Ở Sri Lanka, Trung Quốc ngày càng có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến các dự án cơ sở hạ tầng

01/07/2021 14:15 GMT+7
Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc (CHEC) hiện nắm trong tay hàng loạt dự án quan trọng ở Sri Lanka, đặc biệt là ở khu vực cảng Colombo và cảng nước sâu Hambantota.

Tháng trước, Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc (CHEC), một công ty con của Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) thuộc sở hữu nhà nước đã giành được quyền thực hiện một dự án phát triển tuyến đường cao tốc trên cao dài 17km ở ngoại ô thành phố cảng Colombo - cảng nhộn nhịp nhất Sri Lanka.

Đáng chú ý, các điều khoản của thỏa thuận này cho phép CHEC sở hữu tuyến đường cao tốc bao gồm việc thu hồi vốn, kiếm lợi nhuận và quản lý trong vòng 18 năm trước khi bàn giao lại tuyến đường cho chính phủ Sri Lanka. Như vậy, một khi dự án được khởi công, CHEC của Trung Quốc sẽ trở thành công ty nước ngoài đầu tiên sở hữu một tuyến đường cao tốc trên cao tại Sri Lanka.

Umesh Moramudali, giảng viên tại Đại học Colombo, nhà nghiên cứu về nợ công và tài chính của Sri Lanka nhận định rằng các dự án BOT tốt hơn nhiều so với các dự án xây dựng nhờ vay nợ, vì trong trường hợp này Sri Lanka không phải trả tiền cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng: “Dự án nên mang lại lợi ích cho quốc gia chứ không phải một công ty nhất định. Vấn đề ở đây là dự án BOT này đã làm dấy lên nhiều nghi vấn”.

Ở Sri Lanka, Trung Quốc ngày càng có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến các dự án cơ sở hạ tầng - Ảnh 1.

Dự án Thành phố Cảng Colombo vào tháng 11/2018 (Ảnh: Getty Images)

CHEC hiện nắm trong tay hàng loạt dự án quan trọng ở Sri Lanka, đặc biệt là ở khu vực cảng Colombo và cảng nước sâu Hambantota - quê hương của cựu Tổng thống và Thủ tướng đương nhiệm Mahinda Rajapaksa. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Mahinda đã tăng cường sự phụ thuộc của Sri Lanka vào Trung Quốc thông qua việc phê duyệt hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng lớn có vốn đầu tư Trung Quốc. Trong đó có dự án cảng Colombo - cầu nối nhộn nhịp giữa châu Á, Trung Đông và châu Âu và cảng Hambantota - gần hơn với tuyến hàng hải giữa eo biển Malacca và kênh đào Suez là hai dự án trọng tâm. Cảng Hambantota đã được Sri Lanka cho Trung Quốc thuê từ năm 2017. Bắc Kinh đã nhiều lần ngỏ ý muốn biến Sri Lanka thành điểm quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường mà chính quyền ông Tập Cận Bình khởi xướng.

Bên cạnh tham vọng hàng hải, chính phủ Sri Lanka cũng muốn biến Colombo thành một trung tâm tài chính quốc tế trong tương lai. Tuy nhiên, tham vọng này vấp phải ý kiến trái chiều của hàng loạt chuyên gia. Một số quan ngại tầm ảnh hưởng ngày càng bành trướng của Trung Quốc gây ra mối đe dọa trực tiếp với chủ quyền Sri Lanka trong khi số khác viện dẫn sự thiếu kiểm soát của chính phủ về mặt pháp luật với các ngân hàng và tổ chức nước ngoài dự kiến sẽ hoạt động tại đây. Trong trường hợp xấu nhất, những thực thể nước ngoài này có thể là vỏ bọc cho các hoạt động rửa tiền hoặc tội phạm tài chính bất hợp pháp khác đi qua Sri Lanka.

Bà Sankhitha Gunaratne, phó giám đốc điều hành Tổ chức chống tham nhũng trực thuộc Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Sri Lanka cho biết: “Một trung tâm tài chính đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ và chỉ áp dụng luật đất đai có thể là không đủ”. Theo bà, nếu không có sự giám sát thích hợp, các thực thể hoạt động ở Thành phố Cảng Colombo có thể lợi dụng quyền tài phán ngoài tầm với của luật pháp Sri Lanka, qua đó trở thành nơi trú ẩn an toàn cho dòng tiền không minh bạch.

Năm ngoái, tờ Nikkei Asian Review đưa tin tính đến tháng 6/2020, tổng nợ nước ngoài của Sri Lanka đã lên tới 50,8 tỷ USD, trong đó nợ Trung Quốc chiếm khoảng 10%. Các khoản nợ này chủ yếu là tiền Bắc Kinh đầu tư cho một số dự án cơ sở hạ tầng bao gồm phát triển cảng Colombo. Nợ công tính chung của nền kinh tế đã chạm mức 83% tổng GDP vào cuối năm 2019. Thâm hụt thương mại trung bình khoảng 10 tỷ USD mỗi năm.

Sri Lanka cũng có xu hướng ưa thích vay nợ từ Trung Quốc hơn là các tổ chức tài chính phương Tây. Năm ngoái, Bắc Kinh đã giúp giảm bớt gánh nặng nợ bằng cách bơm thêm 500 triệu USD cho Sri Lanka như một phần gói vay hợp vốn trị giá 1,2 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.

Việc Sri Lanka ưa vay nợ từ Trung Quốc gắn liền với lịch sử vay nợ phức tạp của đất nước này với IMF. Trong 55 năm qua, Sri Lanka đã 16 lần cần đến các gói cứu trợ từ IMF, chỉ đứng sau Pakistan, quốc gia nhận cứu trợ của IMF 20 lần. Nhưng chỉ 9 trong số 16 chương trình tín dụng mà IMF triển khai ở Sri Lanka hoàn thành tốt đẹp. Lần cuối cùng Sri Lanka tìm đến gói vay của IMF là vào năm 2016, khi nước này xin một quỹ hỗ trợ trị giá 1,5 tỷ USD nhưng sau đó đột ngột chấm dứt thỏa thuận do chính quyền mới lên nắm quyền. Nỗ lực tìm kiếm thêm các khoản vay quốc tế của Sri Lanka đã phải đối mặt với lực cản lớn do hàng loạt xếp hạng tiêu cực từ các tổ chức tài chính uy tín.


NTTD
Cùng chuyên mục