Ông chủ “8X” của 3 sản phẩm OCOP
Ngoài kiên trì, sự năng động đã giúp chàng thanh niên sinh năm 1985 phát triển được thị trường cho sản phẩm, biến đông trùng hạ thảo của mình thành 3 sản phẩm OCOP tiềm năng của huyện Nga Sơn.
Cởi bỏ giầy tất, đeo khẩu trang và mặc áo bảo hộ để vô trùng, chúng tôi được “ông chủ” trẻ Nguyễn Văn Tuấn dẫn ghi hình và tìm hiểu quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo đã khá nổi tiếng tại huyện Nga Sơn. Trong cái lạnh đến run người của các dàn điều hòa chạy cả ngày đêm và độ ẩm khá cao, hàng nghìn bình đông trùng hạ thảo đủ các độ tuổi được xếp ngay ngắn trên các hàng giá đỡ. Dưới dàn ánh sáng đỏ chiếu rọi khắp các ngóc ngách của khu xưởng sản xuất, ngàn vạn sợi nấm đông trùng hạ thảo vàng óng, tua tủa vươn lên. Theo anh Tuấn, phòng nhân nuôi tiêu chuẩn này có quy mô sản xuất trung bình 15.000 bình đông trùng hạ thảo mỗi tháng. Không những sản xuất được một loại, mà cơ sở này hiện còn sản xuất được nhiều loại đông trùng hạ thảo từ các loại phôi khác nhau.
Có được thành công như ngày hôm nay, thanh niên Nguyễn Văn Tuấn đã phải “trả học phí” bằng nhiều thất bại tưởng chừng khuynh gia bại sản, không thể vực dậy. Từng tốt nghiệp Khoa Nông - Lâm – Ngư nghiệp của Trường Đại học Hồng Đức, Nguyễn Văn Tuấn luôn mơ ước sẽ khởi nghiệp và làm giàu bằng nghề của mình trên mảnh đất quê hương xã Nga Hưng – nay được sáp nhập vào thị trấn Nga Sơn. Cộng với may mắn được công tác tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa nên anh càng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm thực tế để về quê thực hiện ước mơ. “Nhận thấy tiềm năng của sản phẩm đông trùng hạ thảo rất lớn, trong khi sản phẩm ngoài tự nhiên có giá rất đắt đỏ nên không nhiều người có thể mua được. Từ năm 2016, tôi đã quyết tâm nghiên cứu để sản xuất. Đến năm 2017, tôi đã vay mượn để xây dựng phòng nuôi tiêu chuẩn, mua nồi hấp và các dụng cụ liên quan” – anh Tuấn chia sẻ.
Tuy nhiên, toàn bộ gia sản và quyết tâm của chàng thanh niên khởi nghiệp lại gặp hết thất bại này đến thất bại khác. Đây là lĩnh vực khó, yêu cầu kỹ thuật cực cao nên giai đoạn đầu, chàng thanh niên huyện Nga Sơn này chưa có thực tiễn. “Khoảng thời gian gần Tết Nguyên đán năm 2018, tôi bị hỏng cả nghìn bình sản phẩm, thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, lẻ tẻ trong những năm đầu, liên tục mất vài chục bình, thậm chí cả trăm bình do nhân nuôi thất bại” – anh Tuấn trải lòng. Việc cấy phôi đông trùng hạ thảo trên nhộng tằm thất bại nhiều nhất bởi lúc đầu, anh chưa tìm ra cơ chế cho con nhộng duy trì sự sống trong tình trạng “chết lâm sàng” trong 7 ngày. Hàng trăm triệu đồng cứ lần lượt “ra đi” như thách thức ý chí của chàng kỹ sư nông nghiệp trẻ. Càng chạy vạy vay mượn vốn, thậm chí vay lãi để tiếp tục, bạn bè, người thân càng thấy ái ngại vì không tin vào sự thành công. Người thân cận nhất là vợ anh cũng can ngăn dừng lại bởi thêm nhiều thất bại nữa coi như gia đình phá sản.
Thế rồi, trời không phụ công người, anh Tuấn đã thu hái được những thành công ban đầu. Theo anh, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, rồi dần điều chỉnh thay đổi nhiệt độ, cường độ ánh sáng, chế độ dinh dưỡng cho đông trùng hạ thảo trong phòng nuôi. Hiện Tuấn còn làm chủ công nghệ sản xuất phôi đế để cấy đông trùng hạ thảo nên không phải mua từ nơi khác như nhiều cơ sở hiện nay. Từ giữa năm 2019 đến nay là giai đoạn thành công liên tiếp của cơ sở sản xuất bởi chủ cơ sở đã “giắt lưng” được những kinh nghiệm cần thiết. Nhộng tằm, gạo lứt cao cấp, các loại vitamin B1, B12, B6... được trộn lẫn, nghiền nhỏ, cân bằng độ PH, đưa vào nồi hấp ở 121 độ C, sau được làm nguội và cấy giống đông trùng hạ thảo. Không ngần ngại chia sẻ bí quyết, anh còn tiết lộ, phải luôn duy trì độ ẩm từ 85 đến 95% trong phòng nuôi. Sau khi cấy phôi giống vào đế dinh dưỡng phải để trong tối từ 7 đến 10 ngày, sau khi phôi ăn kín đáy, mới chuyển sang môi trường ánh sáng 12 giờ mỗi ngày. Sau 65 đến 70 ngày, một lứa đông trùng hạ thảo lại được thu hoạch. Sản phẩm đông trùng hạ thảo được anh lấy tên thương mại Đăng Khoa, đưa ra và được thị trường tiếp nhận với giá rẻ hơn nhiều nhập khẩu nước ngoài và một số nơi trong nước.
Để đáp ứng được thị hiếu đa dạng của khách hàng, anh Tuấn đã nghĩ ra nhiều cách để làm phong phú sản phẩm. Ngoài đông trùng hạ thảo tươi, anh còn đầu tư mua máy sấy lạnh để chế biến đông trùng hạ thảo khô, ngâm mật ong đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo chưng tổ yến, rượu đông trùng hạ thảo... Một gian trưng bày sản phẩm đã được anh triển khai vào nửa cuối năm 2020 tại tiểu khu Yên Hạnh 2, thị trấn Nga Sơn. Tại cửa hàng khá quy mô này, anh còn đăng ký để trưng bày và bán các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa với hàng chục sản phẩm. Trong năm qua, có tới 3 sản phẩm, gồm: đông trùng hạ thảo tươi, đông trùng hạ thảo khô và rượu đông trùng hạ thảo của cơ sở sản xuất này đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, cơ sở sản xuất này còn nhân nuôi đông trùng hạ thảo vào đáy vỏ chai thủy tinh để định hình khối, sau đó đổ rượu ngâm trực tiếp vào chai. Vỏ chai cũng được nhập khẩu từ nước ngoài với mẫu mã đa dạng để đáp ứng thị hiếu khách hàng. Rượu ngâm được khử An – đê – hít, ngâm trong hệ thống chum sành cỡ lớn để bảo đảm chất lượng.
Năm 2020, cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo này đã cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Tuy lợi nhuận trong số đó chưa nhiều do phải tái đầu tư, song với thị trường đang rộng mở, “nghề” sản xuất đông trùng hạ thảo đang có nhiều dư địa phát triển. Những ngày đầu tháng 2–2021 này, ông chủ sinh năm 1985 đang tiếp tục triển khai một cơ sở sản xuất nữa ngay trong Trạm Y tế xã Nga Hưng cũ lâu nay bỏ hoang do sáp nhập. Hiện tại, 5 lao động địa phương đang làm việc theo giờ tại cơ sở sản xuất với thu nhập trung bình gần 5 triệu đồng/người/tháng. Trở thành sản phẩm OCOP nên được hỗ trợ quảng bá, sản phẩm Đông trùng hạ thảo Đăng Khoa đang có nhiều cơ hội lớn để phát triển thị trường trong và ngoài tỉnh.