Nóng: Hà Nội có thể nới lỏng một số dịch vụ sau 15/9
Hà Nội xem xét nới lỏng một số hoạt động dịch vụ
Trên TTXVN đưa tin, chiều 13/9, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp, đánh giá về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Sau khi nghe Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội báo cáo về kết quả thực hiện công tác phòng chống dịch, đặc biệt là chiến dịch xét nghiệm và tiêm chủng thần tốc trong những ngày vừa qua, Thường trực Thành ủy đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu, trong đó có gần 8.000 cán bộ y tế của 12 tỉnh, thành phố về hỗ trợ cho thành phố.
Từ đó, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch và một số hoạt động dịch vụ trong các khu vực trên cơ sở đảm bảo chặt chẽ phương án phòng, chống dịch sau ngày 15/9 và 21/9.
Trước đó, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đặt ra 3 mục tiêu cụ thể hàng đầu để xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách là: Đến ngày 15/9, hoàn tất tầm soát xét nghiệm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiêm vaccine COVID-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi (nếu tiến độ cung cấp vaccine được đảm bảo); thông qua đó, cơ bản kiềm chế tình hình dịch bệnh, làm cơ sở để xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách, mở rộng các hoạt động xã hội, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.
Tại cuộc họp trực tuyến với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn vào chiều 12/9, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu các cơ quan liên quan chủ động xây dựng phương án phục hồi kinh tế - xã hội cho giai đoạn nới lỏng giãn cách xã hội.
Cụ thể, ông Quyền yêu cầu các địa phương phải tính toán, nghiên cứu, sớm có định hướng cho giai đoạn chống dịch sau ngày 21/9.
Đối với vùng 2, vùng 3, ông Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu chính quyền địa phương phải tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, xây dựng trong điều kiện kiểm soát tình hình dịch bệnh chặt chẽ...
Trước đó, từ 6 giờ ngày 24/7, TP Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Đến ngày 3/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký, ban hành Chỉ thị số 20 về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP. Theo đó, từ 6 giờ 6/9 đến 6 giờ 21/9, TP Hà Nội quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng.
Hà Nội lập danh sách người lao động muốn về quê
Các quận, huyện ở Hà Nội được yêu cầu thống kê người lao động có nguyện vọng về quê trước ngày 14/9. Sở LĐTB&XH sẽ liên hệ với địa phương liên quan để xây dựng phương án hỗ trợ.
Nội dung trên có trong công văn hỏa tốc vừa được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội gửi đến các quận, huyện, thị xã. Công văn được đưa ra sau khi UBND TP có văn bản yêu cầu Sở tổng hợp nhu cầu trở về quê của lao động ngoại tỉnh theo đề xuất của các địa phương trực thuộc.
Theo đó, Sở LĐTB&XH Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, thống kê và tổng hợp danh sách người lao động, người dân ngoại tỉnh có nguyện vọng trở về quê. Địa phương gửi văn bản tổng hợp danh sách này về Sở trước ngày 14/9 để kịp thời báo cáo TP.
Sau khi có danh sách, Sở LĐTB&XH Hà Nội chủ động liên hệ với sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố có liên quan, chủ trì phối hợp với công an thành phố nhằm xây dựng phương án hỗ trợ khi có đủ điều kiện.
Trước đó, để hỗ trợ lao động ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian giãn cách xã hội, UBND Hà Nội yêu cầu các địa phương linh hoạt, sáng tạo trong việc chăm lo, hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho người lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn, không có nơi cư trú do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cụ thể, các quận, huyện được yêu cầu lập danh sách nhóm lao động trên, phân loại đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 58 và các chính sách hỗ trợ đặc thù của TP.
Địa phương chủ động rà soát, bố trí nơi ở tạm để người lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 không có nơi cư trú đến tạm trú; phối hợp với sở, ngành liên quan thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động tự do ngoại tỉnh không có nơi cư trú trên địa bàn.
UBND Hà Nội cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP chỉ đạo các cấp tiếp tục kêu gọi nguồn lực xã hội hóa và các nguồn vận động hợp pháp khác. Việc vận động nhằm hỗ trợ đột xuất đối với người lao động ngoại tỉnh không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ nhưng gặp khó khăn, bị mất việc làm do dịch Covid-19.
Theo thông tin từ Sở LĐTB&XH Hà Nội, đến hết ngày 12/9, các đơn vị bảo trợ xã hội trên địa bàn TP tiếp nhận 89 người lang thang ngoài cộng đồng, trong đó có nhiều người là lao động tự do bị kẹt lại Hà Nội. Những người này được trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Ngày 13-9, TP Hà Nội ghi nhận 37 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 32 ca tại khu cách ly, 4 ca tại khu vực phong tỏa, 1 ca thuộc khu vực ổ dịch cũ.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4-2021) có 3.817 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.595 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.222 ca.