Nuôi heo trong nhà lạnh

24/10/2020 19:40 GMT+7
Nhiều năm đi cắt lúa mướn và làm thuê đủ nghề nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Gần 20 năm trước, từ con heo đầu tiên mua bằng tiền tích cóp, đến nay bà Lương Thanh Hương, ở xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, đã trở thành tỉ phú giữa Đồng Tháp Mười.

Hướng đi đúng

Nuôi heo trong nhà lạnh - Ảnh 1.

Bà Hương đang chăm sóc đàn heo giống mới nhập về.

Giữa lúc bệnh dịch tả heo châu Phi hoành hành khắp nơi thì trang trại heo của bà Hương vẫn an toàn tuyệt đối. Thành công này chính là nhờ cách nuôi heo trong nhà lạnh mà bà đã học hỏi rồi thực hiện theo khá thành công. Bà Hương kể, trước đây bà từng làm đủ nghề kiếm sống, đến mùa vụ, bà lại đi khắp nơi cắt lúa mướn. Nghề cắt lúa cực nhọc nhưng cuộc sống không khá hơn bao nhiêu. “Gần 20 năm trước, thấy một số hộ gần nhà nuôi heo có cuộc sống rất khá nên tôi dành dụm tiền mua 1 con heo về nuôi, sau đó để nái luôn. Từ con heo này, tôi gầy đàn từ từ thành trang trại như ngày nay” - bà Hương kể.

Bà Hương cho biết, sau nhiều năm chăn nuôi heo tích góp, bà mua thêm đất để xây dựng chuồng trại khá cơ bản để phục vụ nuôi heo. Mua thêm bao nhiêu đất, bà đều tính toán để mở rộng trại nuôi. Trong quá trình nuôi, bà tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi của ngành Nông nghiệp, rồi tham quan chuồng trại của các hộ khác để học hỏi thêm kinh nghiệm, giúp việc nuôi đạt hiệu quả hơn. Bà Hương còn là nhà phân phối thức ăn cấp 1 cho các công ty. Phần hoa hồng bán thức ăn hằng tháng gần đủ chi tiền thức ăn cho đàn heo nên giúp phần lời trong chăn nuôi cao hơn. “Hiện nay, theo cách nuôi của tôi, sau khi trừ hết chi phí, lời trên 2,8 triệu đồng/con. Ngoài ra, tôi còn liên kết với các công ty để bán con giống, nhờ đó giống sản xuất đều đảm bảo có đầu ra”.

Theo bà Hương, lúc cao điểm, trại heo của bà có khoảng 1.000 con heo, gồm nái và heo thịt. Thế mạnh của bà là nuôi heo nái để bán giống cho bà con trong vùng và liên kết cung cấp giống cho các công ty chăn nuôi. Những năm gần đây, khi dịch heo tai xanh, dịch tả heo châu Phi hoành hành, làm cho người chăn nuôi điêu đứng, trại heo của bà Hương có lần cũng thua lỗ vì dịch bệnh. Nhưng với niềm đam mê chăn nuôi, bà Hương quyết tìm ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Trong đó, nuôi theo phương pháp an toàn sinh học là tiêu chí hàng đầu nhằm đảm bảo heo sinh trưởng, phát triển tốt và đặc biệt không nhiễm bệnh. “Thực tế cho thấy, nuôi heo theo cách truyền thống chỉ phù hợp nuôi nhỏ lẻ, còn quy mô trang trại thì phải nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Khi nghe ở đâu có trang trại nuôi heo thành công là tôi liền thu xếp đến tham quan, học hỏi nhưng chưa tâm đắc với mô hình nào. Năm 2014, công ty thức ăn cho đi tham quan mô hình chăn nuôi trong nhà lạnh ở Trà Vinh; qua đó, tác động suy nghĩ và tạo động lực để tôi chuyển hướng sản xuất nhằm đảm bảo bền vững cho nghề chăn nuôi” - bà Hương kể.

Quyết tâm làm ăn lớn

Sau khi tham quan mô hình ở Trà Vinh, bà Hương xin bản vẽ của chủ trại rồi về bán 15 công đất cộng với tiền tích cóp đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi heo theo hướng an toàn sinh học và có hệ thống làm lạnh bằng hơi nước. Theo bà Hương, đến nay bà đã đầu tư hơn 3 tỉ đồng để xây dựng hoàn thiện trang trại, dành riêng khoảng 4 công đất làm khu xử lý chất thải để đảm bảo khu vực trại nuôi sạch sẽ, thoáng mát, an toàn vệ sinh, nước thải ra được đưa ra qua hệ thống xử lý, phân ủ làm biogas, nuôi cá.

Sau khi hoàn thiện hệ thống trại, toàn bộ heo được bà Hương cách ly đảm bảo sạch bệnh. Sau đó, heo được đưa vào nuôi trong phòng có hệ thống làm lạnh, có sổ theo dõi tiêm phòng nghiêm ngặt, công tác vệ sinh môi trường xung quanh cũng được thực hiện, vì vậy hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngoài ra, nhiệt độ môi trường được đảm bảo mát mẻ giúp đàn heo tăng trưởng nhanh, heo khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt nên ít dịch bệnh. Nhờ đó, thời gian nuôi được rút ngắn, tăng hiệu quả chăn nuôi. Bà Hương cho biết: “Để đảm bảo an toàn cho đàn heo, trước hết mô hình phải khép kín, khu heo thịt, heo nái phải chia ra, trại nuôi kín muỗi, kín gió, sát trùng chuồng trại mỗi tuần một lần, người ra vào trại phải sát trùng. Heo thả nuôi phải tiêm phòng đầy đủ vắc- xin. Nếu không xử lý kỹ chuồng heo, có mùi, heo sẽ đau mắt, hoặc sặc phân, dẫn đến bệnh phổi”.

Hiện tại, heo giống từ trại nuôi của bà Hương không những được tiêu thụ mạnh trên địa bàn tỉnh mà còn là địa chỉ tin cậy của người chăn nuôi ở các tỉnh thành lân cận. Mỗi năm, trang trại của bà xuất chuồng nhiều lứa heo, sau khi trừ chi phí lời hơn tỉ đồng. Hôm chúng tôi đến thăm cũng là lúc bà đang nhập khoảng 10 con heo giống về để nái. Những con heo này được bà đưa về để tuyển chọn, thay dần heo giống trong trại hiện nay. “Tôi đang cho cách ly đàn heo mới này để xử lý đảm bảo an toàn, sau đó mới đưa vô khu nhà lạnh. Chúng sẽ góp phần thay dần đàn heo giống để có giống tốt chăn nuôi trong tương lai” - bà Hương nói.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp huyện Tháp Mười, thời gian qua, có trên 45% đàn heo trên địa bàn bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi, chủ yếu là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn vệ sinh chăn nuôi. Ông Võ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười, cho biết: “Từ thực tế cho thấy bà con muốn nuôi hiệu quả, cần đầu tư mô hình khép kín và ứng dụng khoa học công nghệ. Trong đó, việc nuôi heo bằng hệ thống lạnh đang chứng tỏ ưu điểm vì giúp heo phát triển nhanh và phòng bệnh dịch hiệu quả. Từ hiệu quả thực tế mô hình của bà Hương, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi heo an toàn sinh học với số lượng khoảng 200 heo thịt ở xã Tân Kiều”.


Theo Bình Nguyên/Báo Cần Thơ
Cùng chuyên mục