Nỗi lo lớn nhất của các ngân hàng

19/01/2021 08:55 GMT+7
Theo các chuyên gia, nỗi lo lớn của ngành ngân hàng năm 2021 là sự “phình to” của khối nợ xấu, đặc biệt là khối nợ xấu tiềm ẩn đang được "che" dưới lớp vỏ cơ cấu lại nợ. Ngay cả khi Thông tư 01 được sửa đổi cho phép kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ, nợ xấu vẫn là áp lực lớn.

Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành 2 văn bản quan trọng là Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Chỉ thị 02/CT-NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đến cuối năm 2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 335 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Con số này tương đương 4% tổng dư nợ cho vay khách hàng toàn ngành được cơ cấu và không bị chuyển xuống nhóm nợ xấu.

Mặc dù một lượng lớn nợ được giữ nguyên như trên nhưng tỷ lệ nợ xấu toàn ngành được Ngân hàng Nhà nước công bố vẫn tăng nhanh và vượt qua mốc 2%.

Cụ thể, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến tháng 7/2020 được duy trì dưới mức 2%. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ này đã tăng dần lên 2,01% vào cuối tháng 8/2020; 2,14% vào cuối tháng 9/2020 và 2,09% vào cuối tháng 10/2020.

Nỗi lo lớn nhất của các ngân hàng - Ảnh 1.

Nỗi lo lớn của ngành ngân hàng năm 2021 là sự “phình to” của khối nợ xấu, đặc biệt là khối nợ xấu tiềm ẩn đang được "che" dưới lớp vỏ cơ cấu lại nợ

Thông tư 01 hết hạn: Nợ xấu sẽ xấu hơn

Điểm đáng chú ý, bức tranh ngành ngân hàng được dự báo sẽ mang một gam màu tối hơn với phần dư nợ được tái cơ cấu theo Thông tư 01 khi thông tư này hết hạn kể từ ngày 31/12 vừa qua.

Tại TPBank, kết thúc năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này chỉ ở mức 1,14% thấp hơn năm 2019. Tuy nhiên, mức chuyển nhóm nợ của tổng dư nợ tái cơ cấu trong trường hợp xấu sau khi Thông tư 01 hết hạn vào khoảng 5% tổng dư nợ được tái cơ cấu, tức là khoảng 0,4% tổng dư nợ cho vay đối với TPBank và duy trì mức bao phủ nợ xấu hơn 90%. "Đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngân hàng khi mức trích lập dự phòng dù có tăng mạnh, nhưng vẫn sẽ không đủ cho các kịch bản xấu nếu một lượng lớn tổng dư nợ được cơ cấu chuyển nhóm", lãnh đạo ngân hàng này thông tin.

Lãnh đạo của một ngân hàng thương mại Nhà nước lớn cũng thừa nhận, lượng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được cơ cấu lại là rất lớn. Do đó, khi Thông tư 01 hết hiệu lực mà doanh nghiệp vẫn không thể trả được nợ, nợ xấu của ngân hàng có thể sẽ tăng mạnh. Đây sẽ là thách thức không phải của riêng của một ngân hàng nào, nhưng lại là "gánh nặng" rất lớn với những ngân hàng chưa chuẩn bị nguồn dự phòng đầy đủ.

Thậm chí, theo ước tính của Trung tâm Phân tích chứng khoán SSI (SII Research), nợ xấu sẽ tăng 17% vào cuối năm 2020 và 14% vào năm 2021. Các khoản nợ xấu mới từ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ đặt ra những thách thức hơn nữa về vốn cho các ngân hàng. Với mỗi 1% nợ xấu tăng thêm, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) sẽ giảm từ 40 đến 80 điểm cơ bản.

Có lẽ đây là nguyên do chứ không phải là ngẫu nhiên ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu sửa đổi Thông tư 01 theo hướng tiếp tục hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 không có khả năng trả nợ đối với các khoản giải ngân sau ngày 23/1/2020 bằng hình thức cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ. Bên cạnh đó, cho phép kéo dài thời gian cơ cấu (trên 12 tháng) đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù, chưa có doanh thu như lưu trú, vận tải, nhà hàng, đào tạo…

Sửa Thông tư 01 – nợ xấu vẫn là nỗi lo

Thông tin từ NHNN cho biết, trong tuần vừa qua NHNN đã hoàn tất việc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư 01/2020/TT-NHNN sửa đổi về việc tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ..., và trình Thủ tướng Chính phủ. Theo dự thảo Thông tư 01 sửa đổi, NHNN và Bộ Tài chính đã thống nhất trình dự thảo sửa đổi Thông tư 01 (mới) theo hướng sẽ tiếp tục cho phép giữ nguyên nhóm nợ để doanh nghiệp tiếp tục được vay nợ với lãi suất bình thường như trước đây.

Thực tế, không chỉ doanh nghiệp, người dân, các nhà băng cũng đã rất "sốt ruột" ngóng văn bản sửa đổi Thông tư 01 được ban hành. Bởi nếu đến 30/1 này, NHNN chưa ban hành Thông tư nói trên, thì ngay trong tháng 1/2021, các tổ chức tín dụng sẽ phải hạch toán phân loại các nhóm nợ theo quy định thông thường.

Nỗi lo lớn nhất của các ngân hàng - Ảnh 3.

Nợ xấu còn phụ thuộc vào việc sửa đổi Thông tư 01 theo hướng nào.

Đánh giá cao động thái này của NHNN, song theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nợ xấu vẫn là nỗi lo lớn nhất của các ngân hàng ngay cả khi Thông tư 01 được sửa đổi, bổ sung theo hướng tích cực cho cả doanh nghiệp và ngân hàng. Bởi mức độ biến động của nợ xấu trong tương lai như thế nào vẫn chưa thể tính toán chính xác được, vì hiện tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Nếu kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động kinh doanh ngân hàng khả quan hơn, nguy cơ gia tăng về nợ xấu mới có khả năng giảm.

TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận, áp lực nợ xấu phụ thuộc vào việc sửa đổi Thông tư 01 theo hướng nào. Hiện tại NHNN đang trình Thủ tướng nội dung sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Bộ Tài chính đồng tình quan điểm cho phép các TCTD giữ nguyên nhóm nợ, nhưng lại yêu cầu phải trích lập dự phòng đầy đủ. Theo TS Lực, điều đó khiến lợi nhuận ngân hàng sẽ bị giảm rất mạnh trong năm 2021.

Bên cạnh đó, theo TS. Lực, có thể thời gian tới, kinh tế tốt lên, DN hoạt động tốt hơn giảm rủi ro về nợ xấu nhưng rõ ràng số lượng nợ cơ cấu lại của các ngân hàng đang tương đối nhiều. "Hiện lượng nợ đang được cơ cấu lại thời hạn trả nợ vào khoảng 350 nghìn tỷ đồng. Nếu chia cho tổng dư nợ hiện nay là 8,5 triệu tỷ đồng thì nợ xấu tiềm ẩn từ nợ cơ cấu là 4%. Dù hy vọng 50% số nợ cơ cấu quay lại nợ tốt nhưng như thế tỷ lệ nợ xấu cũng khoảng 2%. Cộng với tỷ lệ nợ xấu nội bảng hiện tại là hơn 2% thì nợ xấu lên tới 4%. Vì vậy, cần có ứng xử phù hợp đối với Thông tư 01", TS. Cấn Văn Lực phân tích và đề xuất: trước tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên đưa ra 2 phương án đối với Thông tư 01 là cho phép kéo dài đến hết tháng 6 rồi điều chỉnh tiếp hoặc cho phép gia hạn thêm 1 năm.



Huyền Anh
Cùng chuyên mục