Nhập siêu tăng mạnh, kiểm soát thế nào?

22/06/2021 16:19 GMT+7
Thời gian qua, hàng loạt ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có dấu hiệu nhập siêu tăng mạnh. Do đó, giới chuyên môn bày tỏ ý kiến cần có chiến lược để kiểm soát vấn đề này.

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong 5 tháng qua, các doanh nghiệp đã đẩy rất mạnh nhập khẩu linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện; chất dẻo nguyên liệu và nông sản để phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

Chỉ riêng trong tháng 5, cả nước nhập siêu hơn 2 tỷ USD khiến cán cân thương mại 5 tháng đầu năm đảo chiều sau một thời gian dài xuất siêu. Tính tổng thể, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 131,31 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, giới chuyên môn chỉ ra, nguyên nhân chính của tình trạng trên, đến từ việc thiếu các nguồn cung từ công nghiệp hỗ trợ. Thực trạng này đã kéo dài hàng chục năm qua khiến nhiều ngành nghề của Việt Nam chỉ thực hiện khâu "trung gian".

Nhập siêu tăng mạnh, kiểm soát thế nào? - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết năm 2021. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Nhận định về vấn đề trên, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, hiện tại nguyên phụ liệu ngành này có lượng nhập khẩu tăng cao những tháng qua do ngành dệt may gần đây đã phục hồi trở lại với khối lượng đơn hàng cao.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết năm 2021. Việc gia tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đã góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này tăng trưởng đến 15% trong 5 tháng đầu năm.

"Việc các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là nhóm hàng điện tử, hàng hóa công nghệ cao và máy móc, thiết bị nhập khẩu sẽ giúp tạo ra dư địa và cơ hội để tăng xuất khẩu trong thời gian tới. Chưa kể, trong bối cảnh giá nhập khẩu tăng mạnh, doanh nghiệp còn có tâm lý tích trữ thêm nguyên liệu để phòng trường hợp dịch bệnh kéo dài", ông Giang thông tin.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lý giải thêm, các mặt hàng nhập khẩu nhiều trong 5 tháng qua chủ yếu là linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may... Đây cũng là các lĩnh vực sản xuất đang có sự phục hồi nhanh chóng khi các thị trường nhập khẩu phục hồi.

"Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày hiện đã có đơn hàng tới hết quý III, thậm chí quý IV năm nay... nên nhập khẩu tăng là tất yếu", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Ngoài ra, ông Hải cũng cho biết, năm 2021, mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4-5% so với 2020. Do đó, những tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng, nên cán cân thương mại hàng hóa có thể sẽ cân bằng lại vào những tháng tới.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài lưu ý thêm, tuy hiện tại tình trạng trên chưa đáng lo nhưng về lâu dài, nếu doanh nghiệp vẫn chưa chủ động nguồn nguyên liệu và duy trì mô hình xuất khẩu như hiện nay, Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu.

Ông Hoài lấy ví dụ, mỗi năm ngành hàng điện tử xuất khẩu đạt kim ngạch 100 tỷ USD; dệt may xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD; da giày 20 tỷ USD. Qua đó, 3 ngành hàng này xuất khẩu đạt 170 tỷ USD mỗi năm.

Dù chiếm kim ngạch rất lớn trên tổng kim ngạch 270 tỷ USD xuất khẩu của cả nước nhưng giá trị gia tăng thu được thực tế không hề cao. Cụ thể, với ngành dệt may, nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng mạnh đến trên 20%. Riêng vải may mặc đạt gần 5,9 tỷ USD, tăng 30,9%.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục