'Ông lớn' xăng dầu tăng nhập khẩu khi lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất gặp sự cố
Trước đó, Bộ Công Thương đưa ra 2 kịch bản, giao cho các doanh nghiệp đầu mối mua và nhập khẩu từ 25,9 - 26,7 triệu m3/ tấn xăng dầu. Theo Bộ Công Thương, PVOIL đã nhập khẩu tăng thêm 40.000 m3 xăng dầu để đảm bảo đủ nguồn cho toàn hệ thống PVOIL trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Trong khi đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã triển khai công tác đàm phán ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp nước ngoài và trong nước (Nhà máy lọc dầu Dung Quất/Nghi Sơn) để ổn định nguồn cung, tiến hành nhập hàng về 07 điểm kho: Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định, Nha Trang, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh.
Trong tháng 01/2023 (tháng Tết) và tháng 02/2023 (sau Tết), Petrolimex có kế hoạch nhập khoảng 1,83 triệu m3, tấn xăng dầu các loại (tăng 6,7% so với tổng nguồn tối thiểu bình quân tháng được phân giao). Petrolimex tiếp tục lập kế hoạch mua hàng cho tháng 03/2023 để đảm bảo cho nhu cầu tiêu thụ của Tập đoàn dịp trong và sau Tết Nguyên đán.
Đối với mặt hàng LPG, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam dự kiến nhu cầu tiêu thụ LPG tháng 1-2/2023 chỉ đạt khoảng 170-190 nghìn tấn/tháng, thấp hơn so với các tháng thông thường khoảng 10-20 nghìn tấn. Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (PV GAS) duy trì ổn định hoạt động sản xuất của các nhà máy GPP Dinh Cố và Cà Mau và cung cấp cho thị trường khoảng 25-30 ngàn tấn/tháng. PV GAS tiếp tục duy trì các hợp đồng term mua LPG cho năm 2023 và cân đối các hợp đồng spot tùy theo nhu cầu thị trường để đảm bảo nguồn hàng theo cam kết, đồng thời góp phần ổn định nguồn cung cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong quý IV/2022, khoảng 5,5 triệu m3/tấn cho 36 DN đầu mối. Năm 2023, Bộ Công Thương đưa ra 2 kịch bản, giao cho các doanh nghiệp đầu mối mua và nhập khẩu từ 25,9 - 26,7 triệu m3/ tấn xăng dầu, mức tăng từ 10 - 15% so với năm 2022.
Đánh giá về thị trường thời gian vừa qua, Bộ Công Thương khẳng định, cơ bản hoạt động kinh doanh xăng dầu trên cả nước diễn ra bình thường, lượng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hay tăng giá đột biến.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương thừa nhận vẫn còn một số ít cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại một số địa phương đang tạm dừng bán hàng do chưa kịp nhập hàng; hoặc có cửa hàng chỉ còn dầu, hết xăng; có cửa hàng nghỉ bán hàng có lý do đã được sự cho phép của Sở Công Thương… (xảy ra tại một số địa phương như: Hà Giang, Hà Tĩnh, Bình Phước, Thừa Thiên Huế, Thái Bình, Hà Nội, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Ninh Bình...).
Để góp phần bình ổn thị trường xăng dầu, lực lượng quản lý thị trường đã luôn bám sát địa bàn, yêu cầu các cửa hàng khẩn trương nhập xăng, dầu; duy trì thời gian bán hàng và thực hiện đúng các quy định của pháp luật để đảm bảo phục vụ tốt cho đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nhằm không xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung hàng hóa, gây bất ổn thị trường.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Hiện, những nội dung sửa đổi tại Dự thảo Nghị định trên đang gây ra nhiều ý kiến tranh cãi, trong đó liên quan tới các nội dung như phương thức điều hành giá, chiết khấu tối thiểu trong bán lẻ xăng dầu, quy định nguồn nhập hàng của các đại lý bán lẻ xăng dầu, đầu mối điều hành giá xăng dầu...