Quy trình khiếu nại về chậm cấp Sổ đỏ năm 2020

21/09/2020 07:09 GMT+7
Việc cấp Sổ đỏ ở nước ta hiện nay nhìn chung vẫn còn chậm chạp vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy, khi cơ quan nhà nước tiến hành việc cấp Sổ đỏ chậm thì người dân có quyền khiếu nại không? Quy trình khiếu nại thế nào?

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay Sổ đỏ) là một thủ tục phổ biến trong lĩnh vực pháp luật đất đai. 

Theo đó, ở nước ta, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan quy định thì khi người dân có yêu cầu được cấp Sổ đỏ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện công vụ này. 

Tuy nhiên, trên thực tế vì nhiều lý do, thủ tục cấp Sổ đỏ không được thực hiện và để bảo vệ quyền lợi của mình thì người có quyền sử dụng đất sẽ thực hiện các thủ tục khiếu nại về việc chậm cấp Sổ đỏ.

Quy trình khiếu nại về chậm cấp Sổ đỏ 2020 - Ảnh 1.

Người dân có thể nộp đơn khiếu nại về việc chậm cấp Sổ đỏ tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thụ lý giải quyết.

Căn cứ pháp lý

Luật Đất đai năm 2013 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Luật Khiếu nại năm 2011 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Nghị định số 43/2014/NĐ – CP Hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2013 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Thông tư 07/2013/TT – TTCP Quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính.

2 hình thức khiếu nại về chậm cấp Sổ đỏ

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì sau khi tiếp nhận hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đầy đủ thì cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành cấp chứng thư pháp lý này cho người sử dụng đất là không quá 30 ngày và với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn là không quá 45 ngày. 

Vì vậy, sau khi hết thời hạn trên, nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa thực hiện việc cấp Sổ đỏ thì bạn có thể khiếu nại.

Tuy nhiên, không phải người dân cũng có thể nắm bắt được hết các trình tự cần thiết. Theo đó, khiếu nại về chậm cấp Sổ đỏ bao gồm 2 hình thức và quy trình cụ thể những bước sau đây:

Hình thức 1: Khiếu nại bằng đơn

Theo Điều 8 Luật Khiếu nại 2011 thì người khiếu nại phải chuẩn bị đơn khiếu nại.

Đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

Gửi đến người đứng đầu cơ quan cấp Sổ đỏ.

Hình thức 2: Khiếu nại trực tiếp

Người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung như khiếu nại bằng đơn.

Hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân (nếu có căn cứ)

Với hộ gia đình, cá nhân: Nộp hồ sơ đề nghị cấp Sổ đỏ tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện thì khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có Văn phòng đăng ký đất đai (Theo Điều 31 Luật Tố tụng Hành chính 2015).

Cụ thể:

Bước 01: Thực hiện việc nộp đơn khiếu nại về việc chậm cấp Sổ đỏ tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thụ lý giải quyết

Theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn hiện hành có liên quan thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết đơn khiếu nại bao gồm:

- Trường hợp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) thuộc thẩm quyền của Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban Nhân dân cấp huyện thì khiếu nại lần đầu do Ủy ban Nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu lần thứ hai khiếu nại thì chủ thể có thẩm quyền giải quyết là Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh;

- Trường hợp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh hoặc Ủy ban Nhân dân tỉnh thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh; nếu lần khiếu nại thứ hai thì chủ thể có thẩm quyền giải quyết là Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.

Trong vòng 10 ngày kể từ khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải tiến hành việc trả lời cho người thực hiện khiếu nại biết bằng văn bản là thụ lý hay cần bổ sung tài liệu liên quan.

Bước 02: Tiến hành việc kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại về chậm cấp Sổ đỏ

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc khiếu nại về hành vi chậm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) của người khiếu nại, cơ quan có thẩm quyền khiếu nại cần thực hiện một số thủ tục theo quy định như xác minh hành vi chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do căn cứ nào? Căn cứ đó có đúng không? Nội dung khiếu nại và yêu cầu khiếu nại đã được đảm bảo hay chưa?...

Bước 03: Tiến hành đối thoại giữa người sử dụng đất và cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc chậm cấp Sổ đỏ

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đầy đủ cũng như việc kiểm tra, xác minh theo đúng trình tự và tuân thủ quy định của pháp luật thì tổ chức một buổi đối thoại giữa người khiếu nại (người sử dụng đất) với cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nội dung kết quả đối thoại là căn cứ để xác định kết quả giải quyết khiếu nại sau đó.

Bước 04: Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiến hành giải quyết khiếu nại và đưa ra kết quả giải quyết khiếu nại việc chậm cấp Sổ đỏ

Sau khi thực hiện các bước trên, cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm đưa ra văn bản trả lời nội dung khiếu nại của người sử dụng đất về hành vi chậm cấp Sổ đỏ.

Bước 05: Gửi kết quả khiếu nại đến người nộp đơn khiếu nại về việc chậm cấp Sổ đỏ

Trong vòng 03 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải gửi kết quả giải quyết dưới hình thức văn bản cho người khiếu nại.

Lưu ý: Trường hợp ngưởi khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại hoặc đã khiếu nại nhưng không được xem xét giải quyết thì hoàn toàn có thể khởi kiện một vụ án hành chính ra Tòa án Nhân dân có thẩm quyền theo quy định của Luật Tố tụng hành chính hiện hành.


A.Vũ
Cùng chuyên mục