Nông dân ngừng cho thanh long ra trái
Khu vườn gần một hecta của gia đình ông Nguyễn Văn Chín ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc trồng gần 1.000 trụ thanh long. Lứa trước, một nửa vườn đã cho thu hoạch. Lẽ ra, thời điểm này, khu vườn đã sáng đèn, nhưng ông quyết định ngắt điện, ngừng xử lý ra trái nghịch vụ cho 500 trụ còn lại. Hôm qua, ông đem gần 800 bóng đèn compact và dây điện cất hết vào kho, đình lại việc kéo dây, mắc bóng ra vườn.
Nhận thấy dịch nCoV diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ còn bấp bênh, giá thanh long tại vườn chỉ 3.000-5.000 đồng một ký, ông Chín cho rằng nếu tiếp tục chong đèn sẽ bị thua lỗ. Mỗi lần chong đèn tốn cả chục triệu đồng tiền điện, chưa kể tiền phân thuốc và công chăm sóc trong ba tháng, tổng cộng khoảng 30 triệu. "Làm mà thua lỗ, chẳng thà cho vườn nó nghỉ còn hơn", ông Chín nói.
Cạnh đó, khu vườn 400 trụ của anh Nguyễn Xuân Dũng cũng không xử lý chong đèn. Hai hôm trước, anh Dũng dùng câu liêm giật bớt những cành già và nhánh non thừa thãi, chỉ để lại những cành khỏe mạnh chờ ăn lứa hàng mùa (vụ chính ra trái tự nhiên trong mùa mưa) sau ba tháng nữa. Lứa này anh dừng để bảo toàn vốn đầu tư. "Mình ít vốn, phải đi vay mượn, gia đình tôi không dám mạo hiểm", anh nói.
Tại xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam, nhiều nông dân trồng thanh long cũng hành động tương tự. Họ không dám đầu tư cho "canh bạc" ẩn chứa nhiều rủi ro ở phía trước. Lứa mới đây mất hơn 20 triệu chưa thu hồi vốn do bán giá quá thấp, ông Nguyễn Văn Khuê (ở thôn Đàng Thành) không dám đầu tư tiếp. "Giờ tôi chỉ dưỡng cành, chờ đến tháng tư, mưa xuống, ăn hàng mùa cho nó chắc", ông nói.
Hiện, một số vườn chong đèn trước Tết đã ra trái. Các chủ vườn sắp thu hoạch cảm thấy lo lắng vì đã lỡ bỏ vốn đầu tư. Một số khác, thanh long đang cho ra búp lớn, đến giữa tháng 3 sẽ cho thu hoạch trái chín. Thấy giá cả bất ổn, các chủ vườn buộc phải cắt bỏ bớt búp trên cành, chỉ nuôi lại số ít để giảm chi phí đầu tư, chăm sóc trong thời gian còn lại.
Ông Nguyễn Văn Hòa, chủ vườn ở xã Mương Mán, đã chạy điện 500 trụ trước Tết. Sau 21 ngày chong, ông rút điện vào mùng 3 Tết. Trúng thời tiết đẹp, thanh long cho ra nhiều búp. Cứ mỗi trụ 30-35 búp, thậm chí 40 búp. Nhưng mấy hôm nay, ông đành ngắt bỏ gần một nửa. Thường thì mỗi trụ chừa lại 30 búp, nhưng nay chỉ chừa 20 búp. "Bốn mươi ngày nữa mới thu hoạch. Phải bẻ bớt, vì để càng nhiều càng tốn chi phí đầu tư", ông Hòa cho biết.
Tuần trước, ngày 4/2, UBND tỉnh Bình Thuận triệu tập các ngành liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ, giúp nông dân vượt qua khó khăn do lượng hàng bị ùn ứ ở các cửa khẩu biên giới. Theo số liệu báo cáo, diện tích chong đèn cho ra trái trong giai đoạn từ sau Tết khoảng 10.000 ha (khoảng 1/3 tổng diện tích), với sản lượng gần 100.000 tấn, đến cuối tháng 2 mới thu hoạch xong.
Cùng với việc kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn người trồng thanh long có kế hoạch sản xuất phù hợp trước tình hình dịch nCoV. Ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp cho biết, đã đề nghị các huyện cùng Hiệp hội Thanh long khuyến cáo cho nông dân và hội viên vấn đề này.
Cụ thể, những vườn xử lý chong đèn đã cho ra búp nụ, trái xanh, nông dân cần tỉa bớt, giảm từ 1/2 đến 2/3 lượng trái trên cây, để cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái, giảm tối đa chi phí đầu vào và dưỡng sức cho cây.
Những vườn đã thu hoạch trong tháng 2, chủ vườn nên tạm dừng kích thích đèn cho ra hoa trái vụ, đồng thời tỉa bớt cành già, cành bệnh, vệ sinh vườn sạch sẽ, chăm sóc lứa chồi hiện có chờ dịp thuận lợi sản xuất trở lại.
Đối với những vườn chưa hợp đồng tiêu thụ đang xử lý chong đèn và những vườn đã chong đèn hơn 10 đêm, có thể cân nhắc việc duy trì hoặc ngưng chạy điện để tránh thiệt hại do thị trường bất ổn trong thời điểm dịch bệnh corona.
Bình Thuận trồng hơn 30.000 ha thanh long. Ngoài vụ ra trái tự nhiên vào mùa mưa (tháng 4-8 âm lịch), nhà vườn còn xử lý cho thanh long ra trái nghịch vụ bằng kỹ thuật chong đèn ban đêm - một năm ba lứa (một lứa ba tháng). Đây là lứa chong đèn cuối trong niên vụ 2019-2020. Chi phí đầu tư cao, thanh long chong đèn phải có giá 13.000-14.000 đồng một ký trở lên, nông dân mới lãi.