“Ông lớn” hụt hơi, Sacombank của ông Dương Công Minh trở lại vượt TPBank và OCB

08/11/2019 11:47 GMT+7
27 ngân hàng đã tạo ra trên 85 nghìn tỷ lợi nhuận trước thuế và gần 69 nghìn lãi ròng trong 9 tháng. Ngoại trừ Agribank, đã có 10 ngân hàng báo lãi vượt mốc 2.000 tỷ đồng. Trong đó, BIDV “hụt hơi” và chính thức “rớt” khỏi TOP 5 lợi nhuận, Sacombank của ông Dương Công Minh vượt lên so với TPBank và OCB.

Thống kê báo cáo tài chính của 27 ngân hàng cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng này đã tăng trưởng tới 27%, đạt 85.663 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 68.753 tỷ đồng, tăng tương ứng 28% so với cùng kỳ.

BIDV hụt hơi, Sacombank của ông Dương Công Minh "trở lại"

Vietcombank vẫn là quán quân về lợi nhuận khi 9 tháng đầu năm nay ngân hàng hợp nhất lãi trước thuế 17.613 tỷ đồng tăng 50,6% so với cùng kỳ, một phần nhờ vào Vietcombank giảm nhẹ 4% trích lập dự phòng so với cùng kỳ, chiếm 4,819 tỷ đồng.

Trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt 17.250 tỷ đồng, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 85,4% kế hoạch năm 2019.

Tổng hợp báo cáo tài chính của các ngân hàng

Ở vị trí dẫn đầu trong ngành ngân hàng, Vietcombank bỏ xa á quân Techcombank gần 8.752 tỷ đồng lãi trước thuế, đồng thời thực hiện 86% kế hoạch năm. (Không tính Agribank vì chưa công bố báo cáo tài chính). Riêng quý III/2019, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 3.198 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.

Mặc dù vẫn chưa lấy lại được ngôi vị á quân từ Techcombank (TCB), VietinBank (CTG) cũng đã thực hiện được 89% kế hoạch năm với lãi trước thuế đạt 8,456 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh nhà băng này đã tăng 39% trích lập dự phòng.

Nếu như hồi 9 tháng đầu năm 2018, Ngân hàng Quân đội (MB – Mã: MBB) còn ở ngoài top 5 thì đến năm 2019 đã vươn lên vị trí thứ 4 với 7.616 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 27% so với cùng kỳ mặc dù đã tăng 60% dự phòng rủi ro tín dụng, thực hiện được 77% kế hoạch năm.

VPbank hiện là ngân hàng đứng trong TOP 5 lợi nhuận ngành với 7.199 tỷ đồng và hoàn thành 76% kế hoạch năm.

Đáng chú ý, trong bảng xếp hạng top đầu trước đây vẫn luôn có mặt của BIDV nhưng trong 9 tháng vừa qua, BIDV "hụt hơi" nên bị rơi xuống vị trí thứ 6 với trên 7.000 tỷ đồng và chỉ đạt 7.028 tỷ đồng và mới thực hiện được 67% mục tiêu đã đặt ra.

Tuy nhiên, nếu tính con số lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro, BIDV vẫn dẫn đầu với trên 23,5 nghìn tỷ đồng, tăng xấp xỉ 9% so với cùng kỳ năm trước.

ACB và HDBank (HDB) có vị trí thứ hạng không đổi dù kết quả so với cùng kỳ thì tăng trưởng đáng kể. Trong đó, ACB đã đạt được 5.561 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm, tăng 16% so với năm trước với chi phí dự phòng giảm đến 75%. Dù vậy, ACB mới thực hiện được 76% kế hoạch năm 2019.

Còn lại là HDBank của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 3.448 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước, đã đưa HDB xếp trên VIB một hạng.

Điều bất ngờ hơn hết chính là Sacombank do ông Dương Công Minh làm Chủ tịch HĐQT đã quay trở lại góp mặt trong top 10 ngân hàng báo lãi khủng 9 tháng năm nay, với lãi trước thuế đạt 2.491 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ năm trước, cũng như đã thực hện được 94% kế hoạch cho cả năm. So với bảng xếp hàng lợi nhuận của 6 tháng đầu năm, Sacombank của ông Dương Công Minh đã vượt mặt TPBank (TPB).

Ngược lại, ngoài BIDV, 2 nhà băng khác là Viet Capital Bank của bà Nguyễn Thanh Phượng, Eximbank (EIB) tăng trưởng âm về lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm.

Đáng nói, là dù đã giảm 24% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, Viet Capital Bank của bà Nguyễn Thanh Phượng vẫn phải chấp nhận lợi nhuận trước thuế tụt dốc 41%, còn hơn 84 tỷ đồng. Cùng với đó, tuy đã giảm 69% chi phí dự phòng, lợi nhuận của Eximbank vẫn sụt giảm 3%, còn 1.103 tỷ đồng.

Soi hiệu quả làm việc của nhân viên ngân hàng

Đứng đầu hệ thống về lợi nhuận, nhân viên Vietcombank cũng là những người làm việc hiệu quả nhất.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 9/2019, Vietcombank đang có 18.838 nhân viên. Trong khi đó, lợi nhuận thuần trước rủi ro tín dụng trong năm của ngân hàng trong kỳ đạt 22.432 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 17612 tỷ đồng.

Tính ra, mỗi nhân viên Vietcombank đã tạo ra 132,3 triệu đồng lợi nhuận thuần/tháng và 103,9 triệu đồng lợi nhuận trước thuế/tháng.

“Ông lớn” hụt hơi, Sacombank của ông Dương trở lại vượt TPBank và OCB - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Trong khi đó, dù ghi nhận lợi nhuận giảm nhẹ, nhưng BIDV vẫn đang là ngân hàng có nhân viên làm việc hiệu quả cao thứ hai trong nhóm khảo sát, với việc mỗi nhân viên tạo ra 101,6 triệu đồng lợi nhuận thuần/người/tháng và 30,3 triệu đồng lợi nhuận trước thuế/người/tháng.

Techcombank đứng thứ ba với 98 triệu đồng lợi nhuận thuần/người/tháng và 91,8 triệu đồng lợi nhuận trước thuế/người/tháng.

Ở chiều ngược lại, NCB đang là ngân hàng đứng cuối trong nhóm khảo sát khi mỗi nhân viên chỉ tạo được 7,8 triệu đồng lợi nhuận thuần/tháng và 1,5 triệu đồng lợi nhuận trước thuế/tháng, thấp hơn rất nhiều so với con số trung bình 50,4 triệu đồng lợi nhuận thuần/người/tháng và 34,9 triệu đồng lợi nhuận trước thuế/người/tháng trong nhóm.

Kienlongbank cũng nằm trong nhóm cuối bảng khi trung bình mỗi tháng, mỗi nhân viên chỉ tạo ra 10 triệu đồng lợi nhuận thuần và 8,4 triệu đồng lợi nhuận trước thuế.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục