Nợ xấu tăng nhanh, áp lực điều hành lớn dần: Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị DN hết sức chia sẻ

12/10/2021 18:51 GMT+7
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước nhận thức được những khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ như áp lực lạm phát từ bên ngoài, khả năng phát sinh nợ xấu. Thống đốc đề nghị doanh nghiệp hết sức chia sẻ với hệ thống ngân hàng.

Áp lực điều hành chính sách tiền tệ

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) tổ chức sáng nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước có sứ mệnh, nhiệm vụ quan trọng trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chủ động cho các doanh nghiệp thiết kế kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đây cũng là quan điểm xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ.

Trong 9 tháng qua, các cơ quan đã phối hợp triển khai chính sách tiền tệ, tài khóa hài hòa và hợp lý, giữ được ổn định vĩ mô trong bối cảnh có nhiều tác động bất lợi. Điều này thể hiện ở lạm phát thấp, thị trường tiền tệ, tỷ giá, ngoại hối ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm…

Áp lực điều hành, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị DN chia sẻ với ngành ngân hàng - Ảnh 1.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: VGP)

Nhấn mạnh, thành công của doanh nghiệp tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng, khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của hệ thống ngân hàng, Thống đốc chia sẻ, khi doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi dịch bệnh thì ngân hàng vào cuộc rất quyết liệt theo chỉ đạo của Thủ tướng, các nghị quyết của Chính phủ, ban hành ngay thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Từ năm 2020 tới nay, riêng về khoản miễn phí khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm và ước lượng tổng hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng lên tới khoảng 60 nghìn tỷ đồng cho cộng đồng doanh nghiệp. Các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước được các tổ chức quốc tế đánh giá là phù hợp xu thế quốc tế.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng quyết liệt chỉ đạo xây dựng chương trình hồi phục và phát triển kinh tế xã hội. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước nhận thức được những khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ như áp lực lạm phát từ bên ngoài, khả năng phát sinh nợ xấu.

"Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô…, đề nghị các doanh nghiệp cũng hết sức chia sẻ với hệ thống ngân hàng trong quá trình này", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Nợ xấu tăng nhanh, ngân hàng chủ động ứng phó

Về áp lực điều hành, chia sẻ tại buổi họp báo thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ quý III/2021, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, do tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng. Đây cũng là áp lực của ngành ngân hàng trong thời gian tới.

Áp lực điều hành, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị DN chia sẻ với ngành ngân hàng - Ảnh 3.

Toàn cảnh họp báo Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: SBV)

Ông Tú nói, hiển nhiên trong bối cảnh dịch bệnh nợ xấu sẽ phát sinh, do doanh nghiệp không bán được hàng, đứt gãy chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh. Nợ xấu do dịch là khách hàng, vì vậy ngân hàng vẫn phải làm thế nào để hài hòa giữa việc tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp vay vốn nhưng không được hạ chuẩn tín dụng, để đảm bảo nợ xấu không phát sinh thêm.

"Bài học năm 2009 đến nay vẫn còn nguyên giá trị bởi 10 năm qua, chúng ta giải quyết nợ xấu rất vất vả và phải có Nghị quyết 42 của Quốc hội. Nếu không có dịch, mục tiêu đưa nợ xấu về 3% đã về đích, nhưng đến nay ảnh hưởng của đại dịch nợ xấu lại tăng trở lại và tốc độ tăng khá nhanh, tỷ lệ nợ xấu nội bảng lên gần 2%. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn lên tới gần 8%", ông Tú thông tin.

Ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) nói thêm, nợ xấu tăng nhanh ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống. Trên tinh thần ban hành chính sách Ngân hàng Nhà nước thường xuyên cập nhật sửa đổi cho phù hợp, vừa hỗ trợ cho khách hàng nhưng vẫn phải lường được khó khăn cho các ngân hàng.

"Ngân hàng Nhà nước luôn luôn chỉ đạo các ngân hàng dành các nguồn lực bằng cách tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, chia cổ tức bằng cổ phiếu,... đảm bảo nguồn lực để xử lý nếu đến hạn khách hàng không trả được nợ", ông Du nói.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục