Samsung - TSMC cạnh tranh khốc liệt khi Mỹ dồn Huawei vào tử địa
Mới đây, Samsung tuyên bố sắp xây dựng dây chuyền sản xuất chip 5nm trong nửa cuối năm 2020 tại Pyeongtaek, phía nam Seoul. Kế hoạch này được công bố ngay sau dự án dây chuyền sản xuất chip tiên tiến tại Hwaseong. Hai dây chuyền đặt tại hai nhà máy mới này sẽ chịu trách nhiệm sản xuất chip sử dụng công nghệ tin tia cực tím EUV, một trong những kỹ thuật sản xuất chip hiện đại bậc nhất hiện nay.
Kế hoạch được công bố chưa đầy một tuần sau khi Bộ Thương mại Mỹ ban hành Bộ Quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài. Bộ Quy tắc yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất chip bằng thiết bị sản xuất của Mỹ phải được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép nếu muốn xuất khẩu cho Huawei. Quy tắc có hiệu lực từ ngày 15/5, dự kiến sẽ tạo thành đòn hiểm chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của Huawei.
HiSilicon, công ty con của Huawei hiện có năng lực thiết kế chipset nhưng việc sản xuất chip phải nhờ đến các công ty sản xuất chip hợp đồng như TSMC (Đài Loan). Đáng nói hơn, TSMC cũng sử dụng thiết bị sản xuất chip có nguồn gốc từ Mỹ. Do đó, 2 ngày sau khi Bộ Quy tắc của Bộ Thương mại Mỹ có hiệu lực, TSMC lập tức ngừng nhận các đơn đặt hàng mới từ Huawei.
Trước nguy cơ mất đi đối tác lớn là Huawei, TSMC đã tuyên bố đầu tư 12 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất chip tiên tiến tại Mỹ, nơi chịu trách nhiệm sản xuất dòng chip 5 nm tiên tiến bậc nhất hiện nay. Việc xây dựng nhà máy dự kiến bắt đầu năm 2021 và đi vào sản xuất năm 2024.
Trong cuộc cạnh tranh với TSMC, Samsung cũng tuyên bố sẽ đầu tư 133 nghìn tỷ Won vào dây chuyền sản xuất chip từ nay đến năm 2030 để hoàn thiện công nghệ đúc chip tiên tiến.
Các nhà phân tích nhận định việc Mỹ chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của Huawei sẽ thúc đẩy Huawei tìm đến với Samsung, một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất toàn cầu tại Hàn Quốc. Điều này sẽ làm nóng lên cuộc cạnh tranh giữa Samsung với TSMC - nà cung cấp chip lâu năm của Huawei.
Chủ tịch luân phiên của Huawei từng tuyên bố công ty có thể tăng cường đặt hàng chip Samsung nếu Mỹ tiếp tục siết chặt nguồn cung chip của doanh nghiệp này. Nhưng có một thực tế cần cân nhắc, Samsung cũng chính là một đối thủ cạnh tranh sống còn của Huawei trên nhiều mặt trận như smartphone và thiết bị viễn thông. Samsung hiện là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới với thị phần 20% toàn cầu, trong khi Huawei và Apple cạnh tranh quyết liệt ở vị trí thứ hai, theo Counterpoint Technology Market Research. Do đó, việc phụ thuộc nguồn cung chip vào công ty đối thủ như vậy là điều Huawei không hề mong muốn.
Eric Chen, một nhà phân tích kỳ cựu của Cornucopia Capital nhận định: “Samsung chắc chắn sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của TSMC. Nhưng đừng quên Samsung cũng là đế chế sản xuất thiết bị điện tử khổng lồ. Không một công ty công nghệ hay nhà phát triển chip nào trên thế giới muốn phụ thuộc nguồn cung linh kiện chip quan trọng vào tay một đối thủ như vậy, Huawei cũng thế. Đó là vấn đề của Samsung”.
Ngược lại, TSMC đơn thuần là nhà sản xuất chip hợp đồng và không tạo nên mối đe dọa cạnh tranh nào với các đối tác như Huawei. Đó là lý do tại sao TSMC nhận được nhiều hợp đồng hơn từ các nhà phát triển chip và các công ty công nghệ trên toàn thế giới. Đó cũng chính là lợi thế đặc biệt của TSMC trước Samsung.
Theo dữ liệu từ TrendForce, hiện TSMC là nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới với thị phần chip đúc hơn 50%. Samsung xếp ngay vị trí thứ hai với thị phần 15%, xếp thứ 3 là Intel của Mỹ.