PGS.TS Phạm Thế Anh: Rủi ro sẽ gia tăng khi chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng

01/04/2021 11:07 GMT+7
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, nới lỏng tiền tệ chỉ giúp giảm gánh nặng nợ vay hiện tại cho doanh nghiệp và ngân hàng hơn là mở rộng hơn nữa khoản tín dụng đi vào sản xuất. Vì vậy, một phần dòng vốn có thể đã chuyển sang trú ẩn ở lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu và bất động sản

Chính sách tiền tệ của Việt Nam 10 năm qua vẫn là đa mục tiêu

Theo đó, bên cạnh việc kiểm soát lạm phát và ổn định giá trị đồng tiền, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đôi khi phải gánh thêm mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng thông qua các kênh thúc đẩy, định hướng tín dụng và hỗ trợ lãi suất.

PGS.TS Phạm Thế Anh: Rủi ro sẽ gia tăng khi chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng  - Ảnh 1.

Lãi suất cho vay chỉ giảm rất ít so với lãi suất tiết kiệm, chưa thực sự kích thích được các doanh nghiệp có nhu cầu vay nợ.

Nhìn lại điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua, PGS.TS Tô Trung Thành (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) đánh giá cao sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước khi kịp thời ban hành hàng loạt quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành.

Cùng với chính sách tiền tệ hướng tới trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất và hỗ trợ tín dụng với quy mô 250.000 tỷ đồng.

"Những chính sách này đã giúp thanh khoản trên hệ thống luôn trong tình trạng dồi dào và doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn nhờ mặt bằng lãi suất cho vay giảm từ 1 - 2%/năm. Từ đó đã góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm qua", ông Thành nói.

Dù vậy, do tác động từ dịch bệnh khá mạnh nên nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp yếu. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay đã giảm so với những năm trước.

Tuy nhiên, nếu so với "sức khoẻ" của doanh nghiệp, việc giảm lãi suất này vẫn chưa mang lại hiệu quả trong việc kích thích vay vốn cho sản xuất- kinh doanh do hầu hết các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cả đầu ra, lẫn đầu vào.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Thế Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cho hay, lãi suất cho vay chỉ giảm rất ít so với lãi suất tiết kiệm, chưa thực sự kích thích được các doanh nghiệp có nhu cầu vay nợ.

Ngoài ra, có không ít doanh nghiệp phàn nàn, đánh giá thấp về mức độ thuận lợi khi tiếp cận thông tin về chính sách tín dụng.

Theo kết quả điều tra của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, trong số các lý do doanh nghiệp không tiếp nhận được các hỗ trợ, có tới 54,67% doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện; 29,95% doanh nghiệp không biết đến các chính sách hỗ trợ; 14,88% đánh giá quy trình, thủ tục còn phức tạp.

Để tiếp tục hỗ trợ cho nền kinh tế, doanh nghiệp trong năm nay NHNN tiếp tục duy trì mức lãi suất tiết kiệm và cho vay thấp. Tuy nhiên, rủi ro sẽ gia tăng khi chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng mạnh.

"Chính sách này chỉ giúp giảm gánh nặng nợ vay hiện tại hơn là mở rộng hơn nữa khoản tín dụng đi vào sản xuất. Vì vậy, một phần dòng vốn có thể đã chuyển sang trú ẩn ở lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu và bất động sản", ông Thế Anh nhận xét.

PGS.TS Phạm Thế Anh: Rủi ro sẽ gia tăng khi chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng  - Ảnh 3.

PGS.TS Phạm Thế Anh cảnh báo rủi ro sẽ gia tăng khi chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng mạnh.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, để phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam năm 2021, chính sách tiền tệ cần khắc phục những bất cập như: đơn giản hoá điều kiện và thủ tục vay vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, NHNN cũng cần giám sát chặt chẽ dòng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, phi sản xuất để đảm bảo cơ cấu tín dụng lành mạnh và an toàn hệ thống trong tương lai.

Khuyến nghị về chính sách ở cấp độ định hướng vĩ mô, PGS.TS. Tô Trung Thành cho rằng chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt là khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại.

"Từ đầu năm đến nay, mặc dù giá cả tiêu dùng khá ổn định nhưng "bong bóng" giá tài sản là một rủi ro đáng quan ngại khi chính sách tiền tệ được nới lỏng. Giá chứng khoán và bất động sản đều đang tăng bất thường", ông Thành cho biết.


H.Anh
Cùng chuyên mục