Quảng Nam đề xuất với Thủ tướng cho thuê 2.000 ha môi trường rừng để trồng cây dược liệu

21/03/2022 14:33 GMT+7
Ngày 21/3, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đăng ký tham gia thực hiện Đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu với diện tích 2.000ha.

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam là địa phương có phần lớn diện tích là đất lâm nghiệp, chiếm trên 70% diện tích tự nhiên của tỉnh, đa dạng về địa hình,… nên thành phần, chủng loại cây dược liệu tại khu vực này khá phong phú. Theo đánh giá của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), tại Quảng Nam có trên 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc, trong đó có 36 loài cây thuốc hiện nằm trong "Sách đỏ Việt Nam".

Quảng Nam đề xuất với Thủ tướng trồng 2.000ha cây dược liệu quý hiếm - Ảnh 1.

Sâm Ngọc Linh giống ở Quảng Nam (Ảnh: NTM)

Những loại dược liệu quý được phát hiện như Sâm Ngọc Linh, Ngũ vị tử, Ba kích, Đảng sâm, Giảo cổ lam, Sa nhân, Hoàng đắng, Cẩu tích, Lan kim tuyến, Đại hồi, Màng tang... Mới đây còn phát hiện thêm 4 loài cây thuốc chưa có tên trong Danh mục cây thuốc Việt Nam, đó là Dù dẻ đỏ, Khế đất, Gờ rồng và Ba chạc lá đỏ.

Với tổng diện tích cây dược liệu được thống kê là khoảng 2.471ha, trong đó chủ yếu là ở các huyện miền núi của tỉnh. Quảng Nam đã xác định đẩy mạnh việc trồng cây sâm Ngọc Linh nói riêng và các cây dược liệu nói chung tại các huyện trung du, miền núi... là hướng ưu tiên để phát triển kinh tế trong những năm đến.

Quảng Nam đề xuất với Thủ tướng trồng 2.000ha cây dược liệu quý hiếm - Ảnh 2.

Khảo sát, nghiên cứu về cây dược liệu Sâm Ngọc Linh (Ảnh: NTM)

Do vậy, trong thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển cây dược liệu; diện tích quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam với cho 11 loài cây dược liệu (bao gồm Sâm Ngọc linh và Quế) với tổng diện tích là 89.195ha. Và đến nay, có 2 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận trao quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ, đó là Công ty Cổ phần Thương mại Dược Sâm Ngọc Linh với 26.722 cây và Công ty TNHH Sâm Sâm với 2.900 cây.

Quảng Nam đề xuất với Thủ tướng trồng 2.000ha cây dược liệu quý hiếm - Ảnh 3.

UBND tỉnh Quảng Nam đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đăng ký tham gia thực hiện Đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu với diện tích 2.000ha - Trong ảnh: PGS.TS Vũ Thị Phương Anh trong một lần kiểm tra cây dược liệu Sâm Ba Kích tại huyện Tây Giang (Ảnh: Trương Hồng)

"Với tiềm năng, lợi thế về phát triển cây dược liệu nêu trên, bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam đăng ký xây dựng mô hình thí điểm cho thuê môi trường rừng để phát triển nuôi trồng Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv) và các loài dược liệu quý, hiếm nằm trong quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu của tỉnh với diện tích đăng ký cho thuê môi trường rừng là 2.000ha về các loại sâm ngọc linh, đảng sâm, ba kích tím, sa nhân tím, thất diệp nhất chi hoa, hà thủ ô đỏ…

Xuất phát từ thực tế trên, UBND tỉnh kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung tỉnh Quảng Nam vào danh sách thực hiện Đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu", UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Quảng Nam đề xuất với Thủ tướng trồng 2.000ha cây dược liệu quý hiếm - Ảnh 4.

PGS.TS. Vũ Thị Phương Anh (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam) chủ nhiệm đề tài "Hoàn thiện quy trình sản xuất giống cây ba kích tím Tây Giang bằng phương pháp nuôi cấy mô và trồng thử nghiệm tại một số vùng ở tỉnh Quảng Nam" trong một lần hướng dẫn người dân miền núi trồng sâm Ba Kích (Ảnh: Trương Hồng)

Liên quan đến cây dược liệu, mới đây Hội đồng khoa học Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam đã nghiệm thu đề tài "Hoàn thiện quy trình sản xuất giống cây ba kích tím Tây Giang bằng phương pháp nuôi cấy mô và trồng thử nghiệm tại một số vùng ở tỉnh Quảng Nam". Đề tài do PGS.TS Vũ Thị Phương Anh (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam) làm chủ nhiệm.

Đề tài cũng xây dựng các mô hình trồng thử nghiệm cây ba kích tím nuôi cấy mô tại 3 vùng của tỉnh Quảng Nam, đó là huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang và Phú Ninh. Đến nay, nhóm nghiên cứu xây dựng mô hình trồng thử nghiệm tại Tây Giang khoảng 1/2ha, thuần 2.000 cây; tại Đông Giang trồng 2.000 cây với diện tích 1/2ha; tại Phú Ninh 1/4ha, trồng thuần 1.000 cây rải rác ở các hộ dân. 

Đề tài cũng trồng thêm cây ba kích giâm hom để đối chứng so sánh kết quả thử nghiệm với cây nuôi cấy mô trong thực tiễn.


Trương Hồng
Cùng chuyên mục