Quyết định "nóng" về khu đô thị do VIDIFI làm chủ đầu tư "treo, gác" quá lâu

18/05/2023 10:22 GMT+7
Nhiều địa phương kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi các dự án khu công nghiệp, khu đô thị do VIDIFI thực hiện, nhằm tránh lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội do bị "treo, gác" quá lâu.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 173/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về một số dự án khu công nghiệp, khu đô thị do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) làm chủ đầu tư trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.

Tại cuộc hợp trước đó, được tổ chức ngày 14/4/2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải (GTVT), Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công thương, Tư pháp; UBND các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để trao đổi, thống nhất các nội dung liên quan tới các dự án khu công nghiệp, khu đô thị dọc đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mà VIDIFI được giao làm chủ đầu tư.

Chuyển giao dự án khu công nghiệp, khu đô thị bị "treo, gác" quá lâu do VIDIFI làm chủ đầu tư - Ảnh 1.

Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: TA

Được biết, trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định về cơ chế, chính sách thí điểm đầu tư đối với Dự án BOT Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Cụ thể, VIDIFI với vai trò là doanh nghiệp dự án được Chính phủ cho phép triển khai đầu tư các khu đô thị, khu công nghiệp và các khu dịch vụ hậu cần dọc đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Theo Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007, bên cạnh nguồn thu phí trên chính tuyến và Quốc lộ 5, VIDIFI được giao đầu tư 5 khu đô thị (Khu đô thị Gia Lâm và khu đô thị khác tại Hà Nội; Khu đô thị Tràng Cát và Quang Trung tại Hải Phòng; Khu đô thị Gia Lộc tại Hải Dương) và 7 khu công nghiệp (Hưng Đạo, Cầu Cựu tại Hải Phòng; Tân Dân, Thổ Hoàng, Lý Thường Kiệt tại Hưng Yên; Hoàng Diệu, Hưng Đạo tại Hải Dương). Trong quá trình triển khai, số lượng dự án bị "rơi rụng" chỉ còn 5 khu đô thị và 5 khu công nghiệp.

Để đảm bảo tính khả thi Dự án BOT Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Chính phủ tiếp tục cam kết hỗ trợ tối đa 39% tổng mức đầu tư, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng (khoảng 4.069 tỷ đồng).

Đồng thời chuyển khoản vay 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc và khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức được Chính phủ bảo lãnh thành vốn nhà nước đầu tư trực tiếp vào Dự án.

VIDIFI được sử dụng tiền sử dụng đất của Khu đô thị Gia Lâm (khoảng 4.723 tỷ đồng) và các khu đô thị, khu công nghiệp khác (khoảng 500 tỷ đồng).

Sau khi nhận được gói cam kết nói trên, VIDIFI đã triển khai thi công Dự án BOT Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2015 với giá trị quyết toán khoảng 41.399 tỷ đồng; thời hạn vận hành, khai thác công trình là 30 năm, dự kiến kết thúc năm 2045.

Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 8/2022, ngoại trừ Khu đô thị Gia Lâm; các khu đô thị và khu công nghiệp khác đều đang ở trên… giấy, thậm chí còn chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đến nay, nhiều địa phương, trong đó có Hải Dương và Hải Phòng liên tục kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi các dự án nói trên nhằm tránh lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội do bị "treo, gác" quá lâu.

Thông tin về những dự án nằm dọc theo trục cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc VIDIFI cho biết, VIDIFI đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan để tiến hành thủ tục chuyển giao các dự án khu công nghiệp, khu đô thị theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.

Bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan chức năng, VIDIFI thực hiện điều chỉnh các cơ chế, chính sách thí điểm đầu tư Dự án BOT Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được cấp có thẩm quyền phê duyệt cách đây 16 năm.

Thế Anh
Cùng chuyên mục