Niêm yết, chuyển sàn, ngân hàng vẫn phải chờ thị trường thuận lợi
Khó niêm yết nửa đầu năm 2020…
Trước đó, năm 2019 không có thêm ngân hàng nào niêm yết trên 2 sàn chứng khoán HOSE và HNX. Số lượng nhà băng chưa niêm yết vẫn còn khá nhiều và dường như cũng chưa có động thái lên tiếng về việc này.
Trong Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2/2019, đã đề ra một loạt giải pháp cơ cấu lại thị trường. Trong đó, việc bắt buộc các ngân hàng thương mại (NHTM) lên sàn là một trong các biện pháp nhằm đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường.
Cụ thể, Đề án yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các NHTM cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các NHTM phải niêm yết trên thị trường chính thức HOSE, HNX hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Yêu cầu “lên sàn” đối với các cổ phiếu ngân hàng còn được đề ra trước đó tại một văn bản quan trọng khác là Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 8/2018. Ngoài ra, NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cũng nhiều lần có công văn nhắc chủ trương, lộ trình tất cả NHTM phải niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch những năm trước đây.
Yêu cầu đưa cổ phiếu lên sàn được nhắc lại nhiều lần, điều đó cho thấy tính cấp bách và tầm quan trọng của việc này.
Thực tế thì hầu hết các ngân hàng đều đã lên kế hoạch cho việc niêm yết và đăng ký giao dịch. Năm 2019, mặc dù không có ngân hàng nào mới niêm yết, nhưng một loạt kế hoạch theo yêu cầu đã được công bố. Đơn cử như MSB, Nam A Bank, OCB đều cho biết sẵn sàng niêm yết khi điều kiện thị trường thuận lợi. Các kế hoạch này dự định sẽ được triển khai trong nửa đầu năm 2020 khi nhiều nhà băng đã chuẩn bị để trình đại hội đồng cổ đông thông qua trong kỳ họp thường niên năm nay.
Cũng vào cuối năm 2019, HOSE đã nhận hồ sơ niêm yết gần 1,175 tỷ cổ phiếu MSB (Ngân hàng Hàng hải) trên sàn này. MSB được kỳ vọng là gương mặt mới nhất của ngành ngân hàng chào sàn năm 2020, bổ sung cho danh mục 10 cổ phiếu ngân hàng đang được giao dịch trên sàn HOSE.
Tương tự, OCB đã được chấp thuận bán 11% vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để chuẩn bị niêm yết trên HOSE. Hay như Nam A Bank, bên cạnh kế hoạch niêm yết, nhà băng này cũng được NHNN có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, diễn biến dịch Covid-19 kéo dài đã khiến các kế hoạch này bị chậm lại, chưa có thông tin mới sau các kế hoạch đã được công bố trong 4 tháng đầu năm nay.
Theo thống kê thì trên cả 2 sàn HOSE, HNX và thị trường UPCoM, hiện mới có 17 nhà băng niêm yết và đăng ký giao dịch gồm: VCB, CTG, BID, ACB, EIB, STB, SHB, MB, TCB, HDB, TPB, NVB, LPB, VIB, VBB, BAB, VPB. Đây là con số khiêm tốn so với tổng 31 ngân hàng thương mại cổ phần đang hoạt động tại Việt Nam.
… Dù kế hoạch sẵn sàng
Quay lại với 3 ngân hàng đã lên kế hoạch niêm yết sớm, ngoại trừ MSB đã nộp hồ sơ và chờ thời điểm thị trường thuận lợi để thực thi thì OCB và Nam A Bank đều cho biết sẽ cần thêm thời gian, nhưng không vượt tiến độ yêu cầu của cơ quan quản lý.
Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB Trịnh Văn Tuấn cho hay, Ngân hàng vẫn niêm yết trên sàn HOSE sớm trong năm 2020 sau khi chốt xong room ngoại. Ngày 13/3 vừa qua, OCB đã được NHNN phê chuẩn bán 11% vốn cho Ngân hàng Aozora, vốn điều lệ tăng lên hơn 8.767 tỷ đồng, từ mức 7.899 tỷ đồng.
OCB là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng rất tốt năm 2019 sau giai đoạn tái cấu trúc trước đó. Năm ngoái, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 3.232 tỷ đồng, tăng 47%, vượt 1% kế hoạch năm. Tổng tài sản đạt gần 118.160 tỷ đồng, tăng khoảng 18% so với đầu năm.
Cũng theo ông Tuấn thì việc niêm yết chắc chắn sẽ phải làm sớm, tuy nhiên “cũng phải chọn thời điểm thị trường thích hợp để khi cổ phiếu OCB lên sàn giá tăng, đảm bảo được quyền lợi tốt nhất cho các cổ đông”.
Tương tự, kế hoạch tăng vốn trong năm 2020 sẽ được Nam A Bank triển khai với việc chào bán cho đối tác trong và ngoài nước, tỷ lệ cổ phần bán cho đối tác khoảng 20%. Nam A Bank vừa được NHNN chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng năm nay.
Theo một lãnh đạo cấp cao Nam A Bank, hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đàm phán với Ngân hàng, mong muốn sở hữu cổ phần Nam A Bank. Chủ trương của Hội đồng quản trị Nam A Bank trong việc thu hút cổ đông chiến lược là phải tìm được nhà đầu tư có tầm nhìn và chiến lược phù hợp với sự phát triển của Ngân hàng. Sau khi tăng vốn, Nam A Bank sẽ đưa cổ phiếu Ngân hàng niêm yết trên sàn HOSE.
Một số ngân hàng đã giảm chỉ tiêu lợi nhuận 2020 vì phải thực hiện một loạt giải pháp như giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ,… để hỗ trợ khách hàng.
Thế nhưng, kế hoạch trên chuẩn bị tái trình cổ đông thông qua thì Nam A Bank phải hoãn Đại hội đồng cổ đông 2020 (dự kiến diễn ra ngày 28/3 vừa qua) do phải thực hiện chủ trương cách ly xã hội trước đại dịch Covid-19.
Tương tự, các kế hoạch triển khai việc niêm yết cũng như đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM của các nhà băng khác cũng phải tạm hoãn do dịch bệnh.
Ngân hàng Bản Việt đã hoàn tất thủ tục đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM. Ngày 16/9/2019, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có thông báo về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán (mã chứng khoán: BVB) với 317,1 triệu cổ phiếu đăng ký. VSD cũng lưu ý nhà đầu tư, Ngân hàng Bản Việt đăng ký giao dịch cổ phiếu BVB trên thị trường UPCoM tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Việc giao dịch cổ phiếu BVB được thực hiện theo quyết định của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt cho biết, về cơ bản, thủ tục đã hoàn tất và Ngân hàng cũng mong sớm đưa cổ phiếu lên UPCoM, song khả năng kế hoạch lên UPCoM sẽ phải tạm hoãn do dịch bệnh kéo dài.
Các báo cáo phân tích đưa ra gần đây nhận định, tác động của dịch Covid-19 với các ngân hàng đó là kéo lợi nhuận giảm và rủi ro nợ xấu gia tăng. Đây là yếu tố bất lợi khi các ngân hàng niêm yết năm nay, vì sẽ khiến giá cổ phiếu không đạt mức kỳ vọng.
Theo Báo cáo Xây dựng chiến lược đầu tư 2020 của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố thì BVSC tỏ ra bớt lạc quan về nhóm ngân hàng, dành ưu tiên cho nhóm sản xuất, chế biến, chế tạo. BVSC đưa ra nhận định rằng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng sẽ giảm tốc và thiếu yếu tố đột biến trong 2020.
Hiện một số ngân hàng đã giảm chỉ tiêu lợi nhuận 2020 vì phải thực hiện một loạt giải pháp như giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ… để hỗ trợ khách hàng. Chẳng hạn, SHB dự kiến giảm khoảng 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với mục tiêu dự kiến đầu năm; Nam A Bank đưa ra mục tiêu lợi nhuận 2020 ở mức 800 tỷ đồng trước thuế, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2019.
Không chỉ nhà băng nhỏ, ngay cả BIDV cũng cho hay, sẽ giảm mục tiêu lợi nhuận khi cần thiết so với mục tiêu thông qua Đại hội đồng cổ đông trong kỳ họp đầu tháng 3/2020 ở mức 12.500 tỷ đồng trước thuế, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo các ngân hàng, việc ngân hàng niêm yết trên sàn giúp nâng cao thanh khoản cổ phiếu, minh bạch trong hoạt động kinh doanh và là cơ hội cho nhà đầu tư lựa chọn trong danh mục cổ phiếu “vua”. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, niêm yết không có lợi cho cổ đông.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh nhận định, thị giá cổ phiếu “vua” đã giảm so với đầu năm trong bối cảnh sụt giảm chung của thị trường. Đồng thời, với các cổ phiếu ngân hàng thời gian tới, không phải mã nào cũng có tiềm năng tăng trưởng, mà chắc chắn có sự phân hóa mạnh trong nhóm. Mặt khác, tính cấp bách và những lợi ích của việc tăng vốn như nâng cao năng lực tài chính, mở rộng tín dụng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, áp chuẩn Basel II... là cần thiết.