Giá tăng vọt, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ thế nào?

29/10/2021 12:04 GMT+7
Trung Quốc sẽ phải tăng nhập khẩu rau củ quả trong bối cảnh giá các mặt hàng này trong nước tăng mạnh và cũng để đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán của nước này...

Nguồn cung hạn chế, giá tăng chóng mặt

Dữ liệu mới nhất từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy, giá rau bán buôn tại nước này đã tăng 28% trong 4 tuần tính đến ngày 22/10 và hiện ở mức cao nhất kể từ tháng 2. Mưa lớn kéo dài ở các vùng trồng trọt lớn của Trung Quốc đã làm rau củ hư hỏng, kết hợp với giá than tăng cao khiến việc canh tác trong nhà kính bị đội chi phí lên cao chưa từng thấy.

Giá tăng vọt, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ thế nào? - Ảnh 1.

Giá rau bán buôn ở Trung Quốc tăng vọt trong tháng này, cao gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước. Nguồn Bộ Thương mại Trung Quốc

Chính quyền thành phố Bắc Kinh cho biết, giá bán buôn rau củ trung bình ở thủ đô nước này đã tăng 39,8% kể từ tháng trước, trong đó một số loại rau ăn lá tăng hơn 50%. Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã cảnh báo rằng giá rau củ có thể tăng hơn nữa trong vài tuần tới, do thành phố phải tìm kiếm nguồn cung cấp rau ở xa hơn, là các tỉnh phía Nam, trong khi khi nhiệt độ giảm và giá năng lượng cao làm tăng chi phí vận tải.

Giá sản phẩm nông nghiệp tăng mạnh đến mức Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã phải cam kết ngăn chặn hoạt động tích trữ rau quả và đảm bảo nguồn cung ổn định.

Giá rau củ Trung Quốc tăng mạnh trong bối cảnh giá rau ở Việt Nam cũng tăng chóng mặt. Tại một số chợ truyền thống tại Hà Nội 1-2 tuần gần đây, giá rau xanh, củ quả nhìn chung đang tăng từ 20-50% tùy loại và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Các chuyên gia lo ngại, đà tăng giá rau củ của cả Việt Nam và Trung Quốc sẽ khó mà hạ nhiệt sớm được do hai thị trường có một số điểm tương đồng (yếu tố thời tiết, mưa nhiều gần đây) và hai thị trường có giao thương một số loại rau củ.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 9/2021 chỉ tăng nhẹ so với tháng trước, đạt 232 triệu USD, tăng 0,9% so với tháng 8/2021 và giảm tới 2,4% so với tháng 9/2020. 

Trong 9 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam đạt 2,75 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2020. 

Xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 9/2021 tăng nhẹ so với tháng 8/2021 là nhờ giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước được nới lỏng từ cuối tháng 9/2021. Nhiều địa phương đã khôi phục sản xuất nên khả năng xuất khẩu hàng rau quả khả quan hơn và do nhu cầu của các thị trường tăng mạnh để phục vụ cho mùa lễ hội vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, do nguồn cung rau củ trong nước đang bị hạn chế và giá tăng mạnh nên xuất khẩu rau củ quả của tháng 9 chỉ tăng được ở mức khiêm tốn.

Giá tăng vọt, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ thế nào? - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu lớn đối với mặt hàng rau quả của Việt Nam, mặc dù trị giá xuất khẩu liên tục giảm trong 3 tháng qua, nhưng trị giá xuất khẩu sang Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng trưởng khả quan, đạt 1,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 55,4% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả. 

Nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc sẽ tăng rất mạnh

Bộ Công Thương đang dự báo, trong những tháng cuối năm nay và đầu năm 2022, nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc sẽ tăng rất mạnh bởi giá rau củ của nước này đang tăng phi mã do thiếu hụt nguồn cung và xa hơn là để đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng rau quả vào Trung Quốc, theo Bộ Công Thương các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249 về lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 01/01/2022; hướng dẫn đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc theo quy định mới về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản. 

Giá tăng vọt, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ thế nào? - Ảnh 3.

Thị trường xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 9 và 9 tháng năm 2021. Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Còn theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các phương tiện giao thông vận tải để giải tỏa ùn ứ sản phẩm hàng hóa từ các vùng sản xuất đến nơi tiên thụ, đến các kho xưởng, nhà máy chế biến, sản xuất, giao hàng đến các bến bãi, cảng biển để xuất khẩu. Từ giờ đến cuối năm, các vùng trồng rau quả trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh ở phía Nam sẽ tích cực mở rộng sản xuất, thu hoạch, tăng cung rau quả cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Để nâng sức cạnh tranh, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng đề nghị miễn giảm phí BOT cho các xe tải chở hàng rau quả xuất khẩu cho Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh cuối năm 2021 và sang cả năm 2022.

Hiệp hội cũng kiến nghị cần sớm tổ chức đàm phán ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật với phía Trung Quốc cho 8 mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch nhằm giúp giảm bớt thời gian xe đợi thông quan, giảm giá thành vận chuyển đường bộ, tăng thời gian quay vòng xe đáp ứng sản lượng sẽ tăng sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19. 

Về một số mặt hàng rau củ, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ tranh thủ các cuộc gặp gỡ với các viên chức cấp cao Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn ách tắc tại cửa khẩu biên giới và đàm phán thúc đẩy mở rộng thêm thị trường cho các mặt hàng rau quả khác mà Việt Nam có thế mạnh như sầu riêng, chanh dây, bơ, dừa và các loại rau xanh, rau gia vị, các loại củ… 

Dự báo những tháng cuối năm là cơ hội xuất khẩu rau củ quả vì thời điểm này nhu cầu tiêu thụ của thị trường cao nhất trong năm. Bộ Công Thương kỳ vọng đạt doanh thu xuất khẩu khoảng 3,5 tỷ USD trong năm nay, thay vì 4 tỷ USD như kế hoạch từ đầu năm. Và khi sản xuất được đẩy mạnh, giá rau củ trong nước cũng sẽ hạ nhiệt, đồng thời tạo điều kiện cho cả xuất khẩu.

Được biết, về lâu dài trong Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhiều hoạt động với mục tiêu giúp nâng cao vị thế nông sản xuất khẩu Việt Nam, trong đó có mặt hàng rau quả.

Cụ thể, trong số các nhóm dự án chủ yếu để thực hiện Đề án nêu trên, trong giai đoạn từ 2021 – 2023, ngân sách nhà nước sẽ đầu tư khoảng 15 tỷ đồng, cùng với nguồn vốn xã hội hóa khoảng 785 tỷ đồng, để đầu tư xây dựng kho ngoại quan dự trữ, bảo quản nông sản và các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu ở khu vực cửa khẩu phía Bắc (gồm các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn).

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc xây dựng các kho dự trữ, chế biến và bảo quản nông sản nhằm chủ động thị trường và giá nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, hạn chế tình trạng bị ép giá, ép cấp nông sản. Từ đó, tạo bước đột phá, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, ngoài thị trường Trung Quốc, hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường khác cũng tăng khá mạnh như Hoa Kỳ, Nhật Bản, thị trường Đài Loan, thị trường Hồng Kông, Nga và Úc. Đáng chú ý, nhu cầu tiêu thụ rau quả tại các nước phương Tây cũng có xu hướng tăng mạnh vào dịp Noel vào cuối năm.

Trên thực tế, mặc dù trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường này đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng thấp so với nhu cầu tiêu thụ. Do đó, vẫn còn nhiều dư địa khai thác tại các thị trường này, ngoài Trung Quốc.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, xuất khẩu rau quả thời gian qua gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng đáng kể nhờ xuất khẩu tốt vào các thị trường châu Âu, Mỹ, Đông Bắc Á, Trung Đông và cả thị trường Úc. Trước đây, rau quả lệ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc với tỷ trọng chiếm khoảng 70% thì nay giảm còn 58%. Các thị trường khác trước đây chỉ chiếm 30% thì nay tăng lên 42-50% và chất lượng rau quả của Việt Nam đã được nâng lên đáng kể để thâm nhập vào những thị trường khó tính.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục