Sóc Trăng có cơ hội lớn trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng ĐBSCL
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã công bố danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam. Theo quyết định mới, cảng biển Việt Nam có 296 bến cảng, quy định mới có những thay đổi về số lượng bến cảng ở nhiều khu vực.
Cụ thể, Quảng Ninh có 14 bến, Hải Phòng có 50 bến, Nam Định 3 bến, Thái Bình 2 bến,Thanh Hóa 10 bến, Nghệ An 7 bến, Hà Tĩnh có 6 bến, Quảng Bình 4 bến, Quảng Trị 2 bến, Thừa Thiên-Huế 2 bến, Đà Nẵng 8 bến, Quảng Nam 3 bến, Quảng Ngãi 8 bến, Bình Định 4 bến, Phú Yên 1 bến, Khánh Hòa 17 bến, Ninh Thuận 3 bến, Bình Thuận 6 bến.
Tại khu vực phía Nam, cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu có 47 bến cảng, Bình Dương 1 bến, Đồng Nai 18 bến, TP.HCM 40 bến, Long An 3 bến, Tiền Giang 2 bến, Đồng Tháp 3 bến, Bến Tre 1 bến cảng, Vĩnh Long 3 bến, Cần Thơ 17 bến, Hậu Giang 2 bến, Sóc Trăng 1 bến, Trà Vinh 2 bến, An Giang 1 bến, Kiên Giang 4 bến và Cà Mau 1 bến.
Tại Hải Phòng không còn bến cảng Cơ khí Hạ Long và bến cảng Biên phòng. Tại TP.HCM không còn các bến cảng Tân Cảng, bến cảng xi măng Holcim Hiệp Phước và bến cảng Nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển Ba Son.
Hai bến cảng Bến cảng tổng hợp VIMC Hậu Giang và bến cảng chuyên dùng quốc tế Lee & Man thuộc về cảng biển Hậu Giang, thay vì cảng biển Cần Thơ như trước. Bến cảng Superdong Trần Đề - Sóc Trăng cũng thuộc khu vực cảng biển Sóc Trăng, thay vì Cần Thơ.
Trao đổi với PV về việc giao lại một số cảng về cho địa phương quản lý, TS. Trần Khắc Tâm, ĐBQH khoá 13, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho rằng: "Bộ GTVT có những thay đổi về số lượng bến cảng ở nhiều khu vực. Trong đó, sắp xếp lại một số bến cảng giao lại cho địa phương quản lý khai thác là hợp lý".
Theo TS. Trần Khắc Tâm, việc giao cảng biển cho địa phương sẽ giúp địa phương cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo ra đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng Chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
"Việc này kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, từ tìm hiểu, lập dự án đầu tư đến cả quá trình sản xuất kinh doanh tại địa phương", TS. Trần Khắc Tâm chia sẻ.
Sóc Trăng đứng trước cơ hội lớn
Theo TS. Trần Khắc Tâm, danh mục mà Bộ GTVT công bố có nhiều "điểm sáng", cơ hội cho các địa phương phát triển. Đặc biệt là các tỉnh vùng Đồng bằng sông cửu long (ĐBSCL) sẽ có nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch vùng ĐBSCL.
Đến nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 816/QĐ-TTg ngày 7/7/2023 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Chính phủ xác định đến năm 2030, sẽ hoàn thiện xây dựng hệ thống các trung tâm đầu mối đã được xác định trong quy hoạch vùng ĐBSCL gắn với tiến trình đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi.
Đồng thời, quy hoạch và phát triển các thị trấn nông - công nghiệp gắn với các trung tâm đầu mối về nông nghiệp và tăng cường liên kết với hệ thống đô thị có vai trò trung tâm của vùng, tiểu vùng để thúc đẩy việc đào tạo, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và đẩy mạnh thương mại, dịch vụ logistic, kết nối thị trường của các sản phẩm nông sản.
Xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu chủ lực, tập trung gắn với quá trình tích tụ đất đai đảm bảo phục vụ lâu dài, bền vững cho các cơ sở chế biến nông nghiệp - thủy sản của vùng.
Bên cạnh đó, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ giảm tối đa chi phí sản xuất, vật tư nông nghiệp và từng bước giảm dần lao động trong nông nghiệp. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng nguyên liệu với lộ trình phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp và đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông và dịch vụ logistic.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 25/8/2023). Trong đó, tỉnh Sóc Trăng được xác định trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng ĐBSCL, là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề. Tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng ĐBSCL gắn với phát triển cảng biển Trần Đề...
TS. Trần Khắc Tâm lý giải sở dĩ, tỉnh Sóc Trăng được đặt mục tiêu trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông là vì tỉnh Sóc Trăng có vị trí quan trọng trong khu vực duyên hải phía Đông vùng ĐBSCL.
Sóc Trăng có diện tích tự nhiên hơn 3.311 km2 - đứng thứ 6 trong vùng, dân số gần 1,2 triệu người - đứng thứ 9 trong vùng, với bờ biển dài hơn 72 km, nằm trong vùng hạ lưu sông Hậu với hai con sông chính là sông Hậu, sông Mỹ Thanh (có ba cửa sông chính ra biển Đông là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh), có vị trí cách trung tâm vùng ĐBSCL- TP.Cần Thơ 60 km.
Để sớm cụ thể hóa quy hoạch của tỉnh là đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và một trong những cửa ngõ của vùng, Chính phủ cũng đã đề nghị tỉnh Sóc Trăng phối hợp Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch cụ thể để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.