Nợ của Trung Quốc đã tăng nhanh như thế nào trong cuộc khủng hoảng đại dịch vừa qua?

29/06/2021 10:44 GMT+7
Gánh nặng nợ của Trung Quốc đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Đây được xem là một trong những thách thức kinh tế lớn nhất với Bắc Kinh lúc này.

Bắc Kinh nhận định việc gánh nặng nợ tăng đáng kể trong thập kỷ qua là một trong những mối đe dọa tiềm tàng với sự ổn định kinh tế. Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng giảm bớt động lực tăng trưởng đất nước thông qua tăng nợ.

Tuy nhiên, xu hướng này đã bị đảo ngược vào năm ngoái, khi cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 buộc các nhà hoạch định chính sách nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ, bơm tiền vào nền kinh tế, tạo điều kiện cho cá nhân và doanh nghiệp vay vốn dễ dàng hơn. Kết quả là nợ của Trung Quốc tính theo quy mô nền kinh tế đã tăng lên mức kỷ lục trong năm 2020.

Thực tế, nợ của Trung Quốc đã tích lũy nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, khi các nhà chức trách tung ra gói kích thích khổng lồ mà phần lớn được phân bổ thông qua các khoản vay ngân hàng. 

Số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy mức nợ của nước này đã ổn định trong vài năm trước khi tăng trở lại để đạt mức cao nhất mọi thời đại là gần 290% GDP trong quý III/2020.  

Nợ của Trung Quốc đã tăng nhanh như thế nào trong cuộc khủng hoảng đại dịch vừa qua? - Ảnh 1.

Gánh nặng nợ của Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2020 (Ảnh: CNBC)

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất ghi nhận mức nợ tăng vọt vào năm ngoái. Dữ liệu của BIS cho thấy các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu cũng chứng kiến sự gia tăng tỷ lệ nợ trên GDP. Đây là tình hình chung trong bối cảnh các chính phủ toàn cầu tăng chi tiêu để hỗ trợ hộ gia đình và doanh nghiệp vượt qua những thách thức của cuộc khủng hoảng đại dịch.

Nhưng điều đáng lưu ý ở đây là cơ cấu nợ của Trung Quốc hoàn toàn không giống Mỹ và Nhật Bản. 

Theo số liệu của BIS, khu vực doanh nghiệp ở Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong gánh nặng nợ, với số nợ 160% GDP. Trong khi đó, tại Mỹ và Nhật Bản - hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ ba thế giới, nợ chính phủ chiếm tỷ trọng lớn nhất do các gói kích thích Covid-19 khổng lồ.

Khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch, Trung Quốc đang có xu hướng kiềm chế nợ trở lại trong những tháng gần đây, tránh đưa gánh nặng nợ tăng vọt thành mối đe dọa lớn cho nền kinh tế. Nỗ lực ấy đã cho thấy một số kết quả nhất định. Tổng tài trợ vốn trong toàn xã hội của Trung Quốc (outstanding total social financing) tăng 11% trong tháng 5/2021, chậm lại so với mức 11,7% một tháng trước đó.

Các nhà kinh tế tại ngân hàng Anh Barclays dự báo tăng trưởng tín dụng ở Trung Quốc sẽ rơi vào khoảng 10% đến 10,5% vào cuối năm nay, giảm so với 13,3% vào cuối năm 2020.

Nguy cơ từ gánh nặng nợ

Sự bùng nổ của nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã giúp Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới theo GDP danh nghĩa vào năm 2010. Hiện Trung Quốc vẫn đang duy trì vị thế này và được dự báo sẽ sớm vượt Mỹ trở thành nền kinh tế số 1 hành tinh tính theo GDP danh nghĩa vào khoảng cuối thập kỷ.

Trung Quốc hiện đặt mục tiêu trở thành một quốc gia tiên tiến. Vào tháng 11 năm ngoái, chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người vào năm 2035, theo nguồn tin của hãng thông tấn quốc gia Tân Hoa xã.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cảnh báo Bắc Kinh khó đạt được các mục tiêu kinh tế trong năm nay. do chiến dịch giảm nợ có khả năng làm giảm triển vọng kinh tế. Trong khi đó, tham vọng của Bắc Kinh về việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lấy tiêu dùng làm động lực tăng trưởng chính, hiện chưa mang lại kết quả rõ rệt.

Một số nhà phân tích khác cho rằng quá trình giảm nợ chỉ làm chậm lại quỹ đạo tăng trưởng tổng thể của Trung Quốc, chứ không làm nó “trật bánh” khỏi hành trình vươn lên trở thành nền kinh tế số 1 hành tinh.


NTTD
Cùng chuyên mục