Sẽ bùng nổ M&A trong lĩnh vực tài chính toàn diện và ví điện tử

27/10/2021 14:52 GMT+7
Sự phát triển như vũ bão của ví điện tử do “thanh toán một chạm” dần trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Các nhà nghiên cứu của PwC Việt Nam kỳ vọng sẽ có nhiều thương vụ sáp nhập và hợp tác kinh doanh lớn trong tương lai gần.
Những phương thức thanh toán nào sẽ đóng vai trò chủ chốt trong tương lai? - Ảnh 1.

Thanh toán trực tuyến sẽ là xu hướng mới trong thời gian sắp tới. Ảnh: ICTnews

Trong những năm gần đây, để bắt kịp với nhu cầu ngày càng cao của người dân về trải nghiệm thanh toán nhanh gọn, tiện ích, các doanh nghiệp đã tăng tốc quá trình số hóa nhằm tạo ra những phương thức thanh toán tiên tiến, hiện đại, trong đó đặc biệt có tài chính toàn diện và ví điện tử.

Công ty Tư vấn Tài chính PwC Việt Nam vừa công bố báo cáo nghiên cứu với tiêu đề "Cách mạng Thanh toán: Định hướng 2025 và tầm nhìn tương lai".

Báo cáo chỉ ra rằng, 6 xu hướng vĩ mô định hình tương lai của lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam. Những xu hướng vĩ mô này được thúc đẩy bởi sở thích của người tiêu dùng, công nghệ, luật định và các hoạt động M&A.

Trong đó tại Việt Nam, các sản phẩm tài chính điện tử chính thống dự báo sẽ được sử dụng nhiều hơn do chúng có tính khả dụng cao và rất tiện lợi. Hơn nữa, sự phát triển như vũ bão của ví điện tử do “thanh toán một chạm” dần trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Các nhà nghiên cứu của PwC Việt Nam kỳ vọng sẽ có nhiều thương vụ sáp nhập và hợp tác kinh doanh lớn trong tương lai gần.

Tài chính toàn diện ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng

Theo PwC, tài chính toàn diện ở các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi các thiết bị di động và khả năng tiếp cận các cơ chế thanh toán thuận tiện, giá cả phải chăng.

Theo một khảo sát do Visa thực hiện, gần một phần ba người tiêu dùng Việt Nam đã sử dụng ngân hàng số để mua sắm và chuyển khoản. Nắm bắt cơ hội trên, các ngân hàng Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, đặc biệt là các công ty fintech, tiếp tục mở rộng sản phẩm và khả năng đáp ứng của họ.

Các sản phẩm tài chính điện tử chính thống dự báo sẽ được sử dụng nhiều hơn do chúng có tính khả dụng cao và rất tiện lợi. Do phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Đông Nam Á không có khả năng chi trả các chi phí liên quan đến chuyển đổi số, việc xoá nhoà những rào cản sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp hội nhập thông qua con đường số hóa

-Đại diện của PwC-

Có thể kể đến một số ví dụ rất thành công trong lĩnh vực này như: dịch vụ đám mây do Techcombank hợp tác với Amazon Web Services và Backbase để triển khai, ngân hàng số VPBank Neo của VPBank, NextPay - công ty xử lý thanh toán đặt mục tiêu huy động 100 triệu USD với một vòng gọi vốn thông qua phát hành riêng lẻ, và Timo - ngân hàng số đầu tiên của Việt Nam, từng ký hợp tác chiến lược với Ngân hàng Bản Việt vào năm 2020 để tiếp tục mở rộng các dịch vụ...

Thậm chí, với mục tiêu tăng cường tài chính toàn diện, vào tháng 3/2021, Chính phủ đã phê duyệt một chương trình thí điểm kéo dài hai năm cho Mobile Money (Ví điện tử viễn thông). Chương trình này nhằm phục vụ đối tượng có điện thoại di động ở các vùng sâu vùng xa mà chưa được tiếp cận và khó tiếp cận với ngân hàng - cho phép người dùng thanh toán các hàng hoá và dịch vụ có giá trị thấp thông qua tài khoản điện thoại di động mà không cần đến ngân hàng truyền thống.

Thị trường ví điện tử tiếp tục phát triển như vũ bão tại Việt Nam

Những phương thức thanh toán nào sẽ đóng vai trò chủ chốt trong tương lai? - Ảnh 4.

Với ví điện tử, việc thanh toán trở nên dễ dàng hơn trước rất nhiều. Ảnh: nganluong.vn

Cũng theo báo cáo của PwC, thanh toán bằng ví điện tử tại Đông Nam Á đạt giá trị hơn 22 tỷ USD vào năm 2019 và được dự đoán sẽ tăng hơn gấp 5 lần, vượt quá 114 tỷ USD vào năm 2025.

"Đông Nam Á đã chứng kiến sự phát triển như vũ bão của ví điện tử do “thanh toán một chạm” dần trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Chúng tôi kỳ vọng khu vực này sẽ chứng kiến nhiều thương vụ sáp nhập và hợp tác kinh doanh lớn trong tương lai gần".

-Đại diện của PwC-

Trong những năm qua, thị trường ví điện tử tiếp tục bùng nổ tại Việt Nam. Theo một khảo sát gần đây của Visa, 85% người tham gia khảo sát có ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán. 71% sử dụng các ứng dụng này ít nhất một lần một tuần.

Với hơn 40 nhà cung cấp ví điện tử, thị trường Việt Nam được ví như 'chiếc áo đã chật'. Ba ví điện tử dẫn đầu gồm có Momo, Moca và ZaloPay chiếm 90% thị phần, không còn quá nhiều 'đất' cho các nhà cung cấp khác.

Mặc dù vậy, các ví điện tử lớn cũng đang gặp khó khăn khi họ không thể hiện được lợi thế cạnh tranh của mình so với các ứng dụng phát triển bởi ngân hàng truyền thống vốn đã bắt kịp các chức năng của ví điện tử. Nhu cầu giành lợi thế cạnh tranh trong tương lai có thể thúc đẩy các nhà cung cấp ví điện tử sáp nhập thành một vài siêu ứng dụng (super app) hàng đầu trong khu vực và địa phương nhằm thống lĩnh thị trường. Các siêu ứng dụng có thể tạo ra là nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa ví điện tử và các dịch vụ kỹ thuật số khác (ví dụ: thương mại điện tử, gọi xe và giao đồ ăn). Những thương vụ mua lại đình đám có thể kể đến như: Grab mua 3,5% cổ phần của Moca để liên kết chức năng thanh toán sang ví điện tử; Airpay (nay là ShopeePay) đã bán 30% cổ phần cho Sea Ltd, công ty sở hữu Shopee Việt Nam…

Dự báo trong tương lai, những siêu ứng dụng và các nhà cung cấp dịch vụ thuộc các nhóm ngành kinh tế khác sẽ bắt tay hợp tác. Tại Việt Nam, các công ty thương mại điện tử hàng đầu như Tiki và Lazada đã tích hợp các giải pháp thanh toán kỹ thuật số vào cơ sở hạ tầng: tương ứng là Momo và eMoney. Ngoài ra, ZaloPay đã chào đón thêm 269 đối tác mới trong năm qua bên cạnh các thương hiệu hiện tại, như Baemin, Sendo, Circle K,... Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính cũng có thể tận dụng siêu ứng dụng như một kênh phân phối mới.

Lê Phương
Cùng chuyên mục