Người Trung Quốc ngày càng ưa chuộng hàng nội địa

28/06/2021 16:14 GMT+7
Các thương hiệu Trung Quốc đang ngày càng được lòng người tiêu dùng nội địa, nhất là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị làm lu mờ hình ảnh các thương hiệu nước ngoài.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng mua sắm trực tuyến khi người dân Trung Quốc buộc phải cách ly tại nhà. Ngay cả khi các hạn chế kiểm dịch trong nước đã được dỡ bỏ gần hết và thị trường phục hồi trở lại, cơ sở hạ tầng hậu cần mạnh mẽ mà các nhà cung cấp nội địa phát triển trong thời kỳ đại dịch vẫn được duy trì, qua đó thúc đẩy nhu cầu của người Trung Quốc với các thương hiệu địa phương.

He Shuang, một người tiêu dùng trẻ ở Trùng Khánh cho hay: “Nếu bạn trải nghiệm, bạn sẽ thấy chất lượng hàng nội địa không thua kém các thương hiệu nước ngoài”. He Shuang hiện rất ưa thích các nhãn hiệu địa phương từ phấn mắt Carslan, giày thể thao Feiyue cho đến đồ ăn nhẹ Bestore Co và đồ gia dụng Miniso.

Maia Active, một nhà sản xuất quần áo thể thao được Sequoia Capital hậu thuẫn cũng chia sẻ rằng các sản phẩm của hãng được đón nhận do nó thiết kế dựa trên số đo cơ thể phụ nữ châu Á, do đó vừa vặn và thoải mái hơn so với các thương hiệu phương Tây.

Người Trung Quốc ngày càng ưa chuộng hàng nội địa - Ảnh 1.

Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa thích dùng thương hiệu nội địa (Ảnh: Getty Images)

Dòng vốn đổ vào thương hiệu Trung Quốc nội địa

Khi nhu cầu hàng nội địa tăng lên tại thị trường Trung Quốc, các nhà đầu tư cũng nắm bắt cơ hội để đổ tiền vào các thương hiệu này.

Theo công ty cố vấn đầu tư Cygnus Equity, các công ty tiêu dùng Trung Quốc đã huy động được 69,7 tỷ Nhân dân tệ (11 tỷ USD) từ thị trường vốn trong 5 tháng đầu năm, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. “Các sản phẩm làm đẹp, thực phẩm và đồ uống được yêu thích hơn cả” - nhận định của nhà phân tích Ming Jin, đối tác quản lý tại Cygnus.

Có tới 200 thương hiệu nội địa hiện đang tìm kiếm nguồn vốn mới từ các nhà đầu tư và nhà băng, cũng theo Cygnus.

“Trung Quốc là thị trường dễ dàng nhất để xây dựng một thương hiệu nào đó từ con số 0 đến doanh thu mục tiêu 100 triệu Nhân dân tệ” - nhận định của một nhà đầu tư tư nhân thuộc nhà điều hành chuỗi phòng trà Nayuki. 

Nayuki tuần trước đã huy động được 656 triệu USD trong đợt huy động ở thị trường Hong Kong, với tổng mức vốn hóa thị trường hiện là 4,4 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với thời điểm diễn ra vòng gọi vốn tháng 12 năm ngoái.

Weilong Delicious Global Holdings, công ty sản xuất que cay làm từ bột mì với sản phẩm chỉ có giá chưa đầy 5 Nhân dân tệ (0,77 USD) mỗi gói cũng gây sốc khi huy động được 3,56 tỷ Nhân dân tệ (550 triệu USD) vốn đầu tư từ các nhà đầu tư tên tuổi bao gồm Tencent, Quỹ Yunfeng Capital của Hack Ma, CPE, Hillhouse Capital và Sequoia Capital China trong một vòng huy động vốn vào tháng 5 qua. Hiện hãng sản xuất đồ ăn nhanh này có giá trị thị trường lên tới 70 tỷ Nhân dân tệ (10,8 tỷ USD).

Thương hiệu nước ngọt Genki Forest do Sequoia Capital China hậu thuẫn cũng được định giá 6 tỷ USD sau đợt huy động vốn vào tháng 4 năm nay; tức tăng 10 lần giá trị thị trường so với vòng huy động vốn gần nhất vào 18 tháng trước. 

Tinh thần dân tộc thúc đẩy sự bùng nổ các thương hiệu nội

Trong lễ hội mua sắm trực tuyến của JD.com tháng 6 qua, mức tăng trưởng doanh số của các thương hiệu Trung Quốc cao hơn 4% so với các thương hiệu quốc tế. Sàn JD.com cho biết nếu tính theo tăng trưởng số lượng khách hàng, chênh lệch lên tới hơn 16%.

Chris Mulliken, nhà phân tích tại công ty tư vấn EY có trụ sở tại Thượng Hải  cho biết tinh thần dân tộc là yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc

Chẳng hạn, cổ phiếu của các nhà sản xuất đồ thể thao trong nước như Xtep, Li Ning và Anta đã tăng lần lượt 196%, 60% và 38% kể từ tháng 4 đến nay trong bối cảnh nhiều thương hiệu đồ thể thao nước ngoài như Nike, Adidas mất lòng người tiêu dùng đại lục vì một tuyên bố không sử dụng bông Tân Cương từ nhiều tháng trước.

“Người tiêu dùng Trung Quốc không còn thần tượng các thương hiệu quốc tế” - nhận định của chuyên gia Nina Gong, giám đốc điều hành công ty cổ phần tư nhân Carlyle Group có trụ sở tại Bắc Kinh.


NTTD
Cùng chuyên mục