tăng lên 8,7 tỷ USD trong 9 tháng, cao hơn đáng kể so với giá trị nhập khẩu 5,4 tỷ USD trong cùng kỳ năm tài chính trước đó.
Giá LNG toàn cầu đã tăng theo chiều hướng xoắn ốc trong vài tháng qua, dẫn đến việc nhập khẩu khí đốt của các công ty Ấn Độ đắt hơn. Mặc dù trước đó một số nhà nhập khẩu khí đốt của Ấn Độ bao gồm cả Petronet LNG Ấn Độ đã ký kết các hợp đồng dài hạn liên quan đến giá dầu thô. Các công ty đang thỏa thuận lại các điều khoản hợp đồng bao gồm cả các hợp đồng ngắn hạn, giao ngay và các cam kết dài hạn, để ổn định mức giá hơn.
Trong khi đó, thông tin mới nhất cho biết, nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam trong tháng 1/2022 giảm. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam trong tháng 1/2022 giảm 4,9% về lượng và giảm 1,3% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó, đạt 612.604 tấn, trị giá 451,3 triệu USD, giá nhập khẩu trung bình 736 USD/tấn, tăng 27 USD/tấn với tháng 12/2021.
Trong tháng 1/2022 kim ngạch nhập khẩu xăng dầu từ Malaysia tăng 42,7% về lượng và tăng 46,7% về kim ngạch so với tháng 12/2021, đạt 170.928 tấn, trị giá 125,3 triệu USD, giá trung bình 713,4 USD/tấn, tăng 15 USD/tấn. Đây cũng là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất trong tháng 1/2022, chiếm 27,9% về tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước và chiếm 27,7% trong tổng kim ngạch.
Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc giảm 36,9% về lượng và giảm 34,4% về kim ngạch, đạt 122.995 tấn, trị giá 90,6 triệu USD, giá trung bình nhập khẩu 736 USD/tấn, tăng 29 USD/tấn so với tháng 12/2021, chiếm hơn 20% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu.