Sửa quy định về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Ngân hàng hưởng lợi thế nào?
Tháo gỡ nút thắt huy động vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)
Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mới được Chính phủ ban hành.
Theo đó, một số thay đổi chính của Nghị định 65 gồm có:
Thứ nhất, nâng cao tiêu chuẩn về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp: Theo đó, nghị định 65 bổ sung quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bên cạnh việc nắm giữ danh mục ít nhất 2 tỷ đồng còn cần phải duy trì con số này bình quân trong 180 ngày liền kề. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.
Hai là, tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư: Các quy định chặt chẽ, hướng tới việc báo cáo và công bố thông tin minh bạch và rõ ràng. Quy định liên quan đến quyền biểu quyết và tỷ lệ thông qua tối thiểu 65% tổng số trái phiếu đang lưu hành giúp các trái chủ chủ động nắm bắt thông tin về doanh nghiệp và dự án mà mình đang đầu tư.
Ba là, không siết điều kiện chào bán, nhưng yêu cầu chặt chẽ hơn về hồ sơ chào bán và phương thức phát hành: Quy định mới giải tỏa nỗi lo của thị trường khi các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ. Đây là một hướng đi đúng và phù hợp với thông lệ quốc tế về trái phiếu. Mặc dù vậy, hồ sơ chào bán và phương thức phát hành được yêu cầu cao hơn, do đó nhà phát hành phải thực sự có năng lực và hồ sơ minh bạch thì mới có thể tham gia hoạt động phát hành trái phiếu.
Bốn là, xếp hạng tín nhiệm bắt buộc trong một số trường hợp: Quy đinh này phù hợp với bối cảnh thị trường Việt Nam, cũng như hướng tới hoạt động thị trường hiệu lực và hiệu quả. Việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm bắt buộc với một số trường hợp sẽ đem lại nhiều lợi ích cho không chỉ nhà đầu tư mà với chính nhà phát hành và thị trường nói chung.
Đánh giá tác động của Nghị định 65, nhóm phân tích thuộc FiinRatings/ FiinGroup cho biết, nghị định sẽ tháo gỡ nút thắt huy động vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp.
Trên thực tế, mặc dù kênh vốn tín dụng ngân hàng cũng được nới ở mức độ nhất định nhưng không thể đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nhất là các ngành có nhu cầu vốn trung và dài hạn như bất động sản và năng lượng. Trong khi đó, hoạt động phát hành TPDN của ngành đang rất yếu, thậm chí có những tháng chỉ có 1, 2 đợt phát hành của ngành. Do đó, Nghị định 65 ra đời sẽ tạo động lực cho các nhà phát hành đủ điều kiện nhanh chóng xây dựng phương án chào bán trái phiếu. Nhu cầu phát hành trái phiếu được giải tỏa, khối lượng phát hành dự kiến sẽ gia tăng trở lại.
Ngân hàng thương mại hưởng lợi thế nào?
Đánh giá tác động đến hệ thống ngân hàng, nhóm phân tích dự báo, Nghị định 65 sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro mất cân đối nguồn vốn hệ thống ngân hàng, do đó các ngân hàng thương mại sẽ được hưởng lợi từ chính sách mới.
Thực tế cho thấy, tín dụng bất động sản có đến 94% nguồn vốn là cho vay trung và dài hạn nhưng lại đang đè nặng lên hệ thống ngân hàng thương mại vốn có bản chất huy động ngắn hạn.
Nhu cầu vốn của ngành bất động sản gây sức ép trong khi các các ngân hàng mặc dù đã được nới room nhưng không quá nhiều khiến cho áp lực ngày một tăng cao. Hơn nữa, trong thời gian tới các tổ chức này vẫn tiếp tục phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn xuống 34% theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi đó, tính đến hết tháng 6/2022, dư nợ TPDN đang lưu hành đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng và mới chỉ tương đương 1/3 tổng dư nợ tín dụng vay trung – dài hạn của hệ thống ngân hàng, đồng nghĩa với việc thị trường TPDN đang tăng trưởng rất nhanh và còn nhiều dư địa phát triển.
"Nghị định 65 tạo hành lang pháp lý và chế tài rõ ràng sẽ khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp tiếp cận kênh trái phiếu, từ đó giảm tải gánh nặng đối với nguồn tín dụng hiện nay", nhóm phân tích nhận định.
Nhóm phân tích cũng kỳ vọng các ảnh hưởng tích cực của Nghị định 65 sẽ giúp phát triển thị trường TPDN thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chính, trả lại chức năng thực cho kênh tín dụng ngân hàng là nguồn vốn ngắn hạn tập trung cho vay tiêu dùng và mua nhà.
Ở một góc nhìn khác, ngân hàng vẫn là một trong số những nhà đầu tư chủ chốt của thị trường TPDN, đặc biệt khi đây là sản phẩm có mức lợi suất cao hơn nhiều lần so với trái phiếu chính phủ.
Tuy nhiên, việc đầu tư và giao dịch TPDN hiện được hạn chế bởi Thông tư 16 và điều kiện "room" tín dụng hạn chế, ngân hàng sẽ chỉ tham gia đầu tư vào thị trường TPDN một cách chọn lọc.
Ở góc độ này, các chuyên gia đánh giá cầu về thị trường TPDN vẫn phải đợi các định chế tài chính phi ngân hàng như quỹ trái phiếu, quỹ hưu trí,... để phát triển.