Quảng Nam: Đại Lộc đa dạng sản phẩm OCOP từ lợi thế nông nghiệp

10/11/2024 06:53 GMT+7
Nhằm phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng phát triển nội lực, tạo ra sản phẩm hàng hóa có thương hiệu, gia tăng giá trị, thời gian qua, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Từ đó, tạo ra thu nhập, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.

Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: "Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị, góp phần thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Quảng Nam: Đại Lộc đa dạng sản phẩm OCOP từ lợi thế nông nghiệp- Ảnh 1.

Hiện nay, huyện Đại Lộc có 27 sản phẩm được gắn sao OCOP cấp tỉnh Quảng Nam, với 24 sản phẩm đạt 3 sao và 3 sản phẩm đạt 4 sao. Ảnh: T.H.

Trong 6 năm qua, Đại Lộc luôn chủ động bám sát mục tiêu của Chương trình OCOP với thực tế tại địa phương, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm trong triển khai Chương trình; phối hợp tốt giữa các ngành có liên quan và 18 xã, thị trấn trong tổ chức thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao. Từ đó, huyện có nhiều sản phẩm OCOP được chứng nhận đã phát huy tính thương mại và khả năng cạnh tranh, từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường".

Quảng Nam: Đại Lộc đa dạng sản phẩm OCOP từ lợi thế nông nghiệp- Ảnh 2.

Sản phẩm bánh tráng Đại Lộc của Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Ảnh: T.H.

Đến nay, huyện Đại Lộc đã có 27 sản phẩm được gắn sao OCOP cấp tỉnh Quảng Nam, với 24 sản phẩm đạt 3 sao và 3 sản phẩm đạt 4 sao. Tiêu biểu như: sản phẩm OCOP 4 sao Bánh tráng Đại Lộc của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ái Nghĩa, Bộ trang sức Hồn quê của HTX Mỹ nghệ Song Tín, Nước cốt chanh Hồng Vân, Nấm sò Đại Hiệp, Hương trầm không tăm cao cấp Kỳ Nam, Chè Bancha An Bằng, Ổi an toàn Hồ Lộc, Bột ngũ cốc Hồng An, Dầu phộng Đại Hồng, Khổ qua rừng sấy khô Đại Lộc Phát....

Quảng Nam: Đại Lộc đa dạng sản phẩm OCOP từ lợi thế nông nghiệp- Ảnh 3.

Chương trình OCOP góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn. Ảnh: T.H.

Quảng Nam: Đại Lộc đa dạng sản phẩm OCOP từ lợi thế nông nghiệp- Ảnh 4.

Trong thời gian tới, Đại Lộc sẽ tiếp tục xây dựng các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng thành sản phẩm OCOP như: Siro dứa Khe Hoa, Dầu mè Xuân Hương, Bánh tráng sấy Calorifer, Nhang thời gian, Trầm nụ thoát khói Thành Công, Trà linh chi túi lọc, Trống Lâm Yên, Tinh nghệ sẻ vàng....

"Để đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP cần phải có những chủ thể tâm huyết với nghề, có chí hướng mở rộng sản xuất kinh doanh. Những chủ thể có trình độ về học vấn, năng lực kinh doanh, nhất là những người trẻ tuổi sẽ dễ dàng tham gia thực hiện Chương trình OCOP thành công hơn so với những chủ thể mang tính chất sản xuất gia đình hoặc mang tính tập thể", ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc chia sẻ.

Trần Hậu
Cùng chuyên mục