Phải được người dân đồng thuận mới có thể đưa dự án 10.000 tỷ đồng về đích (Bài cuối)
Nỗi e ngại của nhiều cấp, ngành.
Sáng 20/8, trao đổi với PV Etime, đại diện Sở TNMT cho biết, đã nhận văn bản ý kiến đóng góp kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị giao khu vực biển của Công ty Cổ phần Bột – Giấy VNT 19 (chủ đầu tư), để xây dựng tuyến ống xả thải sau khi xử lý của dự án NM Bột – Giấy VNT 19, từ cấp ngành chuyên môn và liên quan trong tỉnh và T.Ư.
Trong góp ý gửi cho Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi, cùng những nội dung khác, nhiều cấp ngành bày tỏ lo ngại về sự chưa đồng thuận của người dân, đặc biệt là khu vực xả thải tại vịnh biển Việt Thanh.
Cụ thể theo chính quyền Bình Sơn, vào ngày 24/6/2022, đã phối hợp với UBMTTQVN huyện và các đơn vị liên quan, tổ chức tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan đến khu vực hoạt động xả nước thải của NM Bột - Giấy VNT19.
Đại đa số trong khoảng 250 người dân dự buổi tham vấn, đã bày tỏ lo lắng và không ủng hộ hướng tuyến xả thải ra biển vịnh biển Việt Thanh; đồng thời đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi về gặp gỡ, đối thoại với người dân nơi đây. Ngay sau khi kết thúc buổi tham vấn, UBND huyện Bình Sơn, đã có báo cáo tình hình, kết quả cho UBND tỉnh; Thường trực Huyện uỷ và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Gần đây, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, chính quyền xã Bình Trị tiếp tục lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại thôn Lệ Thủy. Thế nhưng cũng như buổi tham vấn mà huyện Bình Sơn tổ chức trước đó, người dân vẫn chưa có sự đồng thuận cho xả nước thải NM Bột – Giấy VNT19 ra khu vực biển Việt Thanh.
Hiện UBND huyện đang phối hợp với các sở ngành liên quan, chuẩn bị các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh, để phục vụ lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ, đối thoại người dân về hoạt động xả nước thải vào nguồn nước của NM Bột - Giấy VNT19.
Tương tự Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đề nghị, để có cơ sở UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét giao khu vực biển cho chủ đầu tư, các ban ngành, đoàn thể địa phương tiếp tục tiếp xúc, lấy ý kiến của người dân để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi góp ý, qua kiểm tra và đối chiếu, khu vực biển nêu trên (xây dựng đường ống xả thải NM Bột – Giấy VNT19), không ảnh hưởng đến lĩnh vực quốc phòng.
Tuy nhiên thực tế tại khu vực biển này, người dân không đồng tình ủng hộ. Do đó đề nghị Sở TNMT, chỉ đạo chủ đầu tư làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân khu vực nêu trên, để có ý kiến đồng thuận trước khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt xây dựng.
Chủ đầu tư phải hoàn thiện các ý kiến đóng góp.
Trong những nội dung yêu cầu mà Sở TNMT đã gửi, đáng chú ý đó là chủ đầu tư phải kiểm tra, rà soát tọa độ, diện tích khu vực biển đề nghị giao, cho phù hợp với thực tế và các quy định liên quan, mà cấp ngành đã ban hành.
Chủ đầu tư phối hợp với BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, xác định lại công suất xả thải theo Quyết định số 2270/QĐ-BTNMT, ngày 07/9/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối với việc cung cấp mô hình lan truyền các thông số ô nhiễm của nước thải, tại khu vực xả thải của Công ty và khu vực khai thác nước biển của NMLD Dung Quất (để đánh giá các khía cạnh tác động đến NMLD Dung Quất, theo ý kiến của Công ty LHD Bình Sơn), đề nghị chủ đầu tư chủ động làm việc với Công ty LHD Bình Sơn, để thực hiện các nội dung theo yêu cầu và phải được thống nhất bằng văn bản, để Sở TNMT có cơ sở tổng hợp.
Có văn bản lấy ý kiến UBND xã Bình Trị, về sự phù hợp của khu vực biển đề nghị giao, với quy hoạch theo quy định.
Chủ đầu tư chủ động phối hợp và làm việc với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp, để tạo đồng thuận của người dân trong khu vực; không để người dân khiếu kiện, tập trung cản trở thi công, gây phức tạp tình hình ANTT tại địa phương.
Chủ đầu tư phải thực hiện việc cắm mốc, xác định tọa độ, diện tích khu vực biển đề nghị giao ngoài thực địa, đảm bảo theo đúng quy định trong các văn bản cho phép và chịu trách nhiệm trước các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nội dung này.
Chủ đầu tư phải nêu rõ các giải pháp bảo vệ môi trường khi khai thác, sử dụng tài nguyên biển tại khu vực biển dự kiến giao….