Quảng Nam: Xây dựng OCOP ở Phước Sơn - biến lợi thế núi rừng thành sản phầm hàng hóa

14/10/2024 08:39 GMT+7
Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã có 15 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh.

Đó là những sản phẩm đặc trưng, sản vật nổi tiếng đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế, nâng cao đời sống người dân, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi nơi đây.

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết: Chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 5 năm (2019-2023) triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã đạt được kết quả quan trọng, toàn huyện có 15 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh.

Để đạt được kết quả trên, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình như: thành lập Ban điều hành và Tổ giúp việc Chương trình OCOP; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; giao Phòng NN&PTNT là cơ quan thường trực Chương trình OCOP huyện; triển khai tập huấn, hướng dẫn các địa phương, các chủ thể những nội dung liên quan đến OCOP.

Quảng Nam: Xây dựng OCOP ở Phước Sơn - biến lợi thế núi rừng thành sản phầm hàng hóa- Ảnh 1.

Sau hơn 5 năm (2019-2023) triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã đạt được kết quả quan trọng, toàn huyện có 15 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: T.H.

Huyện chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nguyên tắc thực hiện và chu trình OCOP trong các cấp, ngành, địa phương và các chủ thể sản xuất; hướng dẫn các địa phương triển khai kế hoạch, chu trình OCOP thường niên. Qua công tác tuyên truyền, tập huấn, các chủ thể trên địa bàn đã biết và đăng ký các sản phẩm để đưa vào kế hoạch thực hiện hằng năm.

Cùng với đó, huyện Phước Sơn quan tâm, hỗ trợ các chủ thể mua sắm máy móc thiết bị, sửa chữa, nâng cấp cơ sở... để phục vụ sản xuất sản phẩm tham gia chương trình; hướng dẫn, giải quyết hồ sơ thủ tục, hỗ trợ chủ thể xây dựng hồ sơ sản phẩm OCOP tham gia dự thi đạt kết quả.

Với các sản phẩm tiêu biểu như: Rau lủi và Sâm dây Phước Sơn, Mật ong Phước Lộc, Chanh không hạt Phước Mỹ, Heo đen sấy khô, Rượu cần Bhnoong, Sâm cau Phước Sơn sấy khô, Gạo Bhaton Phước Sơn, Chổi đót Phước Công, Bộ đế lót ly tách mỹ nghệ Quế, Sâm dây ngâm mật ong....

Quảng Nam: Xây dựng OCOP ở Phước Sơn - biến lợi thế núi rừng thành sản phầm hàng hóa- Ảnh 2.

Chanh không hạt Phước Mỹ của huyện Phước Sơn được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2019. Ảnh: CTV.

Các sản phẩm đạt chất lượng, sản phẩm OCOP được công nhận sẽ được huyện quan tâm tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia triển lãm, Hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam; Hội chợ Xuân Quảng Nam hằng năm... để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thúc đẩy phát triển, đầu tư mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng.

Ông Trung chia sẻ: "Mặc dù là huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao của Huyện ủy, UBND huyện và các chủ thể OCOP đang tạo ra những bước ngoặt cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước làm thay đổi tư duy, biến những tiềm năng, lợi thế từ núi rừng thành sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường.

Qua đó giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho chủ thể và người lao động, góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện".

Trần Hậu
Cùng chuyên mục