Quảng Ninh: Tăng cường kiểm soát, quản lý nguồn cung ứng giống nhuyễn thể

21/12/2020 12:21 GMT+7
Những năm gần đây, nuôi trồng nhuyễn thể trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ, mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, cùng với những hiệu quả đã được khẳng định vẫn còn một số khó khăn, bất cập, nếu không được điều chỉnh kịp thời thì có thể ảnh hưởng tới định hướng phát triển lâu dài của nghề.

Theo thống kê năm 2019, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Quảng Ninh khoảng 21.251ha. Trong đó, diện tích nuôi thủy sản mặn, lợ là 18.146ha (nuôi nhuyễn thể 3.796ha). Đối tượng nhuyễn thể nuôi chủ yếu là hàu Thái Bình Dương, hàu cửa sông, ngao hoa, tu hài… tập trung ở một số địa phương như: Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Cẩm Phả, Quảng Yên, Móng Cái...

Tuy có sản lượng lớn, nhưng thực tế chất lượng con giống nhuyễn thể vẫn chưa đảm bảo do nguồn giống chưa rõ ràng. Điển hình như với giống hàu Thái Bình Dương, có đến 85% nguồn giống nhập từ các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và hầu như chưa được kiểm soát chất lượng, chỉ có khoảng 15% con giống được sản xuất tại Quảng Ninh.

Quảng Ninh: Tăng cường kiểm soát, quản lý nguồn cung ứng giống nhuyễn thể  - Ảnh 1.

Đối tượng nhuyễn thể nuôi chủ yếu là hàu Thái Bình Dương, hàu cửa sông, ngao hoa, tu hài...

Sở dĩ con giống ở Quảng Ninh chưa đáp ứng được số lượng theo nhu cầu một phần là do môi trường, độ mặn của vùng biển Quảng Ninh không thuận lợi với sản xuất giống hàu, nên chưa chủ động được con giống mà vẫn lấy ở tỉnh ngoài.

Bên cạnh đó, công tác chọn giống hải sản chưa được thực hiện thường xuyên. Nguồn bố mẹ để sản xuất giống được tuyển chọn ở các bè nuôi thương phẩm có nguy cơ đời con bị cận huyết, chậm lớn, khả năng chống chịu với biến động môi trường kém, dễ bị bệnh và chết. Mặt khác, số lượng nuôi hàu cũng tăng cả về quy mô và mật độ, vì vậy có hiện tượng thoái hóa giống.

Năm 2020, ngành nông nghiệp địa phương đặt ra kế hoạch với tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 68.000 tấn. Riêng thủy sản nuôi mặn, lợ đạt 52.654 tấn (riêng nhuyễn thể 31.505 tấn), thủy sản, hải sản khác 4.622 tấn và nuôi thủy sản nước ngọt đạt 10.724 tấn.

Để đạt kế hoạch đề ra, tổng nhu cầu số lượng giống thủy sản thả nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vào khoảng 4,7 tỷ con giống. Trong đó, nhu cầu con giống thủy sản nuôi mặn, lợ khoảng 4,6 tỷ, riêng nhu cầu con giống nhuyễn thể các loại vào khoảng 2 tỷ con.

Quảng Ninh: Tăng cường kiểm soát, quản lý nguồn cung ứng giống nhuyễn thể  - Ảnh 2.

Các cơ sở sản xuất giống thủy sản tại Quảng Ninh mới chỉ sản xuất, cung ứng giống thủy sản đạt khoảng 1,5 tỷ con giống, đáp ứng được khoảng 30,7% nhu cầu cho người nuôi trồng thủy sản

Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất giống thủy sản tại Quảng Ninh mới chỉ sản xuất, cung ứng giống thủy sản đạt khoảng 1,5 tỷ con giống, đáp ứng được khoảng 30,7% nhu cầu cho người nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, giống thủy sản mặn, lợ là 1,4 tỷ con; giống thủy sản nước ngọt là 100 triệu con. Quảng Ninh chưa tự sản xuất được giống nhuyễn thể do yếu tố thổ nhưỡng, môi trường nước biển, khí hậu, thời tiết...

Trong khi đó, tỉnh Ninh Bình với đặc điểm là vùng biển bồi, độ mặn thấp, thuận lợi để sản xuất giống nhuyễn thể, đặc biệt là sản xuất hàu giống. Tính đến hết tháng 8/2020, Ninh Bình đã sản xuất được trên 7 tỷ con giống và dự tính đến hết năm 2020, sản xuất được trên 10 tỷ con giống hàu cửa sông, hàu Thái Bình Dương.

Chất lượng hàu giống được sản xuất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được các hộ nuôi đánh giá cao, tỷ lệ hao hụt thấp, nuôi được thời gian dài. Một số trại sản xuất giống trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã liên kết với các cơ sở nuôi tại Quảng Ninh, sản xuất con giống theo đơn đặt hàng, có cam kết về chất lượng...

Để khắc phục tình trạng này, đầu tháng 10/2020 Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình và Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Lễ ký kết chương trình phối hợp cung ứng, quản lý chất lượng giống nhuyễn thể trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Ninh Bình.

Trong đó, phân rõ trách nhiệm của từng bên, trao đổi thông tin về nguồn gốc và chất lượng con giống, tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm khi phát hiện cung cấp giống hàu không đảm bảo chất lượng theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, dự kiến năm 2021, Viện Nghiên cứu thủy sản 1 (Bộ NN&PTNT) sẽ chuyển giao một số nguồn giống bố mẹ nhập khẩu để cung cấp cho trại giống Quảng Ninh sản xuất ra giống nuôi thương phẩm.

Quảng Ninh: Tăng cường kiểm soát, quản lý nguồn cung ứng giống nhuyễn thể  - Ảnh 3.

Vỏ hàu sau khi lấy ruột được tận dụng bằng cách xâu vào dây cước, bán cho các trại giống sản xuất ở Ninh Bình.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, để nâng cao chất lượng nguồn giống thủy sản, trong thời gian tới, Sở sẽ tăng cường tuyên truyền, cung cấp, hướng dẫn người dân địa chỉ cụ thể của tổ chức, cá nhân trong nước. Qua đó, người dân có thể lựa chọn con giống rõ nguồn gốc, đảm bảo kích cỡ, chất lượng, được kiểm dịch theo quy định. Hướng dẫn người dân thả nuôi theo quy trình mà Sở ban hành; tập huấn kỹ thuật, kỹ năng tiếp nhận và xử lý thông tin, khuyến cáo quan trắc cảnh báo môi trường và phòng trừ dịch bệnh.

Sở cũng yêu cầu UBND các địa phương thực hiện rà soát, kiểm tra, quản lý quy hoạch vùng nuôi, kiên quyết xử lý các trường hợp nuôi hàu không theo quy hoạch. Đồng thời, phối hợp với BQL Khu Kinh tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ thu hút lựa chọn nhà đầu tư sản xuất giống nhuyễn thể để đáp ứng nhu cầu nuôi của người dân trong tỉnh. Ngoài ra, Sở sẽ làm việc, ký kết hợp tác với các đơn vị cung cấp giống thủy sản, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất giữa các địa phương và đơn vị, kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc để đảm bảo chất lượng nguồn giống. 


PV
Cùng chuyên mục