Quý I/2023 'không đẹp như mơ' của doanh nghiệp thủy điện: Trữ tiền giảm mạnh, lợi nhuận 'xanh vỏ đỏ lòng'
Quý I/2023 'không đẹp như mơ' của doanh nghiệp thủy điện: Trữ tiền giảm nhanh
Tổng hợp số liệu của gần 15 doanh nghiệp thủy điện niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, trữ tiền tăng mạnh trong năm 2022 nhưng giảm nhanh trong quý I/2023. Cụ thể, tính chung 14 doanh nghiệp thủy điện được thống kê có số dư tiền và các khoản tương đương tiền tại ngày 31/12/2022 đạt gần 2.108 tỷ đồng, tăng 31,4% so với cuối quý I/2022.
Tuy nhiên, trữ tiền tại ngày cuối quý I/2023 dù vẫn tăng 12% s với thời điểm cuối quý I/2022, nhưng đã giảm gần 15% so với hồi đầu năm, từ hơn 2.107,8 tỷ xuống còn 1.797,4 tỷ đồng. Đặc biệt, lượng trữ tiền này chỉ bằng 30% đến gần 40% số dư vay nợ ngân hàng và tổ chức tài chính tại cùng thời điểm so sánh.
Mặc dù so với cùng kỳ, nhiều doanh nghiệp thủy điện có trữ tiền cuối quý I/2023 tăng vọt như GSM (Thuỷ điện Hương Sơn) tăng tới 222% từ 23,4 lên 75,3 tỷ đồng; HJS (Thuỷ điện Nậm Mu) tăng 10% từ 57,1 lên 62,7 tỷ đồng; HPD (Thuỷ điện Đắk Đoa) gấp 13 lần, từ 1,1 tỷ lên hơn 14,6 tỷ đồng; SJD (Thuỷ điện Cần Đơn) gấp 32,5 lần từ 4,7 tỷ lên hơn 152,8 tỷ đồng,...
Nhưng so với thời điểm cuối năm 2022, chỉ có 3/14 doanh nghiệp có trữ tiền cuối quý I/2023 tăng gồm: GHC, CPH và HPD.
Một loạt doanh nghiệp có trữ tiền quý I/2023 giảm mạnh gồm: HJS (-19%), QPH (-22%), S4A (-56%), SJD (-17%), TBC (-42%), TMP (-10%) và VSH (-55%).
Được biết, dù tiền gửi lên đến hàng chục nghìn tỷ nhưng so với số dư vay nợ ngân hàng của các doanh nghiệp, con số này chỉ bằng 30 đến 40%.
Tổng nợ vay của 15 doanh nghiệp thuỷ điện tại ngày 31/3/2022 ở mức hơn 8.673 tỷ đồng; giảm 17% khi vào cuối năm 2022 (7.285,3 tỷ đồng) và giảm 19% khi tính tới cuối quý I/2023 (7.009 tỷ đồng). Tính từ đầu năm đến nay, tổng vay nợ ngắn và dài hạn gần như đi ngang, giảm nhẹ 2%.
Một số doanh nghiệp ghi nhận tổng vay nợ ngắn và dài hạn tăng so với hồi đầu năm như: Thuỷ điện Hương Sơn (GSM) tăng 13% lên 198 tỷ đồng; Thuỷ điện Sê San 4A (S4A) tăng 8% lên hơn 287 tỷ đồng;... Ngược lại, một số doanh nghiệp ghi nhận nợ vay giảm như: Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) giảm 2% xuống 3.964 tỷ đồng; Thuỷ điện Miền Trung (CHP) giảm 5% xuống còn hơn 961 tỷ đồng; ...
Quý I/2023 'không đẹp như mơ' của doanh nghiệp thủy điện: Lợi nhuận 'xanh vỏ đỏ lòng'
Dữ liệu gần 15 doanh nghiệp thuỷ điện được khảo sát, lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng bình quân hơn 28% so với năm 2021, tổng đạt gần 2.861,5 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh của gần 14 doanh nghiệp trong quý I/2023 tiếp tục có tăng trưởng khi lợi nhuận trước thuế tăng 4%, đạt gần 1.081 tỷ đồng.
Tuy nhiên trong kỳ, có tới 10/14 doanh nghiệp báo lợi nhuận giảm với lý do chủ yếu đều vì khí hậu thuỷ văn không thuận lợi, lượng mưa thấp khiến doanh thu sản xuất điện giảm nên kéo theo lợi nhuận theo chiều hướng giảm. Nhóm doanh nghiêp thủy điện có lợi nhuận quý I/2023 giảm so với cùng kỳ gồm: GHC, DRL, GSM, HJS, HPD ISH, S4A, SJD, TBC, TMP.
Và nhờ có 4/14 doanh nghiệp thủy điện báo lãi lớn trong kỳ đã giúp số lợi nhuận chung của nhóm ngành tăng trưởng 4%. Các doanh nghiệp báo lãi lớn có nhà máy nằm ở khu vực có thuỷ văn thuận lợi hơn như: Thuỷ điện Miền Trung (CHP) tăng gần 40% lên hơn 113 tỷ đồng; Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) tăng gần 17% lên hơn 516 tỷ đồng; Sông Ba (SBA) tăng 20% lên gần 58 tỷ đồng; QPH tăng 6%.
Quý II, các hồ thuỷ điện đang đồng loạt thông báo cạn kiệt nguồn nước chắc chắn sẽ ảnh hưởng rõ nét hơn đến bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp thủy điện. Tại toạ đàm ‘Giải quyết bài toán thiếu điện cách nào?’ do Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức ngày 9/6, ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (AO) - cho biết đã đưa ra những thông tin cảnh báo về tình trạng thiếu điện rất căng thẳng cho toàn miền Bắc trong những ngày tới nếu nước hồ thuỷ điện Hòa Bình về mực nước chết.
Theo ông Trung, từ tháng 4 đến nay, tác động của El Nino đi kèm nắng nóng kéo dài và hạn hán trên toàn Việt Nam khiến cho sản lượng điện toàn hệ thống có sự thay đổi rất mạnh, tăng phụ tải lên tới hơn 453 triệu kWh, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngay tại thủy điện Lai Châu, thủy điện rất quan trọng trong hệ thống dòng chảy sông Đà của Việt Nam đã đối mặt tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Lưu lượng nước về thấp chưa từng có kéo theo thủy điện Sơn La, Hòa Bình cũng trong cảnh không còn đủ nước để chạy máy.