Startup ứng dụng công nghệ sinh học biến lá ổi, quả chanh thành món "hái ra tiền"
Ngày 31/7/2023, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị online với chủ đề: "Khởi nghiệp ứng dụng Công nghệ sinh học trong Nông nghiệp".
Dùng công nghệ sinh học để thay đổi phương thức canh tác cây chanh của bà con
Tại Hội nghị, anh Đặng Văn Hóa – Giám đốc HTX Chanh Nam Kim đã chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình. Vì khao khát muốn làm giàu trên trên chính quê hương mình, anh Hóa đã nuôi dưỡng ý tưởng phát triển từ giống chanh Thiên Nhẫn. Sau nhiều năm tìm hiểu, học hỏi và tích lũy vốn liếng, năm 2020, anh Hóa quyết tâm khởi nghiệp với cây chanh.
"Bản thân tôi đã ăn học, lớn lên nhờ những quả chanh. Theo đó, tôi mong muốn mình khởi nghiệp bằng loại quả này", Hóa chia sẻ.
Theo đó HTX nông nghiệp công nghệ cao sản xuất và chế biến Chanh Nam Kim đã được thành lập với mục tiêu phục tráng, bảo tồn và phát triển Chanh truyền thống; nâng cao giá trị cây chanh về chất lượng và sản lượng; khôi phục các vùng chanh đang bị thoái hóa bằng các chế phẩm sinh học để làm giảm chi phí cho bà con; tăng diện tích trồng cây chanh tại các vùng hoang hóa, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái...
"Theo dõi quá trình phát triển của cây chanh, tôi nhận thấy, sau một thời gian dài cây chanh bị thoái hóa rất rõ, năng suất và chất lượng bị giảm mạnh. Phải giảm từ 50-60%, cây vàng hoe, quả bé đi rất nhiều. Trồng đi trồng lại khoảng 3-5 năm cây chanh bị chết. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều", anh Hóa chia sẻ.
Sau đó, Hóa đã thay đổi dần về phương thức trồng chanh. Anh bắt đầu ứng dụng công nghệ sinh học để làm thay đổi một số canh tác của bà con, đặc biệt là ứng dụng phân hữu cơ có sẵn, bên cạnh đó, ứng dụng một số chủng vi sinh rồi hướng dẫn bà con ủ, lên men làm phân bón cho cây. Về giống cũng chọn lại được giống, ghép phương pháp mới nên cũng phát triển tốt hơn.
Với cách làm bài bản và khoa học bước đầu HTX của ông Hóa đã tạo ra nhiều sản phẩm từ chanh, và đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu; Các nhóm từ sản phẩm chanh như tinh dầu, bột lá chanh, bột trắng da, thực phẩm chức năng, bột chanh hương liệu, bột chanh hòa tan, dầu gội đầu, dầu xả, nước giặt quần áo, nước rửa chén, nước lau sàn nhà...
Anh Hóa chia sẻ, hiện HTX Chanh Nam Kim có 9 nhà phân phối trên 9 tỉnh, sản lượng ra hàng tháng cũng đảm bảo nuôi được 12 nhân công.
HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP để tạo ra những quả chanh sạch, chất lượng; xưởng sản xuất chế biến chanh dần được hoàn thiện với hệ thống máy móc hiện đại, công suất chế biến hơn 1.000 tấn chanh/năm; HTX đã ứng dụng công nghệ hiện đại, với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, địa phương và sự tư vấn của các chuyên gia hàng đầu để sản xuất, chế biến nhiều sản phẩm đa dạng từ chanh phục vụ người tiêu dùng trong nước và định hướng xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Đặc biệt, đã khôi phục, phát triển vùng chanh giấy Thiên Nhẫn ở xã Nam Kim và các xã phụ cận.
Được biết, năm 2020, Dự án "Chanh Thiên Nhẫn – Hành trình theo dấu chân Người" của anh Đặng Văn Hóa đã đạt giải Nhất Cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", do UBND tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An tổ chức.
Startup dùng công nghệ sinh học "biến lá ổi ra tiền"
Chia sẻ quá trình dùng công nghệ sinh học giúp người dân có thêm thu nhập từ lá ổi, chị Nguyễn Thanh Phương - Giám đốc Kinh doanh Dự án "Tôi là Thảo mộc" của Tuệ Viên cho biết, với mong muốn cải thiện chất lượng cuộc sống từ những sản phẩm thiên nhiên, Dự án "Tôi là Thảo mộc" đã ra đời vào năm 2019.
Các dòng sản phẩm của "Tôi là Thảo mộc" được chia thành 2 nhóm gồm: Sản phẩm chăm sóc gia đình (Nước rửa bát, rửa tay, lau sàn) và sản phẩm chăm sóc cá nhân (Gội đầu, súc miệng, xịt thơm miệng).
"Những sản phẩm của "Tôi là Thảo mộc" sử dụng công nghệ sinh học và hợp chất thiên nhiên. Công nghệ này chiết suất các loại cây trồng bản địa. Thay vì khai thác trên các cây trồng ngoại lai, Tuệ Viên sẽ tập trung vào cây trồng bản địa nhiều hơn. Trong đó, ổi là dòng cây chính mà chúng tôi sử dụng công nghệ sinh học của mình để chiết xuất thành những sản phẩm an toàn, sạch từ thiên nhiên", chị Nguyễn Thanh Phương chia sẻ.
Chị Phương cho biết, nhờ sử dụng công nghệ sinh học đã kích hoạt chất kháng khuẩn trong lá ổi cần thiết để đưa vào sản xuất các sản phẩm có tỷ lệ diệt khuẩn cao trên các loại khuẩn cơ bản gây ra các vấn đề liên quan đến tiêu hóa đường ruột hay da, phụ khoa.
Chia sẻ về những khó khăn của "Tôi là Thảo mộc", bà Phương cho biết, hiện nay, vẫn còn nhiều rào cản để người dân có thể tiếp cận được với những sản phẩm như "Tôi là Thảo mộc". Câu hỏi lớn nhất của người dùng: Sản phẩm này có đúng như nhà sản xuất đang nói hay không, giá như hiện tại liệu có thể chấp nhận được hay không so với hàng nhập khẩu.
Bên cạnh đó là sự cạnh tranh sản phẩm nội địa và nhập khẩu: Cùng là sản phẩm như nhau, nhưng mức giá chênh nhau nên người tiêu dùng thường chọn sản phẩm nhập khẩu.
Tiếp đến là vấn đề làm thị trường: Khó khăn lớn nhất của các sản phẩm "Tôi là Thảo mộc" là việc đi vào các kênh truyền thống như chợ dân sinh, tạp hóa khá khó để xâm nhập vào thị trường. Thay vào đó, chúng tôi sẽ dùng các kênh online, sàn thương mại điện tử để bán sản phẩm từ thiên nhiên.
Chị Phương mong muốn nhà nước sẽ có những cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp tạo tác tác động xã hội như hỗ trợ về vốn, đào tạo nhân lực...