Nhật Bản mở cuộc điều tra chống độc quyền với hai ông lớn Google và Apple

13/06/2021 16:09 GMT+7
Tờ Bloomberg mới đây đưa tin chính phủ Nhật Bản sắp tiến hành điều tra hai gã khổng lồ công nghệ Mỹ là Google và Apple.

Bloomberg dẫn nguồn tin từ tờ Nikkei Asian Review hôm 13/6 cho biết chính phủ Nhật Bản sẽ bắt đầu điều tra cách Google và công ty mẹ Alphabet “chi phối” các nhà sản xuất smartphone Nhật Bản. Các cuộc điều tra này có thể dẫn tới việc Tokyo thắt chặt các quy định chống độc quyền, nguồn tin cho biết thêm.

Theo Nikkei Asian Review, một hội đồng chính phủ bao gồm các quan chức công nghệ và các cố vấn chuyên gia sẽ bắt đầu thảo luận ngay trong tháng này xoay quanh vấn đề hệ điều hành iOS của Apple và Android của Google đang chiếm tới hơn 90% thị trường smartphone Nhật Bản. Cuộc thăm dò sẽ bao gồm việc tham khảo ý kiến hàng loạt giám đốc các công ty sản xuất smartphone nội địa cũng như các nhà sản xuất loa thông minh và laptop.

Sau quá trình hội thẩm, hội đồng này sẽ đưa ra kết luận xem liêu các giao dịch kinh doanh của Apple và Google ở Nhật Bản có diễn ra một cách công bằng, lành mạnh hay không. Trong trường hợp hội đồng hội thẩm nhận thấy bất kỳ vấn đề nào từ cuộc điều tra, nó có thể dẫn đến việc chính phủ siết chặt các quy định chống độc quyền, tờ Nikkei cho hay.

Nhật Bản mở cuộc điều tra chống độc quyền với hai ông lớn Google và Apple - Ảnh 1.

Nhật Bản mở cuộc điều tra chống độc quyền với hai ông lớn Google và Apple (Ảnh: Bloomberg)

Chỉ một tuần trước đó, Google vừa bị Cơ quan quản lý cạnh tranh của Pháp tuyên bố phạt 200 triệu Euro (268 triệu USD) do cáo buộc lạm dụng sức mạnh thị trường trong ngành quảng cáo trực tuyến. Theo Cơ quan quản lý cạnh tranh của Pháp, Google đã cung cấp các dịch vụ bằng cách tận dụng lợi thế độc quyền để “phân biệt đối xử”, chèn ép đối thủ cạnh tranh. Dưới áp lực của cơ quan này, Google đã đồng ý chấm dứt một số hoạt động tự ưu đãi của mình.

Tháng 3 năm ngoái, cũng chính cơ quan này đã phạt Apple - nhà sản xuất iPhone 1,1 tỷ EUR (1,23 tỷ USD) về hành vi vi phạm chống cạnh tranh đối với mạng lưới phân phối và bán lẻ của mình. Đó là khoản tiền phạt lớn nhất từ trước đến nay của cơ quan chống độc quyền Pháp. Phán quyết này được đưa ra đúng thời điểm các công ty công nghệ Mỹ bị các nhà quản lý công nghệ châu Âu giám sát chặt chẽ về việc thuế phải trả và cách bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng.

Chính tại quê nhà Mỹ, các gã khổng lồ công nghệ cũng phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng trong vấn đề độc quyền. Hồi tháng 12/2020, 38 tổng chưởng lý các bang đã đệ đơn kiện gã khổng lồ công nghệ Google, cáo buộc công ty này hoạt động độc quyền bất hợp pháp trên thị trường tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo tìm kiếm.

Vụ kiện được tiên phong bởi 8 tiểu bang là Arizona, Colorado, Iowa, Nebraska, New York, North Carolina, Tennessee và Utah. Động thái này tiếp nối vụ kiện chống độc quyền trước đó do Bộ Tư pháp và 11 tiểu bang hồi tháng 10, cũng nhằm vào Google. Nhưng lần này, vụ kiện thậm chí đi xa hơn khi các bang bổ sung thêm cáo buộc Google chặn hoặc hạ thứ hạng kết quả tìm kiếm từ các công cụ tìm kiếm chuyên dụng trong lĩnh vực du lịch, giải trí và cải tạo nhà ở. Khiếu nại cũng chỉ ra rằng Google có vẻ như đã mua lại và sử dụng lượng lớn dữ liệu của người dùng để củng cố vị thế độc quyền, tạo ra các rào cản với đối thủ cạnh tranh, trích thông cáo từ văn phòng Tổng chưởng lý Colorado Phil Weiser.

Tổng chưởng lý New York Letitia James thì cáo buộc: “Trong nhiều thập kỷ, Google đã đóng vai trò như kẻ gác cổng Internet. Nó vũ khí họa dữ liệu người dùng để tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh, kiểm soát việc ra quyết định của chúng ta. Điều này khiến tất cả chúng ta phải trả nhiều tiền hơn cho các dịch vụ sử dụng hàng ngày”.


NTTD
Cùng chuyên mục