Nông dân thu tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi tôm công nghệ cao
Áp dụng công nghệ vào nuôi tôm
Nhơn Trạch (Đồng Nai) hiện có hơn 2.000 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản và được biết đến là vùng có nhiều đặc sản, nhất là hải sản tươi sống, thơm ngon. Ngoài nuôi cá, bạch tuộc, hàu,… thì Nhơn Trạch còn nổi tiếng với nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ cao, hiện đại. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm mà nhiều nông dân bỗng chốc thành tỷ phí, ổn định kinh tế gia đình và giúp đỡ được nhiều hộ dân khác cùng phát triển.
Những người thành công nhờ nuôi tôm công nghệ cao có ông Nguyễn Trường Đại ngụ tại ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Ông Đại là người tiên phong nuôi tôm thẻ chân trắng với ứng dụng công nghệ cao và được người trong nghề biết đến với cái danh “bậc thầy trong làng nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao”. Ngoài giúp đỡ nhiều nông dân khác thì ao tôm của ông Đại là địa chỉ được nhiều kỹ sư nông nghiệp tìm về học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.
Để tìm hiểu về cuộc sống, công việc của ông Đại, chúng tôi đã có mặt tại ao tôm của ông. Qua quan sát chúng tôi thấy được ông Đại là người siêng năng, cần cù và rất tỉ mỉ.
Vừa thoăn thoắt chăm sóc tôm, ông Đại vừa chia sẻ với chúng tôi về cuộc đời gắn bó với tôm trong suốt hàng chục năm qua của ông.
Ông Đại kể, sau hàng chục năm nuôi tôm theo kiểu truyền thống nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế, ôm nợ, thua lỗ nặng liên tục thì đến cuối năm 2015 ông Đại bàn với vợ con chuyển đổi mô hình nuôi tôm từ truyền thống sang hiện đại.
Để chuyển sang mô hình mới, ông Đại đã khăn gói sang nước bạn để học đồng thời tham gia nhiều khoá học, trao đổi kinh nghiệm do hội nông dân tổ chức.
Sau khi có kiến thức, nắm chắc cơ hội trong tay, ông quyết định bỏ ra tiền tỷ để đổi mới mô hình nuôi tôm. Nhờ làm liều, chịu chi mạnh nên ông Đại đã đạt được kết quả lớn trong nuôi tôm.
Lợi ích kinh tế cao
Ông Đại nhớ lại, khi nuôi theo mô hình truyền thống bằng ao đất toàn bộ diện tích 4ha mặt nước của gia đình đều được sử dụng làm ao nuôi nhưng năng suất thu về không đáng kể, dịch bệnh, tôm chết vì ô nhiễm nguồn nước,… liên tục phải lấy thu bù chi. Còn nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm thâm canh trong nhà lưới theo quy trình CPF (ao nuôi được lót bạt và phủ lưới) rất hiệu quả.
Nuôi dạng này, đòi hỏi sự đồng bộ từ khâu chọn con giống sạch bệnh, chất lượng đến tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào, sử dụng men vi sinh chứa vi khuẩn có lợi cạnh tranh, ức chế với vi khuẩn có hại. Ao nuôi được thiết kế rất nhiều để các chất thải, chất bẩn tập trung lắng xuống khu trũng ở đáy ao, người nuôi vệ sinh hằng ngày và hút các chất bẩn ra khỏi ao nuôi nên hạn chế được rủi ro. Từ đó chỉ cần 90 ngày tôm đã đạt trọng lượng khoảng 25-30 con/ kg và bán được.
Ông Đại chia sẻ, nuôi tôm truyền thống, mỗi năm chỉ nuôi được một vụ tôm dù công sức bỏ ra rất nhiều và thu sẽ chỉ được khoảng một nửa so với số vốn bỏ ra trong vụ nuôi. Nuôi tôm theo cách truyền thống (nuôi trong ao đất, lấy nước từ sông…) ngày càng không đảm bảo an toàn cho tôm, tôm dễ mắc bệnh dẫn đến thua lỗ. Vì vậy ông đã ra sức nghiên cứu và đi theo mô hình nuôi tôm công nghệ cao.
Với mô hình nuôi theo công nghệ cao, kiểm soát được hội chứng chết sớm ở tôm nuôi, xử lý nguồn nước triệt để qua 3 giai đoạn, sử dụng các chất diệt khuẩn như Thuốc tím (KMnO4) Iodine, BAC, Chlorine đã ngăn ngừa được tối đa các bệnh hay xảy ra trên tôm như bệnh đốm trắng, bệnh gan tụy cấp, bệnh do vi bào tử trùng… làm tôm khoẻ mạnh, sinh trưởng phát triển tốt, tăng năng suất đầu ra.
“Nuôi theo công nghệ cao, mỗi năm nuôi được 3-4 vụ, năng suất tăng cao gấp nhiều lần so với cách nuôi truyền thống dẫn đến thu nhập cũng tăng. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid 19, giá tôm giảm mạnh, nhưng tôm nhà tôi vẫn bán được với giá 140.000-170.000 đồng/kg tôm cỡ 25-30 con/kg, cao hơn 20.000-40.000 đồng so với các hộ nuôi theo mô hình truyền thống. Nếu chấp nhận bỏ vốn ra để nuôi hiện đại thì khoảng sau 2 vụ là thu lại được toàn bộ vốn bỏ ra ban đầu. Nếu thuận lợi năm sẽ thu được khoảng chục tỷ, trừ đi các chi phí thu nhập cũng được tiền tỷ. Mong là những hộ khác cũng chấp nhận bỏ vốn ra đầu tư ban đầu, chờ thời gian thu lại. Có liều thì may ra mới thu lại được thành quả như mong đợi”, ông Đại nói.
Ông Đại cũng chia sẻ thêm là sau khi thấy ông thành công, nhiều người dân địa phương đã học hỏi làm theo. Qua đó nhiều hộ cũng đổi đời nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao như ông Đại và được ông Đại truyền nghề, chỉ dẫn tận tình. Nhờ vậy mà hiện nay khu vực Nhơn Trạch có rất nhiều hộ đã đi theo mô hình của ông Đại, được ông đại “cầm tay chỉ việc” và cũng đi lên phát triển kinh tế gia đình.
“Năng suất tôm trung bình của các hộ ứng dụng công nghệ cao đạt 45 tấn/ha/vụ, doanh thu bình quân 2 tỷ đồng/ha. Cũng mong đơn vị chuyên môn và chính quyền địa phương vận động, khuyến khích, hướng dẫn các hộ còn lại chuyển đổi mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để có thu nhập tốt hơn. Tôi cũng hay bảo mọi người chung tay xây dựng mô hình hiện đại để đưa nhau cùng đi lên, thành lập hợp tác xã, tổ lao động,… không dấu nghề để bà con cùng làm giàu”, ông Đại nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Bùi Phước Đức, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nhơn Trạch nói rằng ông Đại là nông dân sản xuất giỏi tại địa phương. Thời gian qua ông Đại không chỉ lo vực dậy kinh tế gia đình mà còn giúp đỡ bà con khác. Với mô hình nuôi tôm công nghệ cao thì chi phí đầu tư ban đầu cho 1ha là khoảng 700 – 800 triệu đồng nên vẫn chưa quá nhiều hộ mặn mà với mô hình mới do chi phí ban đầu cao. Tổng đến thời điểm này mới chỉ có 61 hộ nuôi theo mô hình này với diện tích khảng 91ha gồm ao nuôi và các ao xử lý.
Còn ông Lê Hữu Thiện, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cũng nói: “Ông Đại là nông dân sản xuất giỏi, một tổ trưởng tổ nuôi tôm VietGap và nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Đồng Nai. Ông Đại là người tiên phong và chịu khó học hỏi mô hình nuôi tôm công nghệ cao và về ứng dụng lên vuông tôm của gia đình, giúp kinh tế gia đình đi lên. Ngoài ra ông Đại cũng tham gia tích cực các phong trào của địa phương, nhất là của hội nông dân, ông Đại cũng giúp đỡ bà con nông dân khác áp dụng mô hình này và dường như ai cũng thành công. Sản phẩm mà tổ hợp tác của ông Đại đạt được là sản phẩm tôm sạch, đáp ứng được nhu cầu của thị trường hiện nay.