Nhiều thị trường tăng nhập rau quả Việt Nam song không bù đắp được mức giảm từ Trung Quốc

31/12/2021 16:17 GMT+7
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang bị cản trở bởi thị trường lớn nhất là Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát dịch Covid-19 theo chiến lược “Zero Covid”...
Nhiều thị trường tăng nhập rau quả Việt Nam song không bù đắp được mức giảm từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang bị cản trở bởi thị trường lớn nhất là Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát dịch Covid-19 theo chiến lược “Zero Covid”... Ảnh: CTV

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 11/2021 đạt 261,4 triệu USD, tăng 8,6% so với tháng 10/2021, tăng 0,1% so với tháng 11/2020. Trong 11 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 3,25 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhiều thị trường tăng nhập rau quả Việt Nam song không bù đắp được mức giảm từ Trung Quốc - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 11/2021 đang dần cải thiện, tuy nhiên đà tăng trưởng của ngành hàng này đang bị cản trở bởi thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát dịch Covid-19 theo chiến lược “Zero Covid”, điều này khiến vận tải hàng hóa tại các cảng trung chuyển nhỏ bị gián đoạn gây áp lực lên vận tải đường bộ. Vì vậy, hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới. 

Trong 11 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vẫn dẫn đầu đạt 1,75 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 53,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam.

Nhiều thị trường tăng nhập rau quả Việt Nam song không bù đắp được mức giảm từ Trung Quốc - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Đáng chú ý, trong bối cảnh rau quả xuất sang Trung Quốc khó khăn thì hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khác đạt tốc độ tăng trưởng cao trong 11 tháng năm 2021 như Hoa Kỳ đạt 203,2 triệu USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2020; tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 143,59 triệu USD, tăng 21,5%; thị trường Đài Loan đạt 74 triệu USD, tăng 32,5%... 

Mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng rất cao, nhưng trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, do đó không bù đắp được mức giảm từ thị trường Trung Quốc.

Đơn cử như thị trường Nhật Bản liên tục tăng nhập khẩu chuối của Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nhật Bản, nhập khẩu trái chuối (mã HS 0803) của Nhật Bản trong 10 tháng năm 2021 đạt 939,8 nghìn tấn, trị giá 93,6 tỷ Yên (tương đương 822,8 triệu USD), tăng 4,7% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chuối nhập khẩu bình quân đạt 99,6 nghìn Yên/tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Chuối là một trong những loại trái cây phổ biến nhất trên thế giới. Tại Nhật Bản, chuối được bán phổ biến ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng tạp hóa. Ở Nhật Bản, chuối được tiêu thụ ở mỗi hộ gia đình trong một tháng là từ 9 đến 15 trái chuối. Tuy nhiên, sản lượng chuối của Nhật Bản khá thấp và vì vậy chuối chủ yếu được nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới. Trong cơ cấu nguồn cung cấp trái chuối cho Nhật Bản, Việt Nam là thị trường cung cấp trái chuối lớn thứ 5 cho Nhật Bản, lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam tăng rất mạnh, mặc dù giá nhập khẩu bình quân giảm. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 0,6% trong tổng lượng nhập khẩu trái chuối của Nhật Bản, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. Giá nhập khẩu bình quân trái chuối từ Việt Nam ở mức cao, trong 10 tháng năm 2021 đạt 107,6 nghìn Yên/tấn.

Nhiều thị trường tăng nhập rau quả Việt Nam song không bù đắp được mức giảm từ Trung Quốc - Ảnh 4.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Nhật Bản (Ghi chú: Tỷ giá 1 USD= 113,72 Yên)

Nhiều thị trường tăng nhập rau quả Việt Nam song không bù đắp được mức giảm từ Trung Quốc - Ảnh 5.

Năm 2022, Trung Quốc cũng có thể sẽ xem xét nhập khẩu chanh leo Việt Nam. Ảnh TTX

Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu chuối sang Nhật Bản chỉ là một ví dụ. Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường thay vì phụ thuộc vào một thị trường lớn là Trung Quốc. Thực tế, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính với hàng nông sản, rau quả, thủy hải sản của Việt Nam khi liên tục gia tăng, siết chặt các quy định nhập khẩu, tiêu chuẩn hàng hóa.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Trần Thanh Hải thừa nhận, trong 3 năm gần đây, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng chững lại. Một số mặt hàng trái cây, thủy sản sụt giảm đáng kể trong 2 năm qua do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong khi đó, chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, đã có tới hơn 40 thông báo thay đổi liên quan tới an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc.

Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi nhận thức, cách làm để đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc về an toàn thực phẩm, nguồn gốc, bao bì nhãn mác chu đáo, chuẩn mực. Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP…).

Đặc biệt, việc liên kết nông dân, hợp tác xã để nâng cao hiệu quả sản xuất là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục đàm phán để mở rộng danh sách các mặt hàng nhập khẩu vào Trung Quốc.

Nhiều thị trường tăng nhập rau quả Việt Nam song không bù đắp được mức giảm từ Trung Quốc - Ảnh 6.

Trong quý 1/2022, công tác tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả của các tỉnh phía Nam có thể gặp phải một số khó khăn. Ảnh VNN

Được biết, theo dự báo của các cơ quan chức năng, trong tháng 12/2021, sản lượng trái cây thu hoạch của cả nước ước đạt khoảng 700.000 tấn, nếu tính đến Tết Nguyên đán thì là hơn 1,7 triệu tấn. 

Trong quý 1/2022, công tác tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả của các tỉnh phía Nam có thể gặp phải một số khó khăn, do Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao, đặc biệt Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp kiểm tra dịch bệnh, điều này có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tiếp tại cửa khẩu.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tăng cao tác động đến chi phí đầu vào của sản xuất. Năng lực chế biến trái cây trong nước còn nhiều hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi, nên khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn thì sẽ gây ra rất nhiều tổn thất.

Dự kiến sang năm 2022, Trung Quốc sẽ áp dụng phương pháp kiểm tra trực tuyến với ba loại rau quả: khoai lang, bưởi, sầu riêng. Năm 2022, Trung Quốc cũng có thể sẽ xem xét nhập khẩu chanh leo Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 9 loại quả tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, bao gồm thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt.

Việt Nam vẫn đang tích cực vận động phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý, kỹ thuật để mở cửa thị trường sớm cho các mặt hàng nông, thủy sản mà Việt Nam có thế mạnh như sầu riêng, bưởi, chanh leo, na, roi, bơ, dừa, tổ yến, khoai lang tím, thủy hải sản tươi sống, sản phẩm sữa các loại...


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục