Quảng Nam: Qua 6 năm triển khai OCOP, huyện Hiệp Đức có bao nhiêu sản phẩm được gắn sao?

15/04/2024 12:12 GMT+7
Qua 6 năm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam) có 15 sản phẩm được chứng nhận đạt hạng 3 sao. Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương, mà còn giúp người dân miền núi thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Ông Nguyễn Tấn Nghiệp – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hiệp Đức cho biết: "Thời gian qua, các cấp Đảng ủy, chính quyền huyện Hiệp Đức xem chương trình OCOP là một bước "đột phá" mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế theo hướng gia tăng giá trị nông sản.

Quảng Nam: Qua 6 năm triển khai OCOP, huyện Hiệp Đức có bao nhiêu sản phẩm được gắn sao?- Ảnh 1.

Đến nay, huyện Hiệp Đức có 15 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 3 sao OCOP. Ảnh: PV.Quảng Nam.

Chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng cao. Đồng thời, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế của địa phương, thúc đẩy sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, tập trung, góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện".

Được sự ủng hộ từ các cơ quan, chính quyền địa phương, các hộ dân đã mạnh dạn đăng ký tham gia OCOP và không ngừng hoàn thiện, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Nhờ đó, đến nay, huyện Hiệp Đức có 15 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 3 sao OCOP, nổi bật như: nấm bào ngư sấy, trà linh chi túi lọc, tinh bột nghệ núi Hiệp Đức, kẹo đậu phộng dẻo Hiệp Đức, tinh bột nghệ trắng, thịt gà đồi Nguyên Hưng....

Quảng Nam: Qua 6 năm triển khai OCOP, huyện Hiệp Đức có bao nhiêu sản phẩm được gắn sao?- Ảnh 2.

Sản phẩm tinh bột nghệ núi Hiệp Đức được UBND tỉnh xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2019. Ảnh: Nhiên Media.

Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm Nhì Tây (xã Bình Lâm) có 2 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh là nấm bào ngư sấy và trà linh chi túi lọc.

Chương trình OCOP đã giúp các sản phẩm của HTX nâng cao chất lượng, sản lượng, hoàn thiện bao bì, nhãn hàng, sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ đó, các sản phẩm OCOP có giá trị cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng hơn và giá bán cũng ổn định hơn, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Quảng Nam: Qua 6 năm triển khai OCOP, huyện Hiệp Đức có bao nhiêu sản phẩm được gắn sao?- Ảnh 3.

Chương trình OCOP giúp sản phẩm nông sản huyện Hiệp Đức nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Nhiên Media.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, các cấp, các ngành huyện Hiệp Đức còn thường xuyên quan tâm hỗ trợ, định hướng việc phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở lợi thế, đặc trưng của từng địa phương. Đặc biệt, các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh có ý nghĩa không nhỏ trong việc giải quyết đầu ra, mở rộng tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Quảng Nam: Qua 6 năm triển khai OCOP, huyện Hiệp Đức có bao nhiêu sản phẩm được gắn sao?- Ảnh 4.

Chương trình OCOP giúp kinh tế nông thôn huyện Hiệp Đức bứt phá. Ảnh: Phương Đan.

"Phát huy những kết quả đạt được, huyện Hiệp Đức sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng sản phẩm OCOP từ sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, góp phần nâng tầm giá trị nông sản chủ lực. Đặc biệt, hỗ trợ các chủ thể đăng ký nhãn hiệu, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận sản phẩm OCOP; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử...", ông Nguyễn Tấn Nghiệp – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hiệp Đức cho hay.

Trần Hậu
Cùng chuyên mục