Những khát vọng khởi nghiệp sinh ra từ xứ Nghệ
Nhớ lại một ngày cuối tháng 6/2019, trong chuyến khảo sát về mảnh đất Phủ Quỳ (Nghệ An) để hỗ trợ tư vấn xây dựng mô hình kinh doanh mới cho dự án Cam Vinh Kỳ Yến của chị Nguyễn Thị Lê Na, bà Thạch Lê Anh - nhà sáng lập quỹ Vietnam Silicon Valley (VSV) vẫn không quên được cảm giác nóng rát mỗi lần những cơn gió Lào thổi qua.
Đến nơi vào giờ ăn trưa, bà thấy mọi người đang vừa chờ cơm vừa tiếp tục trao đổi, rồi gõ máy. Tất cả đều trong một không khí làm việc rất khẩn trương và háo hức dù không có điều hoà, dù đã quá trưa và cơm canh đã khô nguội.
Thành lập doanh nghiệp từ năm 2013 ở một địa phương chưa chú trọng đầu tư cho khởi nghiệp vào thời điểm đó, chị Lê Na phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Lựa chọn một hướng đi ngược dòng, chị nhận được những lời dị nghị, bàn tán với đầy nghi hoặc. Cũng chính điều đó khiến hành trình làm việc để liên kết với người nông dân nhằm phát triển mô hình cam sinh thái khó hơn gấp bội. Bên cạnh đó, việc tìm được những người đồng hành vừa có chuyên môn, vừa có lý tưởng để theo mô hình cũng không hề dễ dàng. Bài toán tư duy có lẽ là thử thách lớn nhất với chị Lê Na ở thời điểm đó.
Ban đầu, chị cũng bị ảnh hưởng tâm lý. Rồi chị đọc thêm nhiều sách, biết thêm nhiều người và có nhiều tấm gương làm động lực giúp chị tập trung vào đam mê của mình. Với người nông dân, chị lựa chọn kiên trì và hỗ trợ họ đến cùng để họ dần thay đổi tư duy. Về nhân sự, chị tận dụng các kênh truyền thông để tìm kiếm được người tài ở Nghệ An và các tỉnh thành khác sẵn sàng chia sẻ con đường và lý tưởng để gắn bó lâu dài.
Chị cũng chăm chỉ đi kết nối, tham gia các chương trình về khởi nghiệp và các cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy mà năm 2018, chị gặp gỡ bà Lê Anh và các chuyên gia của VSV. Chị từng không thích gọi vốn đầu tư vì sợ bị ràng buộc, sợ bị soi mói, phải chạy doanh số cho nhà đầu tư và rồi đánh mất chính mình.
Nhưng quá trình làm việc với VSV đã chứng minh điều ngược lại, VSV đồng hành cùng chị xây dựng một mô hình sinh thái mới được quản lý bởi hệ thống FarmLab, FarmShop và FarmTour có sự kết hợp giữa nghiên cứu, trưng bày bán hàng và du lịch sinh thái.
Các sản phẩm của Cam Vinh Kỳ Yến đã vào được những hệ thống siêu thị lớn như VinMart, Lotte. Chị không bó hẹp mình trong phạm vi của tỉnh mà còn đặt dấu chân khởi nghiệp đến nhiều nơi khác như TP. HCM, Vĩnh Phúc và Campuchia. Chị trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người trẻ khởi nghiệp ở Nghệ An và các tỉnh thành trên cả nước.
“Gặp gỡ VSV là quá trình tôi lột xác từ tư duy cho đến cách thức làm việc. Tôi kỳ vọng với cách tư duy mới, mình có thể nhân rộng mô hình kinh doanh nhanh chóng”, chị Lê Na chia sẻ.
Nhiều người vẫn nói “ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng được chọn cách mà mình sẽ sống”, người Nghệ An là minh chứng rất rõ cho câu nói này. Không có nhiều tài nguyên lại liên tục hứng chịu thiên tai, tài sản lớn nhất của Nghệ An là “địa linh, nhân kiệt” với ý chí bền bỉ, kiên cường để vượt qua mọi khó khăn cũng như sự thẳng thắn và nhiệt tâm - chìa khoá níu chân bất cứ ai từng ghé đến.
“Có thể vì ở trong một môi trường quá vất vả khiến họ phải tìm cách trỗi dậy. Điều đó khiến Nghệ An trở thành một nơi phù hợp để phát triển phong trào khởi nghiệp. Innovation là làm cái gì mà người ta chưa làm, nếu bắt chước thì không cạnh tranh nổi", nhà sáng lập VSV nói.
Thực ra, việc tiếp xúc với những con người Nghệ An cũng là một hành trình thay đổi tư duy của bà Thạch Lê Anh. Trước sự kiện Techfest diễn ra vào tháng 12/2017, bà chưa bao giờ nghĩ rằng Nghệ An sẽ trở thành một phần trong hệ sinh thái của VSV vì lúc đó, bà đang làm việc với nhiều địa phương khác như TP. HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng. Thậm chí, đại sứ quán Canada đã mời bà về tư vấn cho Trà Vinh và Sóc Trăng.
Ngay sau 7 phút trình bày tại sự kiện Techfest năm 2017 của đồng sáng lập kiêm CEO VSV Capital Hàn Ngọc Tuấn Linh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Nghệ An Trần Quốc Thành đã tìm đến gặp anh Linh và hết lời trăn trở mời VSV về Nghệ An hỗ trợ thành lập quỹ.
Bà Lê Anh cho rằng có thể vì lúc đó đang sôi động không khí khởi nghiệp nên mọi người hào hứng nhưng rồi sẽ quên ngay. Trái ngược với suy nghĩ của bà, ông Thành không hề quên mà vẫn kiên trì. Trong mấy tháng tiếp theo, ông tiếp tục gửi email cho VSV.
Ông Thành chia sẻ, trước đó một năm, Nghệ An đã bắt đầu lên kế hoạch thử nghiệm mô hình đầu tư cho khởi nghiệp nhưng mãi vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu, dù có nhà đầu tư về tài trợ cho một số dự án nhưng vẫn chưa phải là đầu tư cho khởi nghiệp. Ông xác định phải làm lại, phải có một cách tiếp cận chỉn chu và bài bản hơn.
Tìm hiểu và tiếp cận với nhiều quỹ, ông thấy VSV là một quỹ chuyên nghiệp. Ông cũng biết đến bà Thạch Lê Anh là người sáng lập quỹ, đồng thời là người khởi xướng và đề xuất với Bộ KH&CN triển khai chương trình Đề án 844. Ông thấy được khát vọng của VSV khi muốn đưa thung lũng Silicon về với Việt Nam. Những lý do này khiến ông quyết không bỏ qua cơ hội trong sự kiện Techfest năm đó.
“Chúng tôi muốn hỗ trợ những người có đam mê nhưng đang thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn. Việc hỗ trợ cho khởi nghiệp sẽ có hiệu quả trong việc xóa đói giảm nghèo hơn rất nhiều so với phương thức tiếp cận lâu nay. Tức là thay vì theo hàng ngang, chúng tôi chọn đi theo đường dọc, những người có đam mê và trí tuệ sẽ đi trước và kéo theo những người đi sau cùng tiến lên", ông Thành nói.
Hơn thế nữa, sự hình thành của một quỹ đầu tư khởi nghiệp ở Nghệ An được nhìn nhận sẽ là một bước đệm quan trọng để tỉnh này tiến xa hơn trên hành trình thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hiện thực hóa khát vọng đưa Nghệ An trở thành trung tâm khởi nghiệp của khu vực Bắc Trung Bộ.
Gian nan hành trình “thai nghén” quỹ VSV-Nghệ An
Sau ba lần nhận được thư từ Nghệ An, bà Lê Anh nhận thấy tỉnh thực tâm muốn làm nên đã quyết định cất công vào mảnh đất miền Trung làm việc và hỗ trợ Sở KH&CN tỉnh lên kế hoạch thúc đẩy đầu tư cho khởi nghiệp.
Các cán bộ của Sở KH&CN tỉnh Nghệ An và người đứng đầu của một số công ty tư nhân đã cùng tham gia lớp học về đầu tư khởi nghiệp kéo dài trong vòng một tuần do chính bà Lê Anh đứng lớp. Trong suốt hai năm liền, đội ngũ của Sở KH&CN tỉnh Nghệ An tham gia rất đầy đủ các khóa học của VSV với lời cam kết sẽ mở trung tâm khởi nghiệp và kêu gọi được đầu tư.
Trong quá trình đó, ông Thành tích cực vận động lãnh đạo chính quyền các cấp, sắp xếp cho bà Lê Anh trình bày với lãnh đạo tỉnh Nghệ An và thành phố Vinh về ý tưởng thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp. Họ đã mất rất nhiều thời gian nhưng mãi vẫn chưa thể đưa quỹ đi vào thực tế.
Nhà sáng lập VSV lúc đó đặt vấn đề với ông Thành một cách cương quyết: “Nghệ An đã có trung tâm khởi nghiệp nhưng startup trong đó lại phải ra VSV ngoài Hà Nội, vậy Nghệ An làm gì? Một là phải thuyết phục được lãnh đạo cấp trên, hai là phải lôi kéo được tư nhân vào đầu tư nếu không đây sẽ là lần cuối VSV về Nghệ An”.
Đến cuối tháng 7/2020, quỹ VSV-Nghệ An chính thức được thành lập sau quá trình nỗ lực của Sở KH&CN tỉnh Nghệ An và sự hỗ trợ hết mình của đội ngũ chuyên gia VSV. Quỹ ra đời với kỳ vọng khai thác tiềm năng phát triển mạnh mẽ của những startup xứ Nghệ, cũng chính là những người đang ngày đêm tìm ra giải pháp thông minh hơn cho những thử thách ngày nay.
“Con đường của Nghệ An tương đối trắc trở nhưng lại là quỹ đầu tiên của các doanh nhân tỉnh theo mô hình đầu tư quốc tế dù đi sau nhiều địa phương khác vì luôn có tinh thần học hỏi và sự quyết tâm rất lớn”, bà Thạch Lê Anh đánh giá.
VSV-Nghệ An được thành lập dựa trên tinh thần hợp tác thỏa thuận về vốn giữa 19 nhà đầu tư tư nhân để thực hiện đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dưới sự bảo trợ của tỉnh Nghệ An và được quản lý bởi quỹ VSV. Nhiều doanh nhân xứ Nghệ tham gia quỹ đầu tư có thể kể đến như ông Hồ Huy - Chủ tịch Taxi Mai Linh, ông Nguyễn Đình Hy - Giám đốc Công ty CP Toyota Vinh, ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch quỹ Alba Charity, ông Trương Văn Hùng - Giám đốc Công ty Lương thực vật tư nông nghiệp Nghệ An…
Hợp lực thực hiện khát vọng sông Lam
Nói về xứ Nghệ, lãnh đạo Công ty Lương thực vật tư nông nghiệp Nghệ An nhấn mạnh, tiềm năng về con người mà cụ thể là khối lượng chất xám được hình thành ở xứ Nghệ rất lớn.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội ở những nơi khác hơn là Nghệ An, vì vậy, sự hội tụ để lan tỏa chất xám ở Nghệ An vẫn chưa cao. Bên cạnh đó, người Nghệ thường bộc bạch, thẳng thắn và đôi khi hơi “ngang” mà chưa có được sự mềm mỏng cần thiết để tiếp cận thị trường các nhà đầu tư. Đây là một thiệt thòi lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở địa phương.
Bản thân ông Hùng từng đề xuất thành lập quỹ để hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp nhưng do thông tin về quỹ còn ít nên kiến nghị của ông chưa nhận được sự đồng thuận cao. Sau khi biết đến kế hoạch thành lập quỹ VSV Nghệ An của Sở KH&CN, ông và nhiều doanh nhân khác đã rất hoan nghênh.
“Tôi cũng muốn đóng góp một phần nào đó để xây dựng quỹ ở địa bàn Nghệ An và góp sức cho chiến lược phát triển lâu dài đối với cộng đồng, những doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp tại Nghệ An”, ông Hùng nói.
Trước hết, quỹ sẽ góp phần giải quyết những khó khăn ban đầu của startup về vốn với mức đầu tư lên tới 40.000 USD với khả năng tiếp tục đầu tư vòng 2 lên tới 100.000 USD.
Hơn thế nữa, các startup tham gia quỹ VSV Nghệ An sẽ được tham gia khoá đào tạo chuyên sâu trong bốn tháng với chương trình tư vấn chuyên biệt bởi 19 doanh nhân thành công. Họ cũng sẽ được tiếp cận một mạng lưới hơn 100 chuyên gia tư vấn, nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như cộng đồng startup với trên 80 doanh nghiệp được định giá hàng triệu USD như: Lozi.vn, Base.vn, Ship60…
Để tham gia chương trình, startup cần thỏa mãn một trong ba điều kiện: có ít nhất một thành viên trong đội ngũ sáng lập đến từ Nghệ An; có kế hoạch triển khai hoạt động kinh doanh tại Nghệ An; đồng ý đăng ký kinh doanh tại Nghệ An.
Có lẽ, đó cũng chính là lý do mà Cam Vinh Kỳ Yến, TXN Audio và một số dự án khác đã nhanh chóng đăng ký tham gia chương trình đầu tư ngay khi quỹ vừa mở đơn đăng ký dù đã đạt được những thành công bước đầu.
Theo chị Lê Na, việc phát triển được sản phẩm là một chuyện nhưng để có thể thành công, phát triển mạnh mẽ và bền vững, startup còn phải giải được các bài toán khác liên quan đến quá trình vận hành, kinh doanh, marketing, truyền thông, quản trị,... Chính các doanh nhân thành đạt trong quỹ với nhiều năm kinh nghiệm trên thương trường cũng như mạng lưới quan hệ rộng khắp sẽ chỉ đường dẫn lối cho các startup.
Nhớ lại nhiều năm trước, chị Na cho biết, Cam Vinh Kỳ Yến đã từng rất chật vật và khổ sở trong suốt nhiều năm liền. Chị ước rằng có thể gặp được VSV sớm hơn thì đã không phải mệt mỏi. Dù vậy, chị vẫn không nuối tiếc vì những trải nghiệm đó khiến cuộc gặp gỡ với VSV trở nên đồng điệu và mang lại nhiều giá trị hơn.
“Tôi tin rằng quỹ VSV-Nghệ An sẽ giúp cho các startup có được những định hướng, tư duy về kinh doanh đúng đắn ngay từ ban đầu, giúp các bạn hạn chế lãng phí thời gian, công sức và tiền của”, chị Lê Na nói.
Theo bà Thạch Lê Anh, với startup, các doanh nhân tham gia đầu tư vào quỹ sẽ là những người thầy trên hành trình phát triển. Còn với các doanh nhân cũng chính là nhà đầu tư thiên thần, startup chính là đối tác, cùng nhau góp sức để gây dựng startup lớn mạnh và xa hơn là tạo nên các doanh nghiệp thành công để góp sức cho sự “thay da, đổi thịt” của quê hương.
Bà Thạch Lê Anh đánh giá, sau khi quỹ VSV-Nghệ An được thành lập, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Nghệ An giờ đây đã tương đối đầy đủ.
Hệ sinh thái này giờ đây đã có trường đại học, phòng thí nghiệm và nghiên cứu, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, các tổ chức và doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Cơ quan chính quyền các cấp cũng như các sở ban ngành và đoàn thể đã quan tâm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái này.
“Mọi thứ đã sẵn sàng, điều quan trọng là Nghệ An có thể kích hoạt được đến đâu. Tôi kỳ vọng đợt đầu tư này sẽ tạo nên tiếng vang lớn để kích hoạt các thành tố sẵn có tham gia tích cực vào hệ sinh thái", bà Lê Anh nói.
Ông Thành cho biết, trong năm nay, Sở KH&CN tỉnh Nghệ An cũng sẽ tổ chức ngày hội khởi nghiệp chủ đề “Khát vọng sông Lam”. Chương trình trước hết nhằm kết nối những người xứ Nghệ, người yêu xứ Nghệ, các startup và các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn. VSV-Nghệ An cũng được kỳ vọng sẽ tạo nên hiệu ứng để kích hoạt thêm hai quỹ đầu tư khởi nghiệp ở địa phương này.
Nhìn lại quãng thời gian gần bốn năm, từ việc nghĩ rằng không thể làm gì ở Nghệ An cho đến khát vọng về một trung tâm khởi nghiệp ở Bắc Trung Bộ, bà Lê Anh khẳng định, Nghệ An sẽ thực hiện được khát vọng này nhờ hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết.
“Bật được công tắc thì đèn sẽ sáng. Con đường sắp tới của VSV-Nghệ An nói riêng và khởi nghiệp ở Nghệ An nói chung sẽ là một con đường phát triển bền vững nơi có sự đồng hành, hợp lực để hiện thực hóa những ý tưởng táo bạo", nhà sáng lập VSV tin tưởng.