Phí làm Sổ đỏ năm 2020 tăng mạnh?
Mua bán đất không sang tên Sổ đỏ sẽ bị phạt 20 triệu đồng
Sang tên Sổ đỏ thực chất là thủ tục đăng ký biến động khi chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Theo quy định, khi chuyển nhượng, tặng cho thì người sử dụng đất phải đăng ký biến động. Đây là thủ tục bắt buộc.
Khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai 2013 quy định, đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp “sổ đỏ” mà thực hiện quyền chuyển nhượng (mua bán), tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất...
Về thời hạn đăng ký biến động, Khoản 6 Điều 95 Luật Đất đai nêu rõ, trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho có hiệu lực thì phải đăng ký biến động. Với trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.
Như vậy, nếu quá thời hạn trên mà bên nhận chuyển quyền sử dụng đất (người mua, người được tặng cho, người thừa kế) không đăng ký biến động (không sang tên “sổ đỏ”) thì bị xử phạt vi phạm hành chính.
Khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013 quy định: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải đăng ký biến động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày xảy ra biến động (thường sẽ là ngày hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho có hiệu lực).
Theo Điều 17 Nghị định 91/2019, trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định bị phạt tiền với mức phạt đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (tối đa là 20 triệu đồng).
Mua bán đất không có Sổ đỏ sẽ bị phạt 40 triệu đồng
Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định: Người sử dụng đất được chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau: Có giấy chứng nhận; đất không có tranh chấp; quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; trong thời hạn sử dụng đất.
Theo khoản 3 Điều 18 Nghị định 91/2019, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp bằng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện bị phạt tiền. Mức phạt trên đây áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (tối đa là 40 triệu đồng).
Phí làm Sổ đỏ năm 2020 tăng mạnh?
Các khoản tiền phải nộp khi làm “sổ đỏ” gồm tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp Giấy chứng nhận. Trong đó, tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ căn cứ theo giá đất tại Bảng giá đất. Khi giá đất tăng thì tiền làm Sổ đỏ cũng tăng theo.
Điều 3 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định, người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Luật Đất đai, được xác định trên các căn cứ: Diện tích đất được giao, mục đích sử dụng đất, giá đất tính thu tiền sử dụng đất.
Trong đó, giá đất theo Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định áp dụng trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất ở trong hạn mức.
Như vậy, giá đất theo Bảng giá đất là căn cứ tính tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất trong hạn mức. Khi giá đất thay đổi thì tiền sử dụng cũng sẽ thay đổi.
Theo Nghị định 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất được Chính phủ ban hành ngày 19/12/2019, UBND cấp tỉnh xây dựng, điều chỉnh Bảng giá đất tại địa phương áp dụng trong 5 năm (giai đoạn 2020 - 2024). Tại Hà Nội và nhiều địa phương khác, giá đất theo Bảng giá đất mới đã được điều chỉnh tăng, bình quân từ 10-15%.
Như vậy, khi hộ gia đình, cá nhân được cấp “sổ đỏ” theo hình thức công nhận quyền sử dụng đất với diện tích trong hạn mức thì tiền sử dụng đất cũng tăng so với giai đoạn 2015 – 2019.