Quảng Ngãi: Chủ tịch huyện Sơn Tây nói gì về việc “trắng” sản phẩm OCOP?
Do nguyên nhân khách quan
Trao đổi với PV Etime, vị đứng đầu chính quyền huyện Sơn Tây cho biết, trong thời gian qua, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), chính quyền địa phương cũng đã tập trung chỉ đạo, triển khai để thực hiện chủ trương này.
Tuy nhiên Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân thẳng thắn, với điều kiện và thực tế tình hình sản xuất nông nghiệp của địa phương nhỏ lẻ, không có các làng nghề truyền thống… nên việc triển khai Chương trình (mỗi xã một sản phẩm) ở huyện Sơn Tây, có chậm hơn so với nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Trước thực tế này, để khắc phục những tồn tại (chưa có sản phẩm đạt OCOP), chính quyền huyện Sơn Tây tiếp tục chỉ đạo tăng cường, huy động nhiều nguồn lực tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Chú trọng tuyên truyền, vận động bà con nông dân huyện nhà thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ "tự cung, tự cấp", sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng sản xuất tập trung.
Phát triển sản xuất mô hình hợp tác xã để hỗ trợ, định hướng sản xuất cho bà con nông dân, thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản…
Đến cuối năm 2023 sẽ trình làng sản phẩm OCOP đầu tiên
Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân nhìn nhận, hiện trên địa bàn huyện cũng đã và đang hình thành một số vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, bắt đầu có sản phẩm đưa ra thị trường.
Đã có HTX đã tổ chức chế biến một số loại nông sản, nhằm gia tăng giá trị và đa dạng các sản phẩm của địa phương … đưa ra và được người tiêu dùng trong tin chấp nhận, đánh giá cao.
Từ những kết quả này, các đơn vị chức năng của huyện đang hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa sản phẩm, đáp ứng tiêu chí OCOP và hoàn thiện hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP.
Dự kiến đến cuối năm 2023, vị đứng đầu chính quyền huyện Sơn Tây cho biết, địa phương sẽ có những sản phẩm OCOP đầu tiên để giới thiệu đến người tiêu dùng của tỉnh.
Để bù lại sự chậm so với các địa phương khác, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân bày tỏ, những sản phẩm OCOP sắp trình làng của địa phương, sẽ được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn để sử dụng.
Được biết toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 149 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao, trong đó có 9 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 140 sản phẩm đạt OCOP 3 sao; có 12/13 địa phương có sản phẩm đạt OCOP; có 12 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (trong đó nhà nước hỗ trợ 7 điểm; xã hội hóa 100% có 5 điểm).
Tuy nhiên riêng huyện Sơn Tây, chưa có sản phẩm nào được công nhận sản phẩm OCOP. Đến thời điểm này, đây cũng là địa phương duy nhất trong số 13 huyện, thị và thành phố của tỉnh Quảng Ngãi, chưa có sản phẩm đạt OCOP, sau một thời gian triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.