Những cổ phiếu "nhấn chìm" VN-Index ngày 27/7

27/07/2020 16:22 GMT+7
Thị trường chứng khoán ghi nhận phiên "rơi tự do" kỷ lục. Trong đó, những cổ phiếu dưới đây góp phần lớn nhất "nhấn chìm" VN-Index.

Thị trường chứng khoán 27/7 ghi nhận phiên bán tháo và giảm sâu kỷ lục. VN-Index giảm tới 43,99 điểm, tương đương 5,31% xuống 785,17 điểm. VN-Index dễ dàng đánh mất và rời xa mốc quan trọng 800 điểm.

Trong phiên giao dịch lịch sử này, blue-chips "đóng góp" rất lớn "nhấn chìm" VN-Index. VCB của Vietcombank có tác động lớn nhất với tỷ lệ ảnh hưởng lên đến 10,339%. Điểm ảnh hưởng là -4,233 điểm. Điều đáng nói, hôm nay VCB không giảm sàn, "chỉ" giảm 4.000 đồng/CP xuống 77.000 đồng/CP. Vốn hóa thị trường Vietcombank "bốc hơi" 14.836 tỷ đồng.

Những cổ phiếu "nhấn chìm" VN-Index ngày 27/7 - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán ghi nhận phiên "rơi tự do" kỷ lục. Trong đó, những cổ phiếu dưới đây góp phần lớn nhất "nhấn chìm" VN-Index.

Đứng thứ hai về tỷ lệ ảnh hưởng đến VN-Index là VIC của Vingroup với tỷ lệ 10,244%. Điểm ảnh hưởng là -2,896 điểm. Ảnh hưởng lớn nhưng cũng như VCB, VIC không giảm sàn, mà chỉ giảm 3.000 đồng/CP xuống 85.000 đồng/CP. VIC khiến vốn hóa thị trường Vingroup giảm 10.147 tỷ đồng.

Không giảm sàn nhưng VHM của Vinhomes đứng cách giá sàn không xa. Chốt phiên, VHM giảm 5.100 đồng/CP xuống 70.900 đồng/CP. VHM khiến vốn hóa thị trường của công ty con của Vingroup "bốc hơi" 17.083 tỷ đồng. VHM "đóng góp" 8,761%, tương đương -4,875 điểm vào đà giảm của VN-Index ngày hôm nay.

VNM của Vinamilk và BID của BIDV lọt vào Top 5 các mã có tỷ lệ ảnh hưởng nhiều nhất tới VN-Index ngày 27/7.  Tỷ lệ và điểm ảnh hưởng của VNM và BID lần lượt là 6,660 điểm (-3,827 điểm) và 5,288% (-3,041 điểm).

Trong Top 5 cổ phiếu "nhấn chìm" VN-Index, chỉ có VNM và BID giảm sàn. BID giảm 2.650 đồng/CP xuống 35.550 đồng/CP. VNM giảm 7.700 đồng/CP xuống 103.400 đồng/CP.

Thị trường chứng khoán lao dốc trước thông tin về những ca nhiễm Covid-19 mới tại Đà Nẵng. Công ty chứng khoán BSC đã có đánh giá nhanh về tác động của làm sóng Covid thứ hai tới thị trường chứng khoán.

BSC đánh giá sau khi thực hiện so sánh với làn sóng Covid thứ 2 ở các Quốc gia lân cận, cụ thể là trường hợp của Nhật Bản và Hồng Kông để dự báo về ảnh hưởng của tin tức Covid lần này đến thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng ta có thể nhận định: Nếu xuất hiện làn sóng Covid thứ 2 ở Việt Nam thì tác động của nó đối với thị trường tiềm năng sẽ không nhiều như với khoảng thời gian đầu diễn ra dịch bệnh.

Trong trường hợp VN-Index diễn biến tương tự như Hangseng thì chỉ số ước tính sẽ dời về khu vực 770- 780 điểm, và đây cũng là vùng hỗ trợ của chỉ số nên có thể xuất hiện lực cầu bắt đáy tại vùng này khi sự lo lắng về dịch bệnh được lắng dịu. Về mặt thời gian, sự bi quan của thị trường có thể được duy trì tương đương hoặc ngắn hơn giai đoạn dịch leo thang trong tháng 3, theo dự kiến có thể là khoảng 2-3 tuần.

Nếu trường hợp 2 diễn ra thì lưu ý các mã và ngành chịu ảnh hưởng xấu nhất thường là gồm các ngành hàng không, vận chuyển, xăng dầu, hàng xa xỉ, bán lẻ, TTTM...,trường hợp 1 diễn ra thì lưu ý các mã cổ phiếu của DN công nghệ, bán thực phẩm thiết yếu, telecom, giao hàng, dược.... Trong cả 2 trường hợp NĐT cũng nên bình tĩnh để có hành động phù hợp với tình trạng danh mục.

Tiểu My
Cùng chuyên mục