Ông Trump tuyên bố ưu tiên thỏa thuận thương mại tại G20

29/06/2019 10:29 GMT+7
Trước thềm cuộc gặp gỡ riêng với người đồng cấp Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình thẳng thắn cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ mà “một số nước phát triển đang thực hiện”.

Tổng thống Trump hôm 27.6 tuyên bố ưu tiên của ông tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 là thỏa thuận thương mại nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Mỹ. Ở phía ngược lại, Chủ tịch Tập Cận Bình lại lên tiếng cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ có thể là mối đe dọa với nền kinh tế toàn cầu.

Hơn 1 năm nay, cuộc chiến tranh thương mại ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang mang đến nhiều hệ lụy. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF thậm chí quan ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu nếu chiến tranh thương mại tiếp tục kéo dài và hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không ngừng các đòn trả đũa thuế quan.

Ngay cả khi bày tỏ mong muốn một thỏa thuận thương mại, ông Trump vẫn đe dọa sẽ áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc còn tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan phát ngôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc lại khẳng định nước này sẽ không nhượng bộ chừng nào Mỹ không bày tỏ sự tôn trọng. Nguồn tin từ tạp chí phố Wall cho hay ông Tập Cận Bình mang đến G20 một bản danh sách yêu sách gửi đến Donald Trump bao gồm cả việc dỡ bỏ lệnh cấm với Huawei và đình chỉ trừng phạt thuế quan nếu muốn Trung Quốc quay lại bàn đàm phán.

Cả thế giới đổ dồn sự chú ý vào cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình hôm 29.6 

Theo một số nguồn tin, cuộc gặp gỡ bên lề G20 của ông Trump và ông Tập Cận Bình được ấn định vào sáng 29.6, kéo dài trong khoảng 90 phút. Hai nhà lãnh đạo sẽ bàn bạc xem liệu có thể đi đến những tiến triển tích cực hạ nhiệt xung đột thương mại hay không. Tuy nhiên, không dễ gì để hai bên đạt được thỏa thuận khi mà cả Washington và Bắc Kinh đều đang bày tỏ thái độ cứng rắn, quyết không nhượng bộ.

Chính quyền ông Trump cũng hy vọng sẽ giải quyết những xung đột thương mại với Ấn Độ và Nhật Bản trong cuộc gặp gỡ tại G20. Trước đó, Tổng thống Mỹ đã đình chỉ ưu đãi thuế quan với hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ khiến nước này đáp trả bằng việc áp thuế trả đũa lên nhiều mặt hàng của Mỹ. Ông Trump thậm chí còn tuyên bố sẽ xem xét áp thuế với ô tô sản xuất tại Nhật Bản. Nhưng tại hội nghị G20, ông Trump lại thuyết phục Ấn Độ rút lại trả đũa thuế quan và bày tỏ hy vọng về một “thỏa thuận thương mại rất lớn” với New Delhi. 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng phái đoàn nước này đang thảo luận cùng phái đoàn Mỹ để đưa ra những giải pháp thương mại có lợi cho cả đôi bên.

Ông Trump đồng thời đưa Huawei vào nội dung thảo luận, khi bày tỏ quan ngại sâu sắc về nguy cơ bảo mật của thiết bị viễn thông mà hãng này sản xuất. Trước đó, Mỹ từng kêu gọi đồng minh loại Huawei ra khỏi hoạt động xây dựng mạng viễn thông 5G do những nguy cơ to lớn về an ninh quốc gia liên quan đến cáo buộc gián điệp. Được biết, ở phía đối lập, Trung Quốc cũng đang hy vọng Mỹ xóa lệnh hạn chế thương mại với Huawei.

Cũng tại G20, nhiều nhà lãnh đạo trong đó có Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo xung đột thương mại đang là mối đe dọa lớn với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trước thềm cuộc gặp gỡ riêng với người đồng cấp Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình thẳng thắn cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ mà “một số nước phát triển đang thực hiện”. “Tất cả những hành động (bảo hộ) đó đang phá hủy trật tự thương mại toàn cầu. Điều này còn tác động đến lợi ích chung của G20 nói riêng và các quốc gia, vùng lãnh thổ nói chung, làm lu mờ nền hòa bình và ổn định của thế giới.”

Thùy Dung
Cùng chuyên mục