“Tắc Kè Hoa” Kamereo và câu chuyện thay đổi để sống sót trong đại dịch
Thay đổi để sống sót vượt khó
Từng từ bỏ vị trí Giám đốc vận hành Pizza 4P’s để tự khởi nghiệp, Taku Tanaka đã bắt đầu với “giấc mơ lớn” là muốn góp phần thay đổi ngành ẩm thực Việt Nam với một thương hiệu nhà hàng ẩm thực và cung cấp thực phẩm sạch cho các chuỗi nhà hàng. Anh đặt tên cho nhà hàng của mình là “Kamereo” (tắc kè hoa).
Mọi việc đáng suôn sẻ khi thương hiệu của anh ngày càng được nhiều đối tác nhà hàng yêu quý và chứng tỏ được cam kết cung cấp thực phẩm “chất lượng nhà hàng giá siêu thị” của mình không phải chỉ để PR thì Covid-19 bùng phát và lệnh giãn cách xã hội được đưa ra.
Giãn cách toàn xã hội tức đồng nghĩa với việc những đối tác nhà hàng của họ không được mở cửa kinh doanh mà chỉ có thể bán online. Với đặc thù phân khúc, việc các nhà hàng chuyển qua bán online không thực sự hiệu quả, nên hầu hết nhà hàng đều quyết định đóng cửa. Và hậu quả là doanh số của Kamereo ngay lập tức giảm 70%.
Vấn đề khó khăn ở đây là mô hình kinh doanh cốt lõi của Kamereo chủ yếu phục vụ ngành nhà hàng/khách sạn, nên Taku Tanaka không hề có bất cứ phương án kinh doanh nào để đối phó với biến cố này. Tuy nhiên, với bản lĩnh của người từng được chọn làm Giám đốc vận hành của Pizza 4P’s khi còn rất trẻ, Taku Tanaka không chịu ngồi im chờ chết. Anh cùng đội ngũ ngay lập tức tìm cách xoay chuyển tình hình, nếu mình không thể bán hàng theo kiểu B2B nữa thì có thể chuyển sang B2C.
Tuy nhiên, vì không có sự chuẩn bị trước, nên Kamereo không có bất cứ công cụ gì để phục vụ việc chuyển hướng chiến lược đột ngột; họ buộc phải bắt đầu xây dựng một nền tảng mới. Và mục tiêu lúc này là phải xây thật nhanh để đưa vào hoạt động chứ không thể làm chậm rãi và kỹ càng như trong thời bình. Với quyết tâm cao độ, chỉ 1 tháng sau, Kamereo đã có thể trình làng nền tảng bán thực phẩm B2C online của mình với tên gọi là KameMart.
KameMart thừa hưởng từ mô hình hoạt động trước đó của Kamereo, như: mạng lưới liên kết với các nhà cung cấp đối tác, hệ thống kho bãi, hệ thống quản lý đơn hàng. Nhờ đó, nền tảng có nhiều lợi thế về giá cả và chất lượng thực phẩm.
Đại diện KameMart cho biết, nhờ mạng lưới các nhà cung cấp có sẵn trong quá trình vận hành Kamereo và KameRau, nền tảng có cơ sở để thương thảo giá và cung cấp thực phẩm đến người tiêu dùng với mức phải chăng.
Các đơn vị cung cấp thực phẩm mà KameMart lựa chọn đều đáp ứng những yều cầu khắt khe của nhà hàng cao cấp. Vì vậy, người dùng khi đặt thực phẩm qua nền tảng, vừa có thể nhận hàng chất lượng cao mà vẫn hưởng mức giá ưu đãi.
Ước mơ thay đổi ngành ẩm thực Việt Nam
Trong đợt bùng phát Covid-19 lần thứ hai này, Kamereo đã chủ động đa dạng hóa kênh bán cho nên dù doanh thu chung của thị trường F&B giảm xuống khoảng 30% nhưng Kamereo giảm xuống khoảng 20%.
Ngoài kênh bán qua app và website của bản thân, Kamereo còn đưa KameMart lên các ứng dụng và nền tảng thương mại điện tử khác như Grab, Shopee, Lazada. Thậm chí, Kamereo còn xây dựng một nhà kho gần nhà kho trong nội thành nhằm bảo đảm thực phẩm của KameMart lúc nào cũng sẵn sàng đến tay người tiêu dùng nhanh nhất và tươi ngon nhất.
Với việc đi cả hai kênh B2B và B2C, Kamereo trở nên vững vàng hơn trên con đường thực hiện sứ mệnh được nhiều người cho là không tưởng – “chất lượng nhà hàng giá siêu thị”, cho ngành nhà hàng/khách sạn và các thực khách – người tiêu dùng cuối.
Tanaka chia sẻ: “Sau rất nhiều năm làm việc trong ngành F&B Việt Nam, tôi nhận thấy người Việt Nam có lẽ đã quá khắt khe với các sản phẩm quốc nội. Chất lượng ngành nông nghiệp Việt Nam khá tốt nếu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia hoặc Indonesia. Nếu ai đó thường xuyên chê thực phẩm Việt Nam chỉ toàn hàng bẩn, thì hãy một lần sang Indonesia hoặc Malaysia, bạn sẽ có một cái nhìn thiện cảm hơn với đồ Việt.
Tôi nghĩ, vấn đề ở đây nằm nhiều ở khâu trung gian mua bán – vận chuyển, khiến lúc thực phẩm đến tay người tiêu dùng bị biến dạng, thêm hóa chất hoặc không còn tươi ngon như lúc đầu thu hoạch. Kamereo ra đời với mục tiêu rút ngắn khoảng cách từ nhà cung cấp đến người tiêu dùng, khiến thực phẩm đến tay người tiêu dùng tươi ngon và sạch nhất có thể“.
Hiện tại dịch vụ giao thực phẩm của KameMart triển khai tại hầu hết các quận của TP HCM. Nền tảng cung cấp các mặt hàng đa dạng như loại thịt, rau, gia vị, trứng, phô mai, đồ dùng gia đình… Hàng được nhập mới mỗi ngày từ các nông trại tại Đà Lạt và Củ Chi. Để đảm bảo độ tươi ngon của thực phẩm, tất cả các đơn hàng sẽ được xác nhận trước 22h mỗi ngày, và giao vào hôm sau. KameMart giao hàng trong khung từ 9h-18h. Khách hàng có thể chọn khung giờ nhận phù hợp.
Nhờ có sự linh hoạt như chính cái tên Kamereo (nghĩa là con tắc kè trong tiếng Nhật), luôn chuyển đổi mình từng ngày để phù hợp với chuyển động thị trường và ngày hôm nay luôn tốt hơn ngày mai. Thế nên, Tanaku cho rằng startup của mình sẽ vượt qua khó khăn do đại dịch.
Hiện tại, KameMart có khoảng 3.000 user và khoảng 10% trong đó là khách hàng thường xuyên của siêu thị online này. Trong đó có những nhà hàng có thương hiệu như Là Việt Coffee, Cuốn và Chấm, Lion City Group, Cục Than Bistro…
Trong thời gian tới, Kamereo sẽ thường xuyên cập nhật ứng dụng để sửa lỗi và gia tăng tính năng mới nhằm tăng trải nghiệm của khách hàng đồng thời vận hành nội bộ một cách tối ưu.
Trước đó, Kamereo nhận vốn từ hai quỹ đầu tư là Genesia Ventures (Nhật Bản) và Velocity Venture (Việt Nam). Startup cũng dự định phát triển hoàn thiện nền tảng KameMart tại TP HCM trước khi gọi thêm vốn để mở rộng hoạt động ra Hà Nội và các tỉnh, thành khác.