Quy định thời hạn sở hữu chung cư: Đối tượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chịu tác động
Trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu chung cư được căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Phương án 2 là không quy định về thời hạn sở hữu chung cư mà giữ nguyên như quy định hiện hành, người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài.
Góp ý vào dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, hầu hết đại diện doanh nghiệp, hiệp hội bất động sản các tỉnh, thành phía Nam kiến nghị lựa chọn phương án 2, tức là giữ nguyên quy định hiện hành.
Ông Đỗ Trọng Tuấn Anh, đại diện Lotte Land cho rằng tâm lý người Việt Nam từ xưa đến nay là "an cư lạc nghiệp", mong muốn sở hữu nhà ở ổn định như một dạng tích trữ tài sản. Do đó, ông Tuấn Anh cho rằng việc quy định sở hữu căn hộ có thời hạn chưa phù hợp với tâm lý của người mua, có thể khiến thị trường nhà chung cư suy giảm và làm gia tăng nhu cầu về nhà đất thấp tầng, kéo theo giá nhà đất leo thang.
"Thay vì áp đặt quy định sở hữu có thời hạn đối với chung cư, Chính phủ nên có những quy định chặt chẽ về kiểm định chất lượng công trình và cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, qua đó đảm bảo sự an toàn của người sử dụng, cũng như tạo tiền đề cho quy hoạch và cải tạo đô thị trong tương lai", ông Tuấn Anh chia sẻ.
Cho rằng nếu áp thời hạn sở hữu chung cư sẽ tạo rào cản cho người dân mua căn hộ ông Trần Quốc Dũng, phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh kiến nghị giữ nguyên quy định như hiện nay là quy định về thời hạn sở hữu chung cư.
"Chúng tôi đề nghị thẳng thắn nên giữ nguyên như quy định như hiện nay. Bởi các đô thị hiện nay đang phát triển theo hướng đô thị nén, để có quỹ đất xây dựng hạ tầng, xã hội phục vụ cho người dân thì việc phát triển chung cư cao tầng, thậm chí không gian ngầm là điều tất yếu", ông Dũng cho biết.
Đồng quan điểm, ông Bùi Xuân Huy, Chủ tịch HĐQT Novaland cũng đề nghị không quy định về thời hạn sở hữu chung cư.
Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, ưu điểm của nhà chung cư sở hữu có thời hạn là giá bán thấp hơn khoảng 20% so với nhà ở không xác định thời hạn, phù hợp với khả năng tài chính của một bộ phận khách hàng.
Tuy vậy, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, căn hộ sở hữu có thời hạn vẫn chưa thật sự hấp dẫn và chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của đa số người mua nhà. Bởi người dân vẫn có tâm lý xem nhà ở là tài sản có giá trị lớn, vừa kết hợp để ở và kinh doanh, để lại cho con cháu.
"Không nên vì khó khăn, vướng mắc trong công tác cải tạo nhà chung cư cũ trong nhiều năm qua mà quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Bởi nguyên nhân chủ yếu gây ra các vướng mắc này là do chưa có đầy đủ cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ để giải quyết thoả đáng việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các chủ sở hữu chung cư cũ", ông Châu chia sẻ.
Liên quan đến những ý kiến góp ý về quy định thời hạn sở hữu chung cư, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, thực tế hiện nay có rất nhiều khó khăn trong quản lý, sử dụng nhà chung cư cũ. Nhiều chung cư có thời hạn sử dụng chưa đến 50 năm, thậm chí từ 30 năm đến 40 năm, nhưng đã xuống cấp. Hầu hết các chung cư đó dạng thấp tầng, chỉ từ 8 – 10 tầng, nhưng nếu xuống cấp thì cũng rất nguy hiểm.
"Việc quy định thời hạn sở hữu chung cư sẽ tác động đến các doanh nghiệp bất động sản nhưng cần phải nhìn ở góc độ an toàn cho người dân, nhất là những chung cư cũ. Các chung cư hiện nay đều có xu hướng xây dựng cao tầng, từ 30 tầng đến 50 tầng. Chung cư cũng là một dạng công trình và theo Luật Xây dựng các công trình cũng phải có tuổi thọ, thời hạn sử dụng", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhận định.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết thêm công trình được phân loại theo cấp và có thời hạn sử dụng tương ứng, 50 năm hoặc từ 50 năm đến 100 năm. Chúng ta không quy định cụ thể thời hạn sử dụng là 50 năm mà phụ thuộc vào thiết kế công trình. Với Luật Nhà ở sửa đổi lần này, Bộ Xây dựng đang tiếp cận vấn đề thời hạn sở hữu nhà chung cư theo hướng đó.