Nhờ đâu Công viên nước Đầm Sen vẫn trụ vững bất chấp Covid-19?

04/05/2021 13:47 GMT+7
Một điểm thú vị ở bức tranh tài chính của Đầm Sen này chính là, danh mục tiền và các khoản tương đương tiền luôn chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng tài sản của doanh nghiệp; và tài sản cố định đã được khấu hao gần hết.

CTCP Công viên nước Đầm Sen (Đầm Sen, HOSE: DSN) luôn được biết đến là một trong số ít những công viên nước có hoạt động kinh doanh hoạt động hiệu quả nhất trên cả nước khi trung bình mỗi năm đều ghi nhận 200 tỷ đồng doanh thu và gần 100 tỷ lợi nhuận ròng, cùng với mức trả cổ tức cho cổ đông trên 30%.

Đáng kể như năm 2020, mặc dù trải qua 3 đợt bùng phát của đại dịch Covid-19, tác động không hề nhỏ đến tình hình kinh doanh của các đơn vị ngành dịch vụ, nhưng Đầm Sen vẫn cho thấy năng lực vượt trội của mình khi duy trì được biên lợi nhuận sau thuế gần 50%, EPS đạt gần 3.000 đồng/cổ phiếu.

Với mức lợi nhuận ròng hơn 40 tỷ năm 2020 kết quả kinh doanh của Đầm Sen đã sụt giảm hơn một nửa. Doanh thu thuần trong năm 2020 chỉ đạt 84,2 tỷ đồng, giảm 61,6% so với thực hiện trong năm 2019 và hoàn thành được 39,16% kế hoạch năm. Trong đó, lượng khách năm 2020 đạt 467.975 người, giảm 63,4% so với cùng kỳ và chỉ đạt được 36,56% so với kế hoạch.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2020 với tỷ lệ 25%, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 2.500 đồng. Với gần 12,1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính doanh nghiệp sẽ trả tổng cộng gần 30,25 tỷ đồng cho cổ đông.

Nhờ đâu Công viên nước Đầm Sen vẫn trụ vững bất chấp Covid-19? - Ảnh 1.

Công viên nước Đầm Sen vẫn trụ vững bất chấp Covid-19?

Điều gì đã giúp DSN trụ vững?

Theo tìm hiểu, Đầm Sen tiền thân là Công ty TNHH Công viên nước Đầm Sen được liên doanh giữa Công ty Du lịch Phú Thọ & CTCP Sài Gòn với Vốn điều lệ ban đầu là 43,9 tỷ đồng. Năm 2003, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi từ mô hình Công ty TNHH sang CTCP.

Sau quá trình thay đổi và phát triển, hiện nay, CTCP Công viên nước Đầm Sen có vốn điều lệ hơn 120 tỷ đồng, địa chỉ tại số 3 Hoà Bình, Phường 3, Quận 11, TP. HCM. Hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ giải trí, thể thao dưới nước và các dịch vụ khác.

Về cơ cấu cổ đông, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch Phú Thọ vẫn nắm giữ 33,54 cổ phần của DN.

Theo báo cáo bạch của DSN, Công viên nước Đầm Sen đang được quyền sử dụng 19.300 m2 với thời hạn 15 năm do UBND Thành phố cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 2817/UB ngày 13/11/2003. Thời hạn sử dụng đất thuê đến ngày 2/7/2018 .

Chính việc được sử dụng diện tích đất lớn này, Đầm Sen đã xây dựng được hệ thống khu vui chơi, giải trí, nhà hàng.. đưa lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp.

Với 26 trò chơi dưới nước và một hồ tạo sóng rộng 3.000m2 có thể làm hài lòng những vị khách khó tính nhất bằng cách mang lại cho họ các trò chơi cảm giác nhẹ nhàng và sự thoải mái, thích hợp cho mọi lứa tuổi. Bên cạnh đó, những khu vườn tuyệt đẹp trên ốc đảo xanh sẽ rất thích hợp cho những buổi họp mặt bạn bè và gia đình, tổ chức các sự kiện, ngày hội gia đình của các Công ty.

Báo cáo thường niên của DSN cho biết, từ năm 2004, DN đã xây dựng Công viên Khủng Long với chi phí hơn 13 tỷ đồng. Năm 2015, CV này được đưa vào sử dụng, đây cũng được công nhận là trò chơi khủng long đầu tiên tại Việt Nam.

Tiến đến, năm 2010, tận dụng tối đa quỹ đất, DSN lắp đặt mới máng trượt Boomerang do Ấn Độ sản xuất cao 12m, rộng 25m có hình dạng như chim Phụng Hoàng đang tung cánh và vận hành như một loại vũ khí của thổ dân Úc.

Năm 2012, Đầm Sen nâng cấp cải tạo phố nướng DSN. Chỉnh trang nhà hàng tiệc cưới sau hơn 10 năm hoạt động tạo nên phong cách sang trọng. 

Tháng 1/2013, thương hiệu Taxi DSN đi vào hoạt động phục vụ khách hàng đến vui chơi tại công viên và có thêm nhiều lựa chọn trong dịch vụ vận chuyển taxi thành phố. Đồng thời, những năm tiếp đó, doanh nghiệp cải tạo nâng cấp máng truợt Twister Max; đầu tư mới phòng Massage tia nước...

Chính những sự đầu tư nay đã đem lại lượng khách ổn định theo từng năm cho Đầm Sen, tính đến trước năm 2020, thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện. Và tài sản cố định đến nay đã được khấu trừ gần hết.

Nhờ đâu Công viên nước Đầm Sen vẫn trụ vững bất chấp Covid-19? - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo thường niên DSN các năm

Đi kèm với đó, quy mô doanh thu và lợi nhuận của DSN tăng trưởng đều đặn trong giai đoạn năm 2010-2019.

Nhờ đâu Công viên nước Đầm Sen vẫn trụ vững bất chấp Covid-19? - Ảnh 3.

Nguồn: BCTC DN.

Một điểm thú vị ở bức tranh tài chính của doanh nghiệp này chính là, danh mục tiền và các khoản tương đương tiền luôn chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng tài sản của doanh nghiệp.

Cụ thể, năm 2017, tổng tài sản của DSN đạt 243 tỷ đồng, trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 42,6 %, tương ứng hơn 103 tỷ đồng. Chỉ số này ở các năm 2018, 2019 lần lượt là 125 tỷ đồng (chiếm 47,35% tổng tài sản) và  95 tỷ đồng, chiếm 34,31% tổng tài sản.

Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Đầm Sen hơn 224 tỷ đồng, tuy nhiên, tiền và các khoản tương đương tiền giảm chỉ còn 38 tỷ đồng, chiếm 16,84%.

Bên cạnh đó, khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn rất tốt vì hệ số thanh toán ngắn hạn lớn là 15,78; đồng thời số vốn bị chiếm dụng không đáng kể do hệ số vốn bị chiếm dụng nhỏ chỉ bằng 0,04.

Ngoài ra, các khoản vay nợ thuê tài chính của DSN khá thấp, khi chủ yếu là để đầu tư tài sản. Đồng nghĩa với lãi suất vay sẽ không cao.

Báo cáo tài chính đã kiểm toán 2020 DSN cho thấy, hiện nay, Đầm Sen chỉ có khoản vay tại Ngân hàng TMCP Nam Á - Chi nhánh Tân Định để xây nhà máy sản xuất tại công ty Cổ phần thực phẩm Lotus Aroma, thời hạn vay 120 tháng (trong đó, thời gian ân hạn gốc vay là 9 tháng) với số tiền 4,7 tỷ đồng.

Nhờ đâu Công viên nước Đầm Sen vẫn trụ vững bất chấp Covid-19? - Ảnh 4.

Nguồn: Báo cáo tài chính DN

Nhiều khó khăn đợi chờ

Được biết, trong năm 2021 này, lãnh đạo Công viên nước Đầm Sen đánh giá dịch Covid-19 có thể chưa được khống chế hoàn toàn và tâm lý khách hàng vẫn còn dè dặt ảnh hưởng tới hoạt động vui chơi tại công viên trong mùa cao điểm. 

Công viên này đặt ra 2 kịch bản kinh doanh năm nay tương ứng với tình hình của dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, nếu dịch cơ bản được khống chế trong năm, Đầm Sen dự kiến ghi nhận 157 tỷ đồng doanh thu. Trong đó, trên 95% sẽ đến từ công viên nước, còn lại là số thu từ nhà hàng Lotus Aroma và Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ Sinh học LAABI.

Với kịch bản này, lãnh đạo công ty kỳ vọng thu về khoản lãi trước thuế xấp xỉ 50% doanh thu thuần, tương đương gần 80 tỷ.

Trong kịch bản kém tích cực, nếu dịch vẫn xảy ra trong năm nay, doanh thu dự kiến của Đầm Sen là 97 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 35% doanh thu thuần, tương đương 34 tỷ đồng.

Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh khiến doanh thu xuống dốc, thời hạn thuê đất của Đầm Sen hiện đã hêt hạn cũng ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch phát triển của DN. 

Theo đó, dù đã hết thời hạn hơn 2,5 năm nhưng đến nay Công ty vẫn chưa nhận được quyết định gia hạn thời gian sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới từ Uỷ ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo của Đầm Sen Nước cũng cho biết Phố Nướng đã tạm ngưng hoạt động để tìm giải pháp trong việc hợp tác với các đối tác khác nhằm phát triển kinh doanh bền vững trong điều kiện mới. Công viên khủng long đã chấm dứt hoạt động sau 15 năm đi vào hoạt động do chi phí thuê đất và chi phí khác làm cho việc kinh doanh không còn hiệu quả.

 

Quang Dân
Cùng chuyên mục