Nhập khẩu thức ăn gia súc 8 tháng năm 2022 trị giá trên 3,7 tỷ USD

24/09/2022 16:08 GMT+7
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam tháng 8/2022 tăng trở lại sau 2 tháng giảm liên tiếp.

Trong tháng 8/2022, nhập khẩu thức ăn gia súc tăng 24,4% so với tháng 7/2022 và tăng 44,3% so với tháng 8/2021, đạt 573,32 triệu USD.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2022 nhập khẩu nhóm hàng này đạt trên 3,65 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất từ thị trường Achentina, chiếm 29,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt trên 1,09 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó riêng tháng 8/2022 đạt 182,04 triệu USD, tăng 12,4% so với tháng 7/2022 và tăng mạnh 65,3% so với tháng 8/2021.

Nhập khẩu thức ăn gia súc 8 tháng năm 2022 trị giá trên 3,7 tỷ USD - Ảnh 1.

Nhập khẩu thức ăn gia súc 8 tháng năm 2022 trị giá trên 3,7 tỷ USD

Đứng thứ 2 là thị trường Brazil chiếm tỷ trọng 21%, đạt gần 766,74 triệu USD, tăng mạnh 96% so với cùng kỳ; riêng tháng 8/2022 nhập khẩu từ thị trường này đạt 131,33 triệu USD, tăng mạnh 114,3% so với tháng 7/2022 và tăng 155% so với tháng 8/2021.

Tiếp đến thị trường Mỹ trong tháng 8/2022 nhập khẩu tiếp tục tăng 1,2 % so với tháng 7/2022 nhưng giảm 11,6% so với tháng 8/2021, đạt 64,83 triệu USD; cộng chung cả 8 tháng đầu năm 2022 nhập khẩu từ thị trường này giảm 18,5% so với cùng kỳ năm 2021; đạt 451,39 triệu USD, chiếm 12,4% trong tổng kim ngạch.

Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ thị trường EU trong 8 tháng đầu năm 2022 tăng 15,5% so với 8 tháng đầu năm 2021, đạt 315,5 triệu USD; Nhập từ thị trường Đông Nam Á tăng 3,2%, đạt 252,08 triệu USD.

Theo Cục Chăn nuôi, sau gần 2 năm giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phi mã vượt quá sức chịu đựng của ngành chăn nuôi, thì đến thời điểm này giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm dần. Cụ thể, thời điểm tháng 8/2022 giá ngô giảm 20,6%, khô dầu đỗ tương giảm 16,0%, cám gạo chiết ly giảm 20,3% so với tháng 3/2022.

Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn so với tháng 8/2021 và hiện giá thức ăn thành phẩm tháng 8 chưa giảm nhiều do doanh nghiệp vẫn đang sử dụng giá nguyên liệu cao được nhập ở các tháng trước đó.

Cùng với đó, giá xăng dầu đã được khống chế, nên chăn nuôi những tháng cuối năm sẽ thuận lợi. Theo kế hoạch, năm 2022 ngành chăn nuôi sẽ tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi khoảng 5-6% so với năm 2021 với sản lượng thịt các loại ước đạt 6,98 triệu tấn. Trong đó thịt lợn đạt trên 4,3 triệu tấn, thịt gia cầm đạt trên 2 triệu tấn, sản lượng trứng ước đạt trên 18,4 tỷ quả (tăng 4,6%), sản lượng sữa khoảng trên 1,16 triệu tấn (tăng 8,3%).

"Trong năm 2023, ngành chăn nuôi tiếp tục tăng giá trị sản xuất từ 5,5-6,0% so với năm 2022. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn, sản lượng trứng các loại khoảng 19,1 tỷ quả và 1,25 triệu tấn sữa, 60 nghìn tấn mật ong", ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết.

Để đạt được mục tiêu, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi cả nước cần tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ về chọn, tạo giống, chế biến thức ăn, công nghệ chuồng trại để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để xử lý và tận dụng hiệu quả chất thải và cải tạo môi trường chăn nuôi.

Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi cho rằng cần chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ trong giết mổ, chế biến và xúc tiến thương mại tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời triển khai xây dựng, nhân rộng và phát triển các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn, chăn nuôi theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi. Triển khai xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; phát triển mô hình hợp tác xã chăn nuôi trong xây dựng các chuỗi liên kết; phát triển mô hình chăn nuôi hữu cơ, mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi...

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Phải xác định an toàn sinh học là yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, phải thực hiện các biện pháp để đảm an toàn dịch bệnh. Thời gian tới, ngành chăn nuôi cũng phát triển các chuỗi sản phẩm theo tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Thứ trưởng cho rằng ngành cũng cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và thực hiện tốt các đề án. Ngành chăn nuôi cần tập trung giải quyết vấn đề về giống, chủ động về thức ăn chăn nuôi và cải thiện môi trường chăn nuôi.

Đồng thời đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến với các giải pháp đồng bộ. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Ngành chăn nuôi cũng cần áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, đặc biệt thúc đẩy chuyển đổi số để đảm bảo sự phát triển.

An Vũ
Cùng chuyên mục