Quỹ đầu tư mạo hiểm ngoại “đánh cược” vào start-up Việt

10/01/2023 07:16 GMT+7
Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế vẫn bày tỏ sự lạc quan vào hệ sinh thái start-up tại Việt Nam giữa bối cảnh toàn cầu nhiều khó khăn và biến động. Ông Vinnie Lauria, Nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Golden Gate Ventures, chia sẻ về xu hướng lựa chọn danh mục đầu tư của các quỹ mạo hiểm.


Quỹ đầu tư mạo hiểm ngoại “đánh cược” vào start-up Việt - Ảnh 1.

Ông Vinnie Lauria, Nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Golden Gate Ventures

Ông đánh giá thế nào về bối cảnh khởi nghiệp tại Việt Nam trong năm 2022 vừa qua?

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang chứng kiến một bước ngoặt và năm 2022 là một năm rất quan trọng trong quá trình phát triển của các start-up Việt. Giai đoạn này, có thể nói, là tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau, giống như một chuyến tàu giúp định hình tầm vóc của các start-up “từ tốt tới vĩ đại”.

Môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu nhiều biến động, vị thế của Việt Nam trong khu vực dần tăng lên và tác động của đại dịch Covid-19 đã tạo ra môi trường hoàn hảo để Việt Nam tận dụng và khai thác tiềm năng của nguồn lao động trẻ dồi dào, có trình độ học vấn và tay nghề cao, cùng với nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.

Theo tôi, đây là thời điểm để Việt Nam tỏa sáng ở châu Á và trên trường quốc tế.

Thưa ông, các doanh nghiệp nói chung và start-up Việt Nam nói riêng đang gặp những thách thức gì trong bối cảnh lạm phát gia tăng trên toàn cầu?

Lạm phát với con số cao kỷ lục là một thách thức mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt, đây là câu chuyện không của riêng Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam đã rất khéo léo trong việc kiểm soát tỷ lệ lạm phát năm 2022, trong khi vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định.

Ngay cả khi lạm phát gia tăng, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng với tốc độ cao. Theo số liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 được dự đoán ở mức 6,7%, trong khi ước tính tăng trưởng GDP chung của châu Á là 4,6%.

Bất chấp bối cảnh bất ổn kinh tế trên toàn cầu và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư nước ngoài trước tình hình kinh tế vĩ mô, tôi tin rằng, hệ sinh thái start-up tại Việt Nam vẫn sẽ phát triển mạnh mẽ, cùng với việc đất nước thu hút được lượng lớn FDI.

Sự cởi mở của Việt Nam trong thương mại quốc tế, cùng với việc hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng lớn mạnh hơn, là những yếu tố quan trọng giúp Chính phủ cân bằng và kiểm soát áp lực lạm phát.

Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit) 2022 hồi giữa tháng 12/2022, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Golden Gate Ventures tổ chức, là một ví dụ về tầm nhìn xa và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thúc đẩy hệ sinh thái start-up tiềm năng.

Theo ông, đâu sẽ là các xu hướng quan trọng cho start-up trong thời gian tới?

Lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), công nghệ y tế (healthtech), công nghệ giáo dục (edutech), công nghệ nông nghiệp (agritech) và thương mại điện tử là những động lực tăng trưởng không ngừng cho các start-up. Việc số hóa các trụ cột kinh tế truyền thống mang đến cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam.

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) và Học máy (Machine Learning) sẽ tiếp tục là nền tảng cho tất cả những lĩnh vực này, hứa hẹn mang lại nhiều thay đổi trong những năm tới.

Còn xu hướng của các quỹ đầu tư mạo hiểm tại thị trường Việt Nam trong năm 2023 thì sao, thưa ông?

Việt Nam sẽ tiếp tục là thỏi nam châm thu hút dòng vốn toàn cầu. Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn lạc quan đầu tư vào các start-up Việt Nam.

Đối với những quỹ ít kinh nghiệm về thị trường Việt Nam, họ sẽ tập trung vào những lĩnh vực quen thuộc như thương mại điện tử và fintech. Một số quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ thắng lớn, trong khi những quỹ đầu tư mạo hiểm khác phải vật lộn với khó khăn. Kinh nghiệm thị trường và hiểu biết sâu sắc về môi trường hoạt động tại Việt Nam sẽ phân biệt người chiến thắng với kẻ thua cuộc.

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của mô hình sandbox cho các start-up Việt Nam?

Mô hình sandbox đặc biệt phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng. Cơ chế thử nghiệm (regulatory sandbox) cho phép hoạt động fintech tiếp tục phát triển cũng nhấn mạnh tính phù hợp của mô hình này.

Mô hình sandbox có thể thúc đẩy quá trình phát triển các khung pháp lý và cơ sở hạ tầng. Mô hình này tạo cơ hội cho các quy tắc khác nhau phát triển mà không nhất thiết phải bó buộc trong các khuôn khổ lỗi thời. Một điểm quan trọng là cách tiếp cận này có thể tạo ra các khuôn khổ hỗ trợ thực tế thị trường một cách chính xác, đặc biệt là trong trật tự thế giới mới hậu Covid-19.

Sandbox không phải là giải pháp chính, mà chặng đường phía trước sẽ vẫn còn nhiều thách thức hiện hữu. Tuy nhiên, cách tiếp cận tiến bộ của Việt Nam sẽ mang lại cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư niềm tin để tiếp tục đổi mới sáng tạo cũng như tung ra các sản phẩm và dịch vụ mới.

Theo Báo Đầu tư
Cùng chuyên mục