Nhập khẩu thịt lợn tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019
Số liệu trên được Bộ NN&PTNT thống kê từ đầu năm đến ngày 16/3. Thịt lợn nhập khẩu chủ yếu từ Canada 29,35%, Đức 19,43%, Ba Lan 11,83%, Braxin 9,98%, Hoa Kỳ 5,53%...
Ngoài thịt lợn, các sản phẩm khác cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ. Cụ thể, đối với thịt trâu, bò và sản phẩm thịt trâu, bò, đã nhập khẩu hơn 14.161 tấn thịt bò, tăng 217% so với cùng kỳ năm 2019, và 19.356 tấn thịt trâu, tăng 128% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thịt trâu nhập khẩu 100% từ Ấn Độ, thịt bò nhập khẩu chủ yếu từ Australia 67%, Hoa Kỳ 17%, Liên bang Nga 2,0%. Canada 1,2%, Đan Mạch 1,1%...
Thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm: Nhập khẩu hơn 48.348 tấn, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, chủ yếu nhập khẩu từ Hoa Kỳ 61%, Hàn Quốc 19%, Braxin 6%, Ba Lan 5,5%, Tây Ban Nha 1,2%....
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã nhập 72 tấn thịt dê cừu và sản phẩm thịt dê cừu, tăng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, chủ yếu nhập khẩu từ Australia, Argentina.
Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, khối lượng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu có thể tiếp tục tăng, đặc biệt là đối với thịt lợn. Nguyên nhân là do diễn biến dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến công tác tái đàn, phát triển đàn của không chỉ Việt Nam mà còn nhiều quốc gia trên thế giới.
Để chủ động ứng phó, cũng như bảo đảm nguồn cung thịt lợn, Cục Thú y báo cáo và đề xuất đối với nguồn cung thịt lợn trong nước tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn, đôn đốc tái đàn lợn, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, do thời gian tái đàn cần từ 5-7 tháng, nên từ tháng 3/2020 trở đi sản lượng thịt lợn sẽ tăng; trong đó có chỉ đạo chăn nuôi tăng cả trọng lượng lợn và số lượng lợn. Xây dựng kịch bản về tác động của Covid-19 đối với việc nhập khẩu thịt lợn, kể cả nhập khẩu lợn sống từ Cambodia theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng (hiện Cục Thú y đang xây dựng, đã có văn bản gửi cơ quan thẩm quyền của Cambodia).
Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông quốc gia thành lập các tổ công tác kỹ thuật đến trực tiếp các địa phương để phối hợp, hướng dẫn việc tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn (thời gian qua, Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục đã thành lập hơn 20 đoàn đến các địa phương hướng dẫn, đôn đốc phòng, chống dịch bệnh và chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh).
Đối với nguồn thịt lợn nhập khẩu, đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc khẩn trương hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu; đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 lây lan diện rộng, các nước ngừng nhập cảnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại.