Nhu cầu nhập khẩu thủy sản toàn cầu dự báo tăng rất cao, Việt Nam sẽ hưởng lợi

05/02/2022 13:35 GMT+7
Năm 2022, nhu cầu nhập khẩu thủy sản toàn cầu dự báo tiếp tục ở mức cao với động lực từ thị trường Hoa Kỳ và EU. Việt Nam sẽ hưởng lợi nhờ xu thế này...

Năm 2022, nhu cầu nhập khẩu thủy sản toàn cầu dự báo tiếp tục ở mức rất cao với động lực từ thị trường Hoa Kỳ và EU. Kinh tế Hoa Kỳ và EU được dự báo tiếp tục tăng trong năm 2022, nhu cầu tiêu dùng tiếp tục ở mức cao, trong khi tính đến cuối năm 2021, lượng thủy sản dự trữ, tồn kho tại các thị trường này ở mức thấp. 

Năm 2021, trị giá nhập khẩu thủy sản (mã HS 03, 1604, 1605) của hầu hết các thị trường lớn trên thế giới đều tăng so với năm 2020, trừ nhập khẩu của Đức giảm. 

Không chỉ tăng so với năm 2020, nhập khẩu thủy sản của nhiều thị trường còn tăng so với trước đại dịch (năm 2019), trừ nhập khẩu của Trung Quốc, Nhật Bản giảm trên 10%. 

Nhu cầu nhập khẩu thủy sản toàn cầu dự báo tăng rất cao, Việt Nam sẽ hưởng lợi - Ảnh 1.

Nguồn ITC

11 tháng năm 2021, nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ đạt 26,7 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho Hoa Kỳ với tỷ trọng chiếm khoảng 6,4%. 

Còn theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan Trung Quốc, 11 tháng năm 2021, nhập khẩu thủy sản vào Trung Quốc đạt 12,5 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 8 cho Trung Quốc, chiếm 4,97% trong tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc.

Nhu cầu nhập khẩu thủy sản toàn cầu dự báo tăng rất cao, Việt Nam sẽ hưởng lợi - Ảnh 2.

Nguồn: ITC * Số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc Ghi chú: Mặt hàng thủy sản gồm các mã HS: 03, 1604,1605

Trong dài hạn, nhu cầu thủy sản toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng rất cao. Tại Báo cáo Triển vọng Nông nghiệp 2021-2030, FAO dự báo mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người của thế giới sẽ đạt 21,2 kg vào năm 2030, tăng so với năm 2018- 2020 bình quân 20,5 kg, tăng 3,6% trong giai đoạn 2020-2030. 

Vào năm 2030, nuôi trồng thủy sản dự kiến sẽ cung cấp 57% lượng cá phục vụ cho con người, cao hơn 4% so với giai đoạn 2018 - 2020. Tiêu thụ thủy sản được kỳ vọng sẽ mở rộng ở tất cả các châu lục, nhờ thu nhập tăng, đô thị hóa, mở rộng sản xuất, cải thiện kênh phân phối và đổi mới sản phẩm.

Tại Hội nghị Thị trường Thủy sản Toàn cầu của Viện Thủy sản Quốc gia Hoa Kỳ (NFI), các chuyên gia dự đoán sản lượng tôm toàn cầu năm 2022 tiếp tục xu hướng tăng, đạt 5,011 triệu tấn, tăng đáng kể so với mức 4,569 triệu tấn vào năm 2021 và 4,086 triệu tấn của năm 2020. 

Trong đó, các nước thuộc khu vực châu Á sản xuất khoảng 65% lượng tôm của thế giới; châu Mỹ sản xuất khoảng 30%. Trong đó, sản lượng tôm của Ecuador tăng trưởng ấn tượng lên mức hơn 1 triệu tấn vào năm 2021, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. Sản lượng tôm của Ecuador tăng nhờ thay đổi công nghệ và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng cao. 

Tại châu Á, sản lượng tôm của Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia đều tăng trưởng ổn định. Sản lượng tôm của 3 nước này chiếm 55% sản lượng tôm châu Á. Nếu tính cả Trung Quốc, tỷ trọng sẽ tăng lên 80%, nhưng sản lượng của Trung Quốc thường tiêu thụ trong nước. Sản lượng tôm của Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng bền vững. 

Theo Ngân hàng Thế giới, giá tôm trung bình năm 2022 dự báo tăng 7% so với năm 2021, lên 15 USD/kg. Giá cước vận chuyển cao, chi phí nhiên liệu hàng hải tăng và gián đoạn hậu cần, bao gồm tắc nghẽn tại các cảng biển và tình trạng thiếu tài xế xe tải ở Hoa Kỳ và châu Âu, có thể sẽ đẩy giá bán buôn tôm lên cao hơn nữa.

Năm 2021, giá tôm trung bình ở mức 12,7 USD/ kg, tăng 10% so với năm 2020. Chi phí hậu cần tăng là động lực chính cho mức tăng đột biến đó. Từ tháng 1 đến quý 3/2021, chi phí vận chuyển quốc tế từ châu Á đến Bắc Mỹ đối với container 20 feet và 40 feet đã tăng 500-700% (tương ứng ở mức 13 nghìn USD và 20 nghìn USD) do sự gián đoạn chuỗi cung ứng. 

Về cá, theo dự báo của NFI, sản lượng cá rô phi toàn cầu sẽ tăng khoảng 3% vào năm 2022, lên 6,09 triệu tấn. Sản lượng cá rô phi tăng mặc dù sản xuất của Trung Quốc gặp khó khăn khi các nhà cung cấp cá rô phi khác như Malaysia, Insonesia và Ai Cập sẽ tăng sản lượng. Sự dịch chuyển cung và cầu đã khiến giá cá rô phi toàn cầu tăng 50% kể từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2021. Theo đó, giá cá rô phi loại 5-7 lb/con phi lê đóng gói chân không đông lạnh từ Trung Quốc đã tăng từ mức 2,10 USD/lb vào tháng 9/2019, lên gần 3,30 USD/lb vào tháng 12/2021.

Nhu cầu nhập khẩu thủy sản toàn cầu dự báo tăng rất cao, Việt Nam sẽ hưởng lợi - Ảnh 3.

Nhu cầu nhập khẩu thủy sản toàn cầu dự báo tăng rất cao năm 2022, Việt Nam sẽ hưởng lợi

Năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 2,022 triệu tấn, trị giá 8,89 tỷ USD, giảm 0,2% về lượng, nhưng tăng 5,6% về trị giá so với năm 2020. Đây là mức trị giá cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Mỹ đạt kỷ lục 2 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2020, chiếm 23% tổng xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.

Ngoài ra, xuất khẩu sang  nhiều thị trường tăng trưởng vượt trội: EU tăng 12%; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 6%, một số nước trong khối hiệp định CPTPP như Australia tăng 16%, Mexico tăng 49%.

Trong năm 2021, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản lớn là tôm, cá tra, cá ngừ, chả cá, mực, bạch tuộc, nghêu, ghẹ, sò đều có trị giá tăng so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu cá tra và ghẹ giảm về lượng, nhưng trị giá vẫn tăng so với năm 2020. Cá ngừ, chả cá, nghêu và ốc là những mặt hàng thủy sản có trị giá xuất khẩu tăng mạnh nhất trong năm 2021 so với năm 2020.

Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục tăng, đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 9,2 tỷ USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021. Xuất khẩu thủy sản tăng nhờ nhu cầu nhập khẩu thủy sản thế giới ở mức cao và những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do tiếp tục phát huy tác dụng. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã linh hoạt điều chỉnh hoạt động sản xuất trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nên đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của các thị trường.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục